Có nên truy thu 5.000 tỷ đồng lùi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản?
Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định không nên truy thu 5.000 tỷ bởi việc làm này rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Để triển khai thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Luật sư Lương Văn Chương.
Theo đó, ngày 28/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014, chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành; ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 01/9/2017, chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành.
Từ việc chậm trễ trên, theo dự tính đã khiến ngân sách hụt thu 5.000 tỷ đồng.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
-Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào, chúng ta có nên truy thu số tiền này không, thưa ông?
Công bằng mà nói 5.000 tỷ là một con số không nhỏ đối với ngân sách nhà nước. Nếu truy thu được số tiền hụt 5.000 tỷ này thì sẽ là một sự bù đắp lớn cho Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, phải xem xét ở nhiều khía cạnh thì mới thấy được rằng việc truy thu 5.000 tỷ này không khả thi.
5.000 tỷ mới chỉ là con số dự tính, thực tế phần thiếu hụt này có thể ít hơn hoặc lớn hơn nữa. Riêng việc tính toán làm sao cho ra con số thực tế hụt thu chính xác đã tiêu tốn quỹ thời gian của nhà nước. Chưa kể, tính ra rồi thì truy thu như thế nào cho nhanh, cho đủ?
Để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại...Chưa kể việc đối tượng bị thu là các doanh nghiệp khai thác khoán sản và tài nguyên nước sẽ phải quyết toán lại chi phí, doanh thu hàng năm để tính ra được số tiền hụt ngân sách mình phải bù, trong khi hoạt động và kế hoạch của các doanh nghiệp này qua các năm đã đi vào ổn định.
Do đó, tôi cho rằng chúng ta không nên truy thu số tiền này.
Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cho thấy pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại.
-Chính phủ đã thừa nhận việc chậm ban hành các văn bản do không lường trước được khó khăn, phức tạp. Vậy trong câu chuyện này, vấn đề trách nhiệm nên được xử lý thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 77 Luật Khoáng sản năm 2010 và khoản 3 Điều 65 Luật Tài nguyên nước năm 2012: Chính phủ sẽ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước.
Việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như đã nêu là trách nhiệm của của cơ quan chủ trì soạn thảo, cụ thể là Chính phủ, chưa chủ động, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ khi gặp khó khăn, vướng mắc.
Thực chất, trước khi ban hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã phải xem xét và lường trước những khó khăn phức tạp và có đề xuất giải quyết trước khi Luật được thông qua. Việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Việc quy định thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu từ khi nghị định có hiệu lực cũng đã làm mất hiệu lực của luật với các đối tượng này trong giai đoạn từ khi luật có hiệu lực đến khi nghị định có hiệu lực.Do đó, Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định.
-Chính phủ tiếp tục đề xuất hoãn thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng nếu thu thì vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy theo ông, chúng ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
Thực tế, vấn đề khó thu cũng xuất phát chính từ nguyên nhân các quy định của pháp luật hướng dẫn chậm ban hành, chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc ban hành chậm nghị định hướng dẫn theo dự tính đã làm thiệt thu gần 5.000 tỷ, nếu bây giờ tiếp tục lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước thì chắc chắn số tiền này tiếp tục bị đội lên con số còn lớn hơn nữa.
Hơn nữa, việc liên tục lùi thời gian thu tiền cũng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi Ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Do đó, việc cần làm bây giờ đó là Chính phủ phải nhanh chóng kiểm chứng lại phương pháp thu, cách tính mức tiền thu trong các nghị định đã ban hành, nếu còn thấy khó khăn vướng mắc chỗ nào thì cần tham khảo và sửa đổi để có thể cho tiến hành thu tiền trong khoảng thời gian sớm nhất.
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Khoáng sản 2010 và các Nghị định, Thông tư kèm theo hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Từ khi Luật Khoáng sản được ban hành đã thu được nhiều thành tựu, song trong quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật đó vào thực tiễn lại phát sinh rất nhiều vấn đề. Việc chậm trễ, lùi thời hạn chính là một biểu hiện cho thấy pháp luật khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót.
Do trải qua nhiều giai đoạn, chuyển qua nhiều bộ quản lý nên hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành bộc lộ nhiều tồn tại. Hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân còn bị điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật khác như: Bảo vệ môi trường, Đất đai, Tài nguyên nước, Tài nguyên rừng, ... Trong khi các văn bản luật nêu trên đều đã được sửa đổi để ban hành mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung thì một số quy định của pháp luật về khoáng sản chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là tại các địa phương.
Liên quan đến cấp phép, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.
Quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; về trữ lượng khoáng sản biến động trong quá trình khai thác.
Đồng thời, các văn bản dưới luật cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác (nếu có) và trách nhiệm cụ thể khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ (xác định lại giá trị của khối tài sản công để xác định mục đích đóng cửa mỏ); cơ chế có tính khả thi đối với trường hợp đóng cửa mỏ khi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện.
-Vậy theo ông, trong thời gian tới Việt Nam có nên tham dự vào EITI không, nếu tham gia thì sẽ được những lợi ích gì?
EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Sáng kiến này có phương pháp luận chặt chẽ nhưng linh hoạt nhằm theo dõi và đối chiếu các khoản thanh toán của doanh nghiệp và nguồn thu của Chính phủ.
Vì vậy, Việt Nam nên tham gia sớm vào thực hiện sáng kiến EITI từ đó sẽ phần nào giúp ngành khai khoáng Việt Nam quản lý hiệu quả tài nguyên, khoáng sản một cách bền vững. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp theo dõi sát sao hơn các khoản phí, thuế môi trường mình nộp sẽ được đưa vào sử dụng, đầu tư vào cái gì đẻ giảm thiểu ô nhiễm môi trường – vấn đề đang được xã hội cũng như thế giới hết sức quan tâm.
Đồng thời, việc tham gia vào EITI cũng chính là cơ hội cải thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thu ngân sách và giảm thiểu tham nhũng, thất thoát tài nguyên.
-Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận