Cổ phiếu BĐS giảm trong tuần 7 - 11/3, nhóm khu công nghiệp là tâm điểm
Các cổ phiếu bất động sản đa phần biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 7 - 11/3, trong đó các mã thuộc nhóm khu công nghiệp đua nhau giảm sâu.
Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tuần giao dịch từ 7 - 11/3 khi giá dầu và giá vàng có những sự điều chỉnh rõ nét ở các phiên cuối tuần. Nỗi lo về lạm phát trong nước tiếp tục gia tăng khi giá xăng lập đỉnh mới và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi lo ngại những diễn biến khó lường từ tình hình chính trị thế giới có thể xảy ra trong 2 ngày nghỉ cuối tuần.
VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.466,54 điểm, tương ứng giảm 38,79 điểm (-2,58%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 8,39 điểm (-1,86%) xuống 442,2 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn tăng 2,08 điểm (+1,84%) lên 115,37 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh tăng nhẹ so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình của 20 tuần gần nhất cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua là tương đối mạnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch có phần tiêu cực trong tuần qua. Sự lo ngại về lạm phát tăng cao tác động đến tài sản rủi ro nói chung và ngành bất động sản nói riêng khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn.
Trong tổng số 123 mã bất động sản đang giao dịch trên toàn thị trường có 87 mã giảm trong khi chỉ có 28 mã tăng. Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong nhóm này là VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC với hơn 15% từ mức 31.200 đồng/cp xuống còn 26.500 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu này đã có 2 tuần lao dốc liên tiếp từ mức 37.950 đồng/cp xuống 26.500 đồng/cp, tương ứng mức mất gần 31%.
Hai vị trí tiếp theo trong danh sách giảm giá mạnh ở nhóm bất động sản là HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước và VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam với lần lượt 14,8% và 14,6%. Tuy nhiên, cả hai cổ phiếu này đều thuộc diện có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chưa đến 100 đơn vị/phiên.
Cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings cũng gây chú ý khi giảm 14,6% với thanh khoản tăng 57% so với tuần trước đó. Mới đây, DRH công bố giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 28/2. Cụ thể, DRH sẽ phát hành hơn 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ của DRH dự kiến tăng từ 610 tỷ đồng lên 1.213 tỷ đồng. Như vậy, nếu thành công chào bán 100% lượng dự kiến, DRH có thể thu về gần 724 tỷ đồng. Công ty này dự kiến sử dụng 500 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn, sử dụng 200 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) và số tiền còn lại bổ sung vốn lưu động.
Tuần giao dịch từ 7 - 11/3 là thời điểm không mấy vui vẻ đối với nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp. Cổ phiếu IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam giảm gần 13%. Mới đây, IDJ đã báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng. Đơn vị này cho biết đã hoàn thành phát hành hơn 73,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:1.
Hai cổ phiếu khu công nghiệp khác là SZC của CTCP Sonadezi Châu Đức và TIP của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa cũng giảm khá mạnh trong tuần qua với lần lượt 12,7% và 12,3%.
Ở chiều ngược lại, trong nhóm bất động sản chỉ có 2 cổ phiếu tăng giá trên 10% trong tuần qua là CSC của CTCP Tập đoàn COTANA và FID của CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, CSC tăng mạnh nhất với 13,9%. Hai cổ phiếu này tăng giá dù không có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào.
Cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng gây bất ngờ khi tăng 9,74% chỉ sau một tuần giao dịch.
Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng có biến động tích cực trong tuần qua là AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (7,4%), TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (5,3%)…
Top 10 mã vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản đa số đều giảm giá, trong đó, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng giảm mạnh nhất với 8,52%. Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra định giá kém hấp dẫn đối với cổ phiếu DIG. Cụ thể, VCSC cho rằng đà tăng mạnh của giá cổ phiếu DIG không phản ánh đúng giá trị cơ bản, do đó duy trì khuyến nghị bán đối với cổ phiếu này. Mức giá hợp lý VCSC đưa ra chỉ là 42.000 đồng/cổ phiếu do đưa vào định giá dự án Khu công nghiệp Đức Hòa Resco 3 mà DIG mua lại vào cuối năm 2021, chịu ảnh hưởng một phần bởi số dư nợ ròng cao hơn tính đến cuối năm 2021.
Cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp cũng giảm 8,24%. VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail giảm lần lượt 3,72% và 5,6%./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận