Cổ phần hóa "con cưng" Satra
Bên cạnh các doanh nghiệp trung ương, nhiều "ông lớn" địa phương cũng trong danh sách cổ phần hóa chậm nhất vào năm 2020, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
"Khủng" nhất là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). "Con cưng" của UBND TP. HCM sở hữu hệ sinh thái sản xuất - phân phối đáng mơ ước, chẳng hạn như hệ thống trung tâm thương mại Centre Mall, siêu thị Satra Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Food.
Satra cũng sở hữu công ty VISSAN, đồng thời góp 40% cổ phần trong liên doanh Heineken Việt Nam... Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Satra ở mức trên 15.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm qua đạt trên 3.100 tỷ đồng.
Và câu hỏi đặt ra với Satra là làm ăn ra sao trước thời điểm sắp cổ phần hóa? Trong giai đoạn 2015 – 2017, Satra đặt mục tiêu trọng tâm vào hoạt động phát triển hệ thống bán lẻ và hạ tầng sản xuất chế biến. Đến cuối năm 2017, Tổng Công ty đã nâng tổng số cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Satrafoods đã khai trương lên 157 cửa hàng.
Cũng trong giai đoạn này, doanh thu mỗi năm mang về trên 13,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 2,800 tỷ đồng. Riêng trong năm 2017, doanh thu của SATRA đạt 17,237 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3,353 tỷ đồng.
Vào ngày 27/11/2017, Satra đã có văn bản trình chủ sở hữu tiếp tục thực hiện cổ phần hóa với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2017 theo chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ.
Tiến độ thoái vốn của Công ty trong năm 2017 còn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, các cổ phiếu do Tổng Công ty nắm giữ cần thoái vốn chưa được niêm yết trên sàn, cần thời gian để định giá và đấu giá. Satra sẽ phấn đấu hoàn thành đề án cổ phần hóa Công ty mẹ trong 15 tháng sau khi được chủ sở hữu phê duyệt chủ trương.
Về việc tái cấu trúc danh mục đầu tư tài chính, Công ty đã thực hiện thoái vốn tại 06 đơn vị (CTCP XNK Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, CTCP Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TP HCM, CTCP Bao bì Sài Gòn, CTCP Nhà hàng Ngọc Lan Đình, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre – bán bớt một phần vốn theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt), thu hồi vốn tại 2 đơn vị (CTCP Đầu tư và Phát triển Hệ thống phân phối Việt Nam, Quỹ đầu tư Việt Nam – hoàn trả một phần và giải thể 01 đơn vị (Công ty liên doanh Satra Sokimex).
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty con tăng trưởng qua từng năm, riêng đối với Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu Tân Châu đang gặp khó khăn do sức ép cạnh tranh ngành may mặc trong khu vực, một số khách hàng chiến lược đã chuyển sang thị trường khác có mức giá cạnh tranh hơn.
Ở khía cạnh khác, đại diện Satra - đơn vị đang nắm hơn 67% vốn tại Vissan cho biết, Tổng Công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu trong toàn bộ danh mục đầu tư của Satra và có kế hoạch thoái vốn tại Vissan sau năm 2020. Vissan hiện có vốn điều lệ hơn 809 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nắm 67,76%, cổ đông lớn tiếp theo là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế - Anco nắm 24,94% vốn.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch thoái vốn của Satra tại Vissan tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan gần đây, đại diện Satra cho biết, Tổng Công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu trong toàn bộ danh mục đầu tư của Satra chứ không riêng Vissan. Và đề án tái cơ cấu này sẽ được thực hiện sau năm 2020 khi Satra đã cổ phần hóa xong.
Hiện các đề án này Satra đang trình đơn vị chủ quản là UBND TP. HCM phê duyệt, nên chưa thể công bố thông tin chính thức. Trong khi đó, dự định cổ phần hóa của Satra được tiết lộ từ cuối năm 2016, nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin gì thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận