Cổ phiếu 'bank - chứng - thép' còn nhiều dư địa?
Từng là các dòng cổ phiếu hot, kéo VN-Index lên đỉnh 1.420 điểm, song trong tháng 7, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, tôn thép đồng loạt giảm sâu. Dù thị trường đã hồi phục đáng kể từ đầu tháng 8, song nhiều nhà đầu tư kẹp các dòng cổ phiếu này vẫn chưa về điểm hoà vốn.
Từng là các dòng cổ phiếu "hot", kéo VN-Index lên đỉnh 1.420 điểm, song trong tháng 7, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, tôn thép đồng loạt giảm sâu. Dù có phần hồi phục từ đầu tháng 8, song nhiều nhà đầu tư "kẹp" các dòng cổ phiếu này vẫn chưa về điểm hoà vốn, đặc biệt với nhóm cổ phiếu ngân hàng, có những mã vẫn thấp hơn tới 15-20% so với mức đỉnh.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp đã có những chia sẻ về thực trạng và triển vọng của các nhóm cổ phiếu này.
Chu kỳ của ngành thép còn dài
Với ngành thép, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho biết ngành này có tính chu kỳ rất cao. Trong chu kỳ giá thép đẩy lên cao, biên lãi ròng của dòng này cũng tăng mạnh, và ngược lại khi cung áp đảo cầu. Tuy vậy, chu kỳ này không phải chỉ là 1-2 năm, mà có thể kéo dài 5 năm. Với tình thế cần phục hồi kinh tế sau đại dịch trên toàn cầu, giá thép rất khó giảm cho đến hết năm 2023. Do giá thép phụ thuộc vào giá thế giới là chủ yếu, nên không thể áp dụng những biện pháp hành chính để “cưỡng ép” giảm giá thép được.
Yếu tố cốt lõi của các doanh nghiệp thép là sản lượng tiêu thụ, trong đó chia ra làm 2 phần: Trong nước và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng bán thép xây dựng phần xuất khẩu là 15%, còn đối với tôn mạ và ống thép, con số này còn ấn tượng hơn với hơn 40%. Dịch bệnh đang phức tạp ở Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng đến nhu cầu thép trong nước trong 6 tháng cuối năm. Tuy vậy, sản lượng xuất khẩu sẽ gia tăng tỷ lệ, bù đắp vào phần giảm sút trong nước.
Về phần trong nước, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt vào quí 4/2021. Do vậy, có thể quý 3 sản lượng bán thép sẽ giảm, nhưng quý 4 sẽ lại khởi sắc.
Trước đây ngành thép phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào là HRC (thép cuộn cán nóng) khi phải nhập khẩu tới 100%, thì hiện nay đã có HPG và Formosa sản xuất được trong nước. Không chỉ dẫn đầu ngành về sản xuất thép truyền thống, mà HPG cũng đang thống lĩnh thị trường HRC (dùng cho tôn mạ).
Vì tác động môi trường nên sẽ hạn chế mở mới các nhà máy thép. Đây là điều sẽ tác động vào nguồn cung, đặc biệt nguồn cung HRC. Cho nên các doanh nghiệp lớn như HSG, NKG, luôn xây dựng chiến lược tích lũy nguyên liệu giá rẻ. Còn HPG thì dự trữ quặng sắt và than cốc.
Quặng là yếu tố then chốt. Giá quặng sắt sẽ ảnh hưởng lớn lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp thép. Giá quặng trong tương lai cũng khó giảm, điều này cũng gây bất lợi cho một số doanh nghiệp ngành. Nhưng nếu chủ động được nguồn quặng sắt, sẽ là lợi thế lớn. Chỉ duy nhất HPG đang làm rất tốt điều này khi liên tục mua mỏ mới, cả mỏtrong và ngoài nước.
Để nền kinh tế có thể phục hồi một cách toàn diện, sẽ có nhiều giải pháp để không gây đứt gãy những ngành khác như xây dựng, bất động sản. Vì thế, Chính phủ có thể sẽ tìm cách kiềm chế bớt sự tăng giá của thép. Một trong những chính sách là hạn chế xuất khẩu, dùng công cụ thuế để điều tiết giá thép. Điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng nhất thời đến biên lợi nhuận của ngành.
Hiện nay P/E của ngành thép đang rất thấp, trung bình ngành là 8.0. Thị trường đang chiết khấu rất cao đối với dòng cổ phiếu này. Có thể đó là lo ngại về sự chậm lại của tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong quí 3/2021. Điều này là hợp lý, nhưng như các phân tích ở trên, chúng ta có đầy đủ dữ liệu để tin rằng sự điều chỉnh này chỉ là nhất thời, dòng thép vẫn sẽ tiếp tục đà tăng sau 3 -6 tháng nữa.
Cổ phiếu chứng khoán có tiềm năng lớn
Hầu hết các công ty chứng khoán ở Việt Nam đều có 5 mảng hoạt động chính: Giao dịch, cho vay margin (và các sản phẩm 3 bên), tư vấn chứng khoán cá nhân (phân tích, ủy thác...), tư vấn tài chính doanh nghiệp (IPO, môi giới tổ chức, trái phiếu doanh nghiệp, tạo lập thị trường...) và tự doanh (cơ sở, phái sinh). Tùy theo định hướng mà mỗi công ty sẽ tập trung phát triển mạnh về mảng nào đó. Và cũng có thể tùy theo từng thời kỳ, mà có công ty hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển trung dài hạn.
Có những công ty đang chấp nhận có biên lãi ròng rất thấp, chỉ tập trung vào mảng giao dịch để lấy thị phần. Nhưng cũng có những CTCK lại chú trọng vào mảng IB, mảng tự doanh hoặc mảng cho vay.
Sau khi nhìn rõ các mảng hoạt động, chúng ta cũng thấy ngay cơ cấu doanh thu của từng CTCK. Công ty nào tập trung phát triển mảng nào, sẽ có doanh thu tương lai về mảng đó. Báo cáo tài chính của CTCK là khá đơn giản, khác hẳn với BCTC của ngân hàng hay của dòng bất động sản. Kết quả và hiệu quả kinh doanh của các CTCK cũng được thể hiện khá rõ ràng qua chỉ số cơ bản là EPS, ROE.
Khi xem xét để chọn lọc đầu tư, có 5 điểm chúng ta cần lưu ý cho dòng này như sau:
1. Thị phần của mảng trọng tâm: CTCK nào lấy trọng tâm là giao dịch, thì thị phần giao dịch phải nằm trong Top 10. CTCK nào lấy trọng tâm là cho vay thì phải có dư nợ cho vay cao. CTCK nào lấy trọng tâm là IB thì phải có lượng khách hàng tổ chức lớn, thực hiện nhiều deal.
2. Có khả năng phát triển khách hàng liên tục: Vì đây là kinh doanh dịch vụ, cho nên việc phát triển khách hàng là điều sống còn của CTCK. Công ty nào liên tục đổi mới, biết lắng nghe cầu thị để tiến bộ trong dịch vụ, sẽ có tương lai sáng lạn. Trong thời đại phát triển công nghệ số, CTCK nào biết dùng công nghệ sẽ có khả năng thích ứng nhanh hơn.
3. Hiệu quả kinh doanh cốt lõi: CTCK không thể chỉ phát triển theo bề rộng, mà quên đi tính hiệu quả của chính họ. Nếu chú trọng vào khách hàng cá nhân, phải đi vào chất lượng tư vấn (báo cáo phân tích tốt). Nếu chú trọng vào khách hàng tổ chức thì phải có đủ uy tín làm nhiều deal lớn. Nếu chú trọng vào tự doanh, thì danh mục đầu tư phải có tiềm năng tăng giá.
4. P/E thấp hơn trung bình ngành: Định giá CTCK không quá phức tạp, thậm chí có thể chỉ xem xét P/E trailing và P/E forward là đã tương đối đủ. Về nguyên tắc P/E của dòng này luôn tương ứng với Index. Có nghĩa là nếu P/E chung của TTCK Việt Nam hiện khoảng 16,5, thì P/E của dòng CK cân bằng ở mức này.
5. Vốn hóa là chỉ số quan trọng: Đối với CTCK nên xem xét giá trị vốn hóa thị trường. Hiện có một số CTCK đang ở mức trên dưới 1 tỷ USD, đây là con số khá thấp so với năng lực cần có để phục vụ nhà đầu tư trong tương lai. Cho nên khả năng tăng vốn, đưa dịch vụ chất lượng cao và đưa thêm nhiều sản phẩm là điều sẽ xảy ra ở nhiều CTCK.
Chọn lựa mã đầu tư luôn là việc khó khăn và cần sự cẩn trọng. Dòng chứng khoán sẽ hưởng lợi vì ngoài tiềm năng rất lớn, tính chất ngành nghề ít có tính chu kỳ, mà còn bởi thanh khoản sẽ dần được nâng lên, sản phẩm T0 ra đời sẽ còn thúc đẩy thanh khoản cao đột biến. Đầu tư vào dòng chứng khoán tương đối minh bạch, khá dễ để phân tích độ đắt rẻ, nhưng vẫn cần chú ý và cân nhắc 5 điểm nêu ở trên.
Triển vọng lợi nhuận ngân hàng vẫn sáng sủa
Dòng ngân hàng luôn là những cổ phiếu mang tính đại diện cho thị trường, sự lên xuống của dòng này sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số Index cũng như tác động vào xu hướng của nhà đầu tư. Có vai trò rất quan trọng, nhưng việc định giá hay đo lường độ "đắt rẻ" của cổ phiếu ngân hàng lại khá phức tạp, không phải đơn thuần chỉ là P/E hay div/yield. Dưới đây là những yếu tố (chỉ số) chính để nhà đầu tư xem xét khi quyết định "xuống tiền" đối với cổ phiếu ngân hàng.
1. ROE: Đây là chỉ số rất quan trọng, thể hiện sự hiệu quả trên đồng vốn của ngân hàng. ROE sẽ được so sánh với các ngân hàng cùng khu vực. Hiện nay ROE trung bình ngành của VN khoảng 16%, trong khi đó chỉ số này trong khu vực đang là 9-11%. Có những ngân hàng tốt trên thị trường đang có ROE cao hơn trung bình ngành.
2. NIM: Là biên độ lãi ròng thể hiện rõ nét tính thu lợi trong chu kỳ. Nếu thu hút được tiền gửi với lãi suất thấp, cho vay ra lãi suất cao thì NIM sẽ rất tốt. Ngoài ra, nên chú ý chỉ số CASA (tiền gửi vãng lai, không kỳ hạn), chỉ số này càng cao càng tốt cho ngân hàng, đẩy NIM tăng cao. Hiện nay NIM trung bình của hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng 4,0%, cá biệt có những ngân hàng có NIM lên đến 6%.
3. CAR: Tỷ lệ an toàn vốn. Đây là chỉ số đánh giá sự rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Hiện nay để đáp ứng các chuẩn Basel mới gồm Basel 2, Basel 3, nhiều ngân hàng phải tăng qui mô vốn lên bằng nhiều cách như trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu.
4. CAGR: Tỷ lệ tăng trưởng kép. Đây là chỉ số quan trọng thể hiện sự đi lên của ngân hàng. Nếu CAGR thu nhập lãi thuần đạt mức ổn định hàng năm, kéo dài trong chu kỳ 3-5 năm thì đó là một ngân hàng tốt. Hiện nay con số mơ ước đối với ngân hàng Việt Nam khoảng 18%.
5. NPL và LLR : Đây là chỉ số thể hiện chất lượng tài sản của ngân hàng, là tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Nếu trước đây 5 năm, tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng của Việt Nam rất cao, có lúc lên đến trên 5%, thì hiện nay đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1,5% trung bình ngành. Có những ngân hàng có hệ thống quản trị tốt đã đưa tỷ lệ này về mức dưới 0,5%. Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng tốt, có những ngân hàng cao trên 250%.
6. RI: Thu nhập thặng dư. Đây là chỉ số phản ánh sự tiết giảm chi phí, rất quan trọng trong định giá cổ phiếu. Ngân hàng nào tiết giảm chi phí bằng công nghệ cao, sẽ có kết quả tốt.
7. P/B: Thị giá trên giá trị sổ sách. Đây là chỉ số thường hay dùng nhất để định giá xem ngân hàng đó đã đắt hay chưa. Hiện nay P/B trung bình của ngân hàng Việt Nam khoảng 2,2, nếu so sánh với khu vực có thể cũng không còn đủ rẻ, nhưng cũng không đắt.
8. P/E: Đây luôn là đại lượng rất quan trọng để định giá trong chứng khoán. Nếu P/E toàn thị trường hiện nay của VN-index khoảng 16, thì của riêng ngành ngân hàng khoảng 20. Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng vẫn rất sáng sủa trong 2-3 năm tới, cho nên việc đưa P/E thấp hơn (nếu P không tăng) là điều dễ dàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận