Cổ phiếu bánh kẹo lặng sóng mùa Trung thu
Sự trở lại của Công ty cổ phần Kido (KDC) đúng mùa Trung thu giúp cổ phiếu bánh kẹo thu hút sự chú ý trở lại, nhưng có lẽ cũng chỉ có vậy.
Quy mô thị trường sụt giảm vì Covid-19
Thị trường bánh trung thu, theo ghi nhận của các doanh nghiệp, những năm trước đều tăng trưởng từ 5 - 10%/năm. Dù từng nhà sản xuất có thị phần tăng, giảm khác nhau, nhưng thị trường chung duy trì được đà tăng ổn định và có tỷ suất lợi nhuận tốt.
Riêng mùa trung thu năm nay, tác động từ dịch bệnh Covid-19 là khá rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica (BBC), nhu cầu thị trường năm nay giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, Bibica vẫn xây dựng kế hoạch tiêu thụ khoảng 600 tấn bánh.
Lý do Bibica đưa ra kế hoạch tương đương năm trước là thị phần của Công ty chiếm khoảng 20%, tập trung mạnh ở kênh tổ chức và có khả năng phân phối toàn quốc.
Trong khi đó, nhiều nhãn hàng khác như tiệm bánh và doanh nghiệp địa phương bị hạn chế về khả năng tiếp cận khách hàng.
Theo đánh giá sơ bộ vài tuần qua, tín hiệu từ đơn hàng tổ chức của Bibica vẫn khá tốt, tương đương năm ngoái, chiếm 60% trong tổng sản lượng đơn hàng.
Với 40% còn lại, ông Hoàng cho rằng, nhờ khả năng phân phối rộng nên vẫn có thể duy trì được sản lượng. Dù vậy, Bibica vẫn lên kế hoạch theo từng giai đoạn thị trường để điều tiết sản xuất.
Thị trường bánh trung thu sau thời gian dài phát triển đã định hình khá rõ ràng. Trong đó, có thể phân thành hai nhóm có ưu thế, bao gồm nhóm công ty quy mô lớn, bề dày kinh nghiệm như Kinh Đô Mondelez, Bibica, Hữu Nghị… đã có vị thế trên thị trường dựa trên chất lượng, uy tín thương hiệu và tổ chức được hệ thống rộng khắp, và nhóm các nhãn hàng dạng chuỗi bakery - chỉ tập trung thị trường địa phương, như Givral.
Những công ty có hệ thống phân phối rộng khắp trong ngành bánh kẹo hiện không nhiều, chỉ có thể kể đến như Orion, Mondelez, Bibica, tập trung ở miền Bắc nhiều hơn thì có Hữu Nghị…
Trong đó, kênh bán hàng truyền thống vẫn đang chiếm 80% (chủ yếu ở các tỉnh, địa phương và tập trung doanh số lớn ở kênh này), kênh bán lẻ hiện đại chỉ khoảng 20% (tập trung ở các thành phố lớn).
Với đặc tính này, các sản phẩm ngoại nhập dễ dàng tiếp cận kênh hiện đại hơn, nhưng lại khó đi vào kênh truyền thống do rào cản trong việc xây dựng hệ thống phân phối.
Ông Hoàng đánh giá, hai nhóm này vẫn duy trì được thế mạnh trong mùa trung thu, còn nhãn hàng nhỏ lẻ thì các năm qua đã bị sàng lọc khá nhiều.
Người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, nhất là có mục đích biếu tặng là chính, tạo cơ hội cho nhãn hàng lớn.
Thông tin đáng chú ý trong mùa trung thu năm nay là sự tái xuất của “ông lớn” KDC từng nắm giữ khoảng 70% thị phần bánh trung thu với thương hiệu bánh trung thu Kingdom.
Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên KDC đưa ra kế hoạch sản lượng chỉ với 4 triệu chiếc bánh, ước tính doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng. Nếu không có dịch bệnh, KDC có thể sản xuất gấp đôi con số này.
Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc KDC, công tác chào hàng đã được triển khai ngay từ đầu mùa vụ và cập nhật thông tin trên toàn hệ thống kinh doanh.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch đặt hàng bánh trung thu, trong đó một số đơn vị đã chốt đơn hàng với Công ty.
Về kênh phân phối, hiện nay, KDC đã triển khai bán hàng trên các kênh phân phối truyền thống, kênh hiện đại, B2B, khách hàng lớn thân thiết…
Mối quan hệ của các đối tác, nhà phân phối của Công ty trong ngành dầu và ngành kem được khai thác hiệu quả.
Tiến độ sản xuất đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 40% kế hoạch. KDC liên tục theo dõi diễn biến thị trường để có kế hoạch kinh doanh hợp lý theo từng thời điểm.
Trong ngành bánh kẹo, ghi nhận từ các doanh nghiệp đều cho rằng, sản xuất - kinh doanh bánh trung thu có thể xem là phức tạp, thể hiện khả năng quản trị, kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp cao nhất.
Đơn cử, vài tuần trước rằm Trung thu, giá sản phẩm có thể từ vài trăm ngàn đồng/hộp bánh nhưng chỉ ngay sau rằm thì giá bán sẽ giảm đi rất nhiều.
Theo đó, ông Hoàng nhìn nhận, để kinh doanh mùa trung thu tốt, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch chỉn chu, có ý tưởng mới để tiếp cận người tiêu dùng và dĩ nhiên luôn phải đảm bảo chất lượng.
Khó có sóng “mùa Trung thu”
Trên sàn chứng khoán, số cổ phiếu ngành bánh kẹo không nhiều, nổi bật cũng chỉ có KDC (trước đây với mảng bánh kẹo là cốt lõi) và Bibica. Ngoài ra, các cổ phiếu ít được dòng tiền chú ý hơn là Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC).
Đối với KDC, với vị thế dẫn đầu về thị phần kem (hơn 41% - thông qua công ty con KDF), hàng đầu lĩnh vực dầu ăn (sở hữu cả công ty phân phối sỉ VOC, lẫn sản xuất và bán lẻ là TAC), thì doanh số mảng bánh trung thu như trên là không đáng kể.
Không thể phủ nhận rằng trước khi bán đi mảng bánh kẹo, đơn vị này đã có những năm kinh doanh thực sự hiệu quả và tăng trưởng dựa trên mảng cốt lõi của mình.
Chỉ nhìn 4 năm gần nhất trước khi bán đi mảng bánh kẹo (2011 - 2014), doanh số của KDC tăng trưởng từ 4.200 tỷ đồng lên 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 273,5 tỷ đồng lên hơn 536 tỷ đồng.
Trong lần trở lại này, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC cho biết, mục tiêu của Công ty là đến năm 2021 sẽ về vị trí thứ 2 trong mảng bánh kẹo.
Trong góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, KDC vẫn có được những lợi thế nhất định trong ngành để làm nên tên tuổi của mình. Dựa vào diễn biến lịch sử, sau mỗi mùa trung thu, cổ phiếu KDC đều có những sóng tăng.
Nhưng với năm nay, sóng tăng của KDC đến nhiều từ câu chuyện hợp nhất các công ty con về một mối, và thông tin quay lại ngành nghề thế mạnh như một chất xúc tác “hợp thời” với nhà đầu tư lúc này.
Còn với Bibica, ông Hoàng chia sẻ, Bibica phát triển nhiều ngành hàng, có cơ cấu danh mục sản phẩm đa dạng, gồm tất cả nhóm sản phẩm chủ lực trong ngành bánh kẹo như bánh bông lan, bánh chocopie, bánh cooky, kẹo cứng, mềm, dẻo, socola, mùa vụ có sản phẩm bánh trung thu, sản phẩm tết. Doanh số bánh trung thu chỉ chiếm tỷ trọng 15% tổng doanh số của công ty này.
Đặc điểm ở cổ phiếu BBC hiện nay là chỉ 2 cổ đông lớn là PAN và Lotte đã chiếm hơn 94% vốn điều lệ. Với cơ cấu cổ đông cô đặc của Bibica, giới đầu tư nhìn nhận, cổ phiếu này khó thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Tương tự, tại HNF, theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/8/2020 (để miễn nhiệm và bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát), chỉ có 6 cổ đông tham dự đại hội nhưng lại đại diện cho hơn 28,94 triệu cổ phần, tương ứng 96,48% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trong đó, chỉ có 1 cổ đông tổ chức là Công ty cổ phần DNA Holding.
Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét của HNF cho biết, DNA Holding chiếm đến 51% vốn, các cá nhân khác gồm bà Lê Mai Dịu 11,64%, ông Trịnh Trung Sơn 12,83%, ông Nguyễn Thái Dương 10,3%, bà Thái Lan Anh 5,9%. Còn cổ đông khác chỉ chiếm 7,96%.
Thực phẩm Hữu Nghị là một trong những thương hiệu lớn của ngành bánh kẹo trong nước. Công ty vốn là công ty con của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Năm 2017, Vinataba đã thoái toàn bộ vốn tại Hữu Nghị.
Giá cổ phiếu HNF từng leo dốc lên mức đỉnh 132.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 2/2019, nhưng hiện đã về mức 24.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Đặc biệt, cổ phiếu HNF gần như không có giao dịch.
Doanh thu HNF giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng ổn định, từ 1.355 tỷ đồng lên 1.739 tỷ đồng, lợi nhuận từ 31,6 tỷ đồng lên gần 41 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, HNF đạt 641 tỷ đồng doanh thu, nhưng chỉ lãi vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng.
Với đặc điểm này, cổ phiếu HNF vẫn chưa thể thu hút được dòng tiền thị trường.
HHC từng một thời là địa chỉ yêu thích của nhiều nhà đầu tư ưa lướt sóng, nhưng lâu nay không có thanh khoản, thị giá treo ở mức rất cao 107.000 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận