Cổ phiếu bán lẻ vào tầm ngắm
Như một thói quen, cuối năm được coi là giai đoạn bứt tốc để ngành bán lẻ cho thấy sức ảnh hưởng của mình trong rổ hàng hoá của các nhà đầu tư.
Trợ lực từ bối cảnh vĩ mô
Những tháng cuối năm, ngoài việc có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn thì năm 2022 đang có thêm một số điểm cộng khi “bóng ma” dịch bệnh Covid-19 đã dần lùi xa, các chính sách kích thích kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng.
Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10% giúp giá xăng dầu trong nước có thể duy trì xu thế giảm trong kỳ điều chỉnh giá sắp tới, là yếu tố chính xoa dịu lạm phát. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 chỉ tăng 3,5%.
Mục tiêu về GDP cũng có khả năng hoàn thành xuất sắc khi Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế, bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng 2%, gói cấp bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng. GDP năm 2022 có thể đạt mức tăng 7,1%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao sẽ là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Công ty Chứng khoán AIS nhận định, VN-Index có dấu hiệu điều chỉnh ngắn hạn, nhưng thị trường vẫn đang ở chân một con sóng tăng trong trung và dài hạn. Do đó, cơ hội dành cho nhà đầu tư mở vị thế mua và nắm giữ vẫn còn nhiều, trong đó có các cổ phiếu bán lẻ.
Đồng quan điểm, FiinGroup cho rằng, thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm có các cơ hội đầu tư đến từ những ngành mà trước đó tăng trưởng kém tích cực nhưng có triển vọng hồi phục cao và định giá hấp dẫn, bao gồm lĩnh vực bán lẻ.
Đại diện Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) kỳ vọng, những tháng cuối năm, ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng cao, dựa trên nền tảng thấp của cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ được hỗ trợ bởi các yếu tố như thu nhập bình quân gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm từ mức đỉnh 4% trong giai đoạn giãn cách quý III/2021, nền giá thấp trong nửa sau năm 2021, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú… Ngoài ra, với các doanh nghiệp bán lẻ, phương thức phân phối thay đổi không ngừng cùng ứng dụng của công nghệ sẽ góp phần giúp ngành bán lẻ duy trì triển vọng tích cực.
“Mùa gặt” cuối năm
Ông Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc nhận định, nhóm bán lẻ sẽ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ cũng bày tỏ lạc quan với câu chuyện kinh doanh những tháng cuối năm.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) chia sẻ, trong 4 năm qua, Công ty thường hoàn thành khoảng 40% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng. Nửa đầu năm 2022, con số này là 45%, do đó, DGW tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu cả năm đạt doanh thu 26.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng.
Tương tự, đại diện FPT Retail cho biết, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát và giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm. Đây là lý do chính khiến Công ty tự tin sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Doanh thu của FPT Retail chủ yếu đến từ 3 mảng chính là FPT Shop (bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động), FPT Long Châu (dược phẩm), F.Studio By FPT (kinh doanh các sản phẩm của Apple). Kế hoạch phát triển mạng lưới các cửa hàng vẫn đang được doanh nghiệp triển khai đúng tiến độ.
Nhận diện cổ phiếu tiềm năng
Nói về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông Kiên cho rằng, hiện tại vẫn là thời điểm tích luỹ cổ phiếu bán lẻ, cùng với các nhóm ngành đáng quan tâm khác là ngân hàng, bất động sản, bất động sản công nghiệp.
Trong đó, một số cổ phiếu được ông Kiên đánh giá cao bao gồm MWG, VNM, FRT. Tất nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các yếu tố kỳ vọng như doanh thu (thể hiện tốc độ tăng trưởng, sức cầu thị trường), biên lợi nhuận gộp (thể hiện công tác quản lý chi phí/giá vốn của doanh nghiệp)...
Nêu quan điểm về nhóm cổ phiếu bán lẻ, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, ngành bán lẻ đã lấy lại được đà tăng trưởng tích cực khi kinh tế phục hồi mạnh sau dịch Covid-19, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng tăng. Tiếp nối đà đó, cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ được hưởng lợi từ quy mô toàn thị trường bán lẻ ước đạt 180 - 200 tỷ USD, chiếm hơn 50% GDP. Trong những năm qua, ngành bán lẻ luôn duy trì mức tăng trưởng cao từ 1,5 - 2 lần so với GDP… Theo nhóm nghiên cứu, các cổ phiếu tiềm năng có thể kể đến như MWG, PNJ, FRT, DGW.
Liên quan đến việc chọn cổ phiếu, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị, nhà đầu tư nên sử dụng hệ số P/E forward (P/E tương lai), thay vì P/E hiện tại (dựa trên lợi nhuận quá khứ). Bởi lẽ, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu có xu hướng phản ánh tương lai, do đó, nếu có khả năng về dự báo, phân tích, nhà đầu tư nên dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2022, 2023 và tính P/E cho giai đoạn đó.
“Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, chiến thuật đầu tư hợp lý là kết hợp phân tích kỹ thuật để lọc ra những cổ phiếu khoẻ và tránh xa những cổ phiếu yếu. Đối với nhà đầu tư dài hạn, P/E là hệ số rất quan trọng, vì mang yếu tố phân tích cơ bản, nhưng cần kết hợp các yếu tố khác, trong đó có thể cân nhắc chu kỳ hay khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp”, ông Tâm nói.
Trong khi đó, nhóm phân tích FiinGroup cho rằng, nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tích cực, nền tảng cơ bản tốt và giá đã chiết khấu đủ lớn trong giai đoạn thị trường điều chỉnh 1 - 2 tháng trước.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận