Cổ phần hóa DNNN: Sau “trầm lắng” liệu có bứt phá?
Sau khi có quyết định 1232 của Thủ tướng phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, hoạt động thoái vốn và IPO đã trở nên sôi động hơn.
Các chuyên gia và công ty chứng khoán kỳ vọng hoạt động thoái vốn Nhà nước cũng trở thành động lực tăng cho thị trường trong năm 2019.
Tuy nhiên, thực tế thoái vốn năm nay trầm lắng, các thương vụ thoái vốn lớn được kỳ vọng diễn ra như bán 20% vốn Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), 25% vốn Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX), 35% vốn Tổng công ty hàng không Việt Nam (HVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT)… không được triển khai. Năm 2019 cũng hoàn toàn vắng bóng có vụ IPO lớn được kỳ vọng diễn ra như EVNGenco1, EVNGenco2, Mobifone, Tổng công ty giấy Việt Nam, Satra…
Theo thống kê tại HNX, tính đến hết tháng 11, số lượng cổ phần đấu giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây với 199 triệu đơn vị, tỷ lệ thành công đạt 78% thu về 3.774 tỷ đồng (cũng là mức thấp nhất 6 năm qua). Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tiến độ thoái vốn Nhà nước như vậy là chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện, thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện, nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả. Các đơn vị này vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, việc xác định giá bán lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ càng khó hơn. Doanh nghiệp có phần lúng túng trong quá trình thoái vốn tại các đơn vị có dự án thua lỗ. Đơn cử trường hợp Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã đấu giá 3-4 lần, nhưng không có nhà đầu tư mua. Tổng công ty Thép Việt Nam nếu muốn thoái vốn ở Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng không dễ làm, bởi tại doanh nghiệp này vẫn còn tranh chấp pháp lý giữa đơn vị thi công và chủ đầu tư, phải xác định rõ sai phạm.
Ông Đặng Quyết Tiến thừa nhận, đây là những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Có doanh nghiệp, nhà đầu tư không mặn mà, không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng. Ngoài ra, việc xác định giá bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn còn do phần lớn các doạnh nghiệp sau cổ phần hóa không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, để thoái vốn hiệu quả, cần xác định rõ mục tiêu của việc thoái vốn, bán tài sản. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng chưa biết bán phần vốn Nhà nước theo phương thức nào để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước còn vướng những thủ tục trong quá trình thẩm định, định giá khiến cho đối tác mua không thể quyết định. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, các cơ quan chức năng phê duyệt phương án chậm nên đến khi phê duyệt được thì giá đã thay đổi, chỉ cần sau mấy tháng giá đã có nhiều biến động khiến người mua khó quyết định.
Kỳ vọng bứt phá trong năm 2020
Tính đến cuối tháng 9, mới cổ phần hóa được 36/127 doanh nghiệp nhà nước và hoàn thành thoái vốn được 89/405 doanh nghiệp, lần lượt đạt 28,3% và 21,9% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ (Vinacomin-TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) và Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.
Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa mà Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Nổi bật như Tổng công ty viễn thông Mobifone, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cà Phê, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UCID)…
Còn lại 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa sẽ do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, bao gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…
Theo báo cáo của CTCPChứng khoán Rồng Việt(VDSC), việc tỷ lệ thực hiện kế hoạch thoái vốn và IPO đang ở mức thấp kèm quyết định số 26 tạo áp lực phải hoàn thành kế hoạch trong năm 2020 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa trong năm tới. Đồng thời, tính đến cuối tháng 6, quá trình thoái vốn Nhà nước mới mang về khoảng 220.000 tỷ đồng (chủ yếu từ thương vụ Sabeco).
Trong khi kế hoạch thu từ thoái vốn để phục vụ đầu tư giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ là 250.000 tỷ đồng, đầu tư công giai đoạn này chậm lại do giải ngân thấp. Do đó, VDSC dự báo sẽ có nhiều thương vụ cổ phần há, thoái vốn có thể diễn ra mạnh mẽ trong năm 2020 như ACV, VEA, PLX, HVN và IPO Agribank, Genco1, Vinachem…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận