Cổ phiếu bất động sản đồng loạt lao dốc trong tuần 10 - 14/1
Cổ phiếu bất động sản là một trong những nhóm tiêu cực nhất trong tuần qua khi mà liên tiếp những thông tin không tích cực về nhóm ngành này xuất hiện đã khiến cho các nhà đầu tư vội vàng bán tháo.
Sau hai tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường đã phải điều chỉnh trở lại trong tuần từ 10 - 14/1. VN-Index giảm 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước đó và đứng ở mức 1.496,02 điểm. HNX-Index giảm 26,98 điểm (-5,46%) xuống 466,86 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 3,38 điểm (-2,92%) xuống 112,22 điểm.
Cổ phiếu bất động sản là một trong những nhóm tiêu cực nhất trong tuần qua khi mà liên tiếp những thông tin không tích cực về nhóm ngành này xuất hiện đã khiến cho các nhà đầu tư bán mạnh nhóm này, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn trong vài phiên trước khi có sự hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần.
Thông tin tiêu cực nhất đối với nhóm bất động sản có thể kể đến việc một doanh nghiệp bất động sản xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm. Trước đó, Lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng thầu ngày 10/12/2021với giá 24.500 tỷ đồng và đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng, đây là thông tin tạo động lực rất lớn giúp hàng loạt cổ phiếu bất động sản bứt phá trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, sự việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC bán “chui” lượng lớn cổ phiếu FLC cũng tác động xấu đến nhóm cổ phiếu thuộc họ FLC cũng như nhóm cổ phiếu đầu cơ nói chung. Theo đó, ông Quyết đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1. Ngay sau đó, tài khoản của ông Quyết đã bị phong tỏa và giao dịch kể trên đã bị Sở thông báo hủy bỏ từ ngày 11/1.
Thông kê 123 cổ phiếu bất động sản giao dịch trên thị trường trong tuần qua có đến 95 mã giảm trong khi chỉ có 23 mã tăng giá.
Các cổ phiếu bất động sản có đợt tăng rất mạnh trước đó là PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô, FLC của Tập đoàn FLC, HAR của Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, CEO của Tập đoàn C.E.O, LDG của CTCP Đầu tư LDG, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng… đều đồng loạt lao dốc trong tuần giao dịch từ 10 – 14/1.
Cổ phiếu PFL giảm mạnh nhất nhóm bất động sản với 33,3%. Trước đó, cổ phiếu này có khoảng thời gian tăng giá rất mạnh nhờ nhà đầu tư tin rằng sự hồi sinh của dự án Nhiệt điện Thái Bình sẽ tác động tích cực đến PFL. PFL đang thầu thi công nhiều hạng mục cho dự án nhiệt điện này. Về dự án nhiệt điện Thái Bình, từ chỗ đắp chiếu, đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - dự án có tổng vốn đầu tư hơn 42.000 tỷ, đã lấy lại tiến độ và phấn đấu về đích trong năm 2022.
Cổ phiếu đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là FLC với 28,6%. Cổ phiếu này đã “hứng trọn” 3 phiên giảm sàn trong tình trạng “đóng băng” thanh khoản sau khi Bộ Tài chính quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Ở hai phiên 10 và 11/1, FLC đều khớp lệnh trên 100 triệu cổ phiếu, đặc biệt ở phiên 11/1, cổ phiếu này khớp lệnh kỷ lục gần 155 triệu đơn vị.
Cổ phiếu cùng họ FLC là AMD cũng giảm gần 24,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Tương tự FLC, AMD cũng chịu ảnh bị bán tháo trong 3 phiên 12, 13 và 14/1 với thanh khoản đóng băng.
Hai cổ phiếu CEO và DIG cũng lao dốc với mức giảm lần lượt 23% và 17,5%. Đây cũng chính là 2 cổ phiếu có nằm trong diện tăng rất “nóng” trên thị trường chứng khoán thời gian qua.
Trước đà bùng nổ của rất nhiều mã thuộc nhóm bất động sản đặc biệt là hàng loạt mã có yếu tố đầu cơ cao, nhiều chuyên gia cảnh báo trước đó nhưng dường như nhà đầu tư không nhận ra được những rủi ro xung quanh mà vẫn lao theo những “con sóng” này. Việc các cổ phiếu này lao dốc trong tuần qua chính là bài học lớn nhất mà nhà đầu tư cần ghi nhớ khi tiếp tục tham gia vào thị trường chứng khoán thời gian tới.
Không phải tất cả các cổ phiếu bất động sản đều biến động tiêu cực trong tuần từ 10 – 14/1, trong đó, “tân binh” BIG của CTCP Big Invest Group tăng đến 142%. BIG chào sàn UPCoM hôm 10/1 với giá tham chiếu chỉ 10.900 đồng/cp. Cổ phiếu này tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch và đạt mức 26.378 đồng/cp. BIG được thành lập năm 2017, hoạt động kinh doanh chính xoay quanh lĩnh vực mua bán và cho thuê bất động sản, sự kiện, xây dựng với vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 10 tỷ đồng. Sau hai lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của BIG đã đạt 50 tỷ đồng.
Cổ phiếu DCH của CTCP Địa chính Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản với 38,8%. Cổ phiếu DCH chỉ có duy nhất một phiên khớp lệnh trong tuần vào 11/1, trước đó, cổ phiếu này có hơn 2 tháng không xuất hiện giao dịch khớp lệnh.
Tại nhóm bất động sản vón hóa lớn, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp là mã hiếm hoi tăng giá trong tuần thứ 2 của năm 2022, tuy nhiên, mức tăng cũng chỉ là 0,66%. Trong khi đó, áp lực bán ở nhóm đầu cơ đã lan rộng đến hàng loạt cổ phiếu lớn. VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 3,2%, VHM của CTCP Vinhomes giảm 3,75%, NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va giảm 5%...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận