Có phải Trung Quốc e ngại tỷ phú Jack Ma quá quyền lực?
Sau khi tỷ phú Jack Ma xảy ra xung đột với cơ quan quản lý kinh tế Trung Quốc, người giàu nhất quốc gia 1,4 tỷ dân đã bị đánh bật khỏi ngôi quán quân.
Cần nhiều doanh nhân nhưng không thích ai quá quyền lực?
Tờ Financial Times có bài viết ám chỉ điều này bằng phần mở đầu: Hãy tưởng tượng nếu Jeff Bezos hoặc Bill Gates biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng Mỹ và người ta tự động cho rằng, họ đã bị bắt theo lệnh của Tổng thống Joe Biden và đang bị chính quyền thẩm vấn ở một nơi bí mật.
Đó là tình huống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi tỷ phú Jack Ma, người được ví là “Bezos của Trung Quốc” với khối tài sản trị giá hơn 50 tỷ USD, mới chỉ xuất hiện đúng một lần kể từ hồi tháng 10 năm ngoái- trong một đoạn video ngắn. Điều này cũng đang làm dấy lên các đồn đoán khó có thể dập tắt rằng, ông Jack Ma đang bị giới chức “bắt làm con tin”.
Số là tỷ phú Jack Ma đã biến mất sau khi chính quyền Trung Quốc ngăn chặn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với khởi nghiệp Ant Group của ông. Nếu không bị nhà nước trì hoãn, đây sẽ là đợt niêm yết lớn nhất trong lịch sử và sau đó, tập đoàn Alibaba của ông cũng bị điều tra với cáo buộc độc quyền, trong khi Ant Group hiện đang bị yêu cầu cải tổ các mảng kinh doanh.
“Đông, tây, nam, bắc và trung tâm, đều nằm dưới sự quản lý của đảng” là một trong những khẩu hiệu ưa thích của ông Tập và ông cũng không ngừng ca ngợi chủ nghĩa Marx và “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Tuy nhiên trên thực tế, khối kinh tế tư nhân lại cung cấp 80% việc làm ở khu vực thành thị và chiếm tới 60% GDP.
Theo bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí chuyên ngành Hurun vừa công bố hôm qua (3/2), tỷ phú Jack Ma đã bị đánh bật khỏi ngôi vị số một mà ông nắm giữ suốt nhiều năm liền.
Tạp chí Hurun cho biết, trong bối cảnh việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tỷ phú Jack Ma đã tụt hạng xuống vị trí thứ tư những người giàu nhất Trung Quốc, với khối tài sản vào khoảng 62 tỷ USD. Tuy nhiên, vị doanh nhân đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc này vẫn là tỷ phú nổi tiếng nhất đất nước với tầm ảnh hưởng truyền thông lớn.
Những tin đồn mới nhất cho hay, ông Jack Ma hiện đang chơi gôn trên một hòn đảo biệt lập ở đại lục và khối tài sản cá nhân hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Theo giới quan sát, những chỉ trích có phần gay gắt nhắm vào vị doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc đã cho thấy mâu thuẫn ngày càng gay gắt ngay ở trung tâm quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện một mặt, Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn mang lại một sự “trẻ hóa vĩ đại” của đất nước thông qua tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà chủ yếu dựa vào doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng đồng thời lại muốn tập trung quyền lực bằng cách, mở rộng khu vực kinh tế quốc doanh và khẳng định vị thế của đảng Cộng sản trong việc tham gia vào tất cả các khía cạnh của đời sống và kinh doanh của người dân.
Tỷ phú Jack Ma đã “chuyển hóa”?
Tính cho đến trước khi xảy ra xung đột về cơ chế với cơ quan quản lý nhà nước vào ngày 24/10/2020, tỷ phú Jack Ma vẫn được coi là vẫn đóng tốt vai trò của một “nhà tư bản thú cưng”.
Nhà báo của tờ Financial Times kể lại: Khi tôi gặp ông ấy lần đầu tiên vào năm 2005 tại lễ ký kết hợp tác giữa Yahoo và công ty thương mại điện tử Alibaba. Còn nhớ lúc đó, Yahoo đang gặp khó khăn ở Mỹ sau những rắc rối chuyển giao email cho chính quyền Trung Quốc dẫn đến những án tù cho các ký giả và nhà hoạt động nhân quyền ở trong nước.
Khi được hỏi về vụ việc đó, câu trả lời của Jack Ma rất rõ ràng: "Bất cứ điều gì (các quan chức chính phủ) nói, chúng tôi sẽ làm"…
Sau đó, ông ấy còn nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng “sẵn sang giao toàn bộ công ty của mình cho ‘đất nước’ bất cứ lúc nào một khi chính phủ yêu cầu”.
Giới phân tích nhìn nhận, giống như tất cả các tỷ phú công nghệ của Trung Quốc, Jack Ma đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một “chủ nghĩa toàn trị về kỹ thuật đang chớm nở”. Và giống như bất kỳ người giàu có nào ở quốc gia đông dân nhất thế giới, Jack Ma luôn chăm sóc rất kỹ lưỡng các giới chức đảng và người thân của họ.
Các nhà đầu tư lớn vào Alibaba và Ant Group của tỷ phú Jack Ma ngoài những "công ty tư nhân", người ta cón thấy có cả cháu nội của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. “Những rắc rối hiện tại của Jack Ma có thể xuất phát từ việc những người bảo trợ này không còn đủ quyền lực chính trị để bảo vệ ông ta trước thế hệ lãnh đạo mới hơn, và không có cổ phần riêng trong đợt IPO lớn nhất thế giới”, bài báo nêu quan điểm.
Ngoài ra còn có một vấn đề khách quan khác nữa là năm 2021 này sẽ đánh dấu mốc 100 năm ngày thành lập đảng và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang muốn tăng cường tính chính danh của mình để mọi việc phù hợp với mục tiêu xã hội chủ nghĩa đặc sắc kiểu Trung Quốc. Tuy nhiên điều này được coi là khá khó khăn khi ở một quốc gia, nơi 20% số người giàu nhất có thu nhập trung bình cao gấp 10,2 lần so với 1/5 số người nghèo nhất, tính đến năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận