24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội?

Theo mọi người có nên tiếp tục kéo dài cách ly xã hội nữa không?

Có 40% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng gì. Nếu không tìm được bệnh nhân đầu nguồn thì những ca bệnh này có thể tự khỏi, nhưng trong quá trình ấy có thể làm lây lan sang người khác. Vậy có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội?

Tại phiên họp cách đây 2 ngày của Thường trực Chính phủ, đại diện Bộ Y tế đã đề nghị tiếp tục xem xét hiệu quả của cách ly xã hội, tùy tình hình thực tế đề nghị kéo dài đến ngày 30-4.

Người dân rất quan tâm đến đề nghị này, bởi biện pháp nào tốt để ngăn dịch người dân đều nỗ lực tham gia. Nhưng có nên cách ly xã hội kéo dài tới 30-4? Hoặc nên áp dụng biện pháp nào là hợp lý?

Cách ly có hiệu quả, nhưng...

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam thực hiện cách ly xã hội bắt đầu từ ngày 1 đến 15-4 nhằm mục đích ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Song để nói việc giảm số trường hợp mắc COVID-19 trong 5 ngày qua (có giảm hơn so với 5 ngày liền kề trước đó) là hiệu quả của cách ly xã hội thì chưa đủ.

"Đây vẫn là kết quả tổng thể của các biện pháp quyết liệt mà chúng ta đã thực hiện trong suốt thời gian vừa qua. Chúng ta rất hi vọng cùng với các biện pháp khác, đến hết thời hạn thực hiện cách ly xã hội chúng ta có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh" - ông Tuyên nói.

Thống kê số ca mắc COVID-19 những ngày qua cho thấy đúng là có giảm nhưng chưa rõ. Đã có 3 ngày liên tiếp không có bệnh nhân nào mới được ghi nhận vào buổi sáng, nhưng buổi chiều thì ngày nào cũng có.

Trong khi đó lại có thêm một ổ dịch cộng đồng liên quan đến bệnh nhân Q.Q.T., ở Mê Linh, Hà Nội (bệnh nhân số 243). Bệnh nhân này có hành trình rất dày đặc từ ngày 12-3 sau khi đưa người thân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai cho đến khi có kết quả xét nghiệm ngày 6-4.

Đây cũng được cho là ca bệnh mất dấu khi hiện chưa tìm thấy ca số 0. Chưa kể đã có 1 thôn cùng rất nhiều nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân bị cách ly.

Điều này cho thấy vừa quản lý được ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai thì Hà Nội lại xuất hiện một ổ dịch mới, đã có lây lan trong cộng đồng khi chị dâu và hàng xóm của bệnh nhân 243 có kết quả dương tính với virus corona chủng mới lần 1.

Việc chưa tìm thấy ca số 0 cũng dẫn đến nỗi lo là nếu ông T. không bị lây từ Bệnh viện Bạch Mai thì nguồn lây ở đâu?

Theo một chuyên gia về y tế dự phòng, những biểu hiện này cho thấy sẽ khó có thể khẳng định hoàn toàn không còn bệnh nhân (nguồn lây) nào ngoài cộng đồng. Thực tế ở châu Âu và các nước có số lượng ca bệnh lớn, số phát hiện được chỉ bằng 20% số mắc thực tế.

Tại Việt Nam do khoanh vùng bệnh nhân hiệu quả nên tỉ lệ về số phát hiện được lớn hơn nhiều, nhưng việc xuất hiện các ca bệnh không rõ nguồn như ca bệnh 243, ca bệnh nhân người Thụy Điển, ca bệnh người Hàn Quốc ở Bình Dương... cho thấy nguồn lây có trong cộng đồng.

Nếu kéo dài cách ly xã hội như những ngày vừa qua thì kéo đến bao giờ và liệu thời điểm đó có hết bệnh nhân?

Khi nào có thể "nới" cách ly xã hội?

Ngày 7-4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã công bố có thêm 11 bệnh nhân COVID-19 ra viện, trong số này có bệnh nhân 200 là nhân viên vệ sinh của Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp suất ăn tại Bệnh viện Bạch Mai - ổ dịch lớn thời gian qua.

Theo bệnh nhân 200, từ ngày 1 đến 27-3 vẫn đi làm bình thường, không ho, không sốt, không có bất kể hiện tượng bất thường gì. Ngày 28-3 bà được đưa đi cách ly và có kết quả dương tính, sau đó chuyển bệnh viện điều trị nhưng cũng không có biểu hiện gì khác thường.

Chuyên gia y tế dự phòng kể trên nói với Tuổi Trẻ có 40% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng gì như bệnh nhân 200. Nếu không tìm được bệnh nhân đầu nguồn thì những ca bệnh này có thể tự khỏi, nhưng trong quá trình ấy có thể làm lây lan sang người khác.

"Có thể có tình huống giả sử bệnh nhân 243 là A, vợ ông ta là B, A đưa B đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 12-3, sau đó B nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng và B lây cho A, sau này A có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng B lại không vì có thể B đã khỏi (thời gian từ khi đi khám đến khi A có kết quả dương tính là 24 ngày), trong thời gian đó A và B có thể làm lây lan, hiện đã có chị dâu của A và người hàng xóm đã có kết quả dương tính lần 1" - chuyên gia này cho biết.

Với tình huống này, sẽ có những ca bệnh không có biểu hiện gì trong cộng đồng nhưng thực tế họ vẫn rất nguy hiểm vì có thể làm lây lan. Vì thế việc cách ly xã hội trong những ngày qua là cần thiết để cắt nguồn lây.

"Tuy nhiên việc giãn đến bao giờ thì cần phải xem xét thấu đáo, cần tính đến những ảnh hưởng về đời sống xã hội. Hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu tỉnh cách ly với tỉnh, huyện cách ly với huyện, trong đó đã bao hàm khả năng ngăn chặn dịch khi vẫn cách ly xã hội, đó là sau ngày 15-4 có thể "nới" ở những địa bàn không có dịch. Ở đâu có dịch thì sẽ khoanh lại" - chuyên gia kể trên bình luận.

Hiện có nhiều tỉnh thành không ghi nhận bệnh nhân, không tìm thấy đầu mối ổ dịch, những nơi này được chuyên gia nói trên nhận xét có thể "nới" sau ngày 15-4. Các tỉnh thành đang có ổ dịch, có nguy cơ lây lan như Hà Nội, TP.HCM thì cần tiếp tục xem xét thêm.

Ngoài ra, cũng rất cần hướng dẫn thêm danh mục việc được cho là cần thiết trong những ngày cách ly xã hội, bởi việc đi bộ, tập thể dục riêng lẻ tại công viên được nhiều chuyên gia cho là chấp nhận được.

Cân nhắc thu phí cách ly người đến từ địa phương trong nước

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 6-4.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn trân trọng toàn dân đã đồng lòng chia sẻ, nỗ lực khắc phục khó khăn, ủng hộ chủ trương của Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội. Đặc biệt, người dân, các tổ chức đã có nhiều đóng góp thiết thực, nhân ái, góp phần quan trọng vào kết quả khống chế dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội.

Tình hình dịch bệnh dù được kiểm soát tốt, song Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn. Từ nay đến ngày 15-4, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là ngành y tế cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa các biện pháp cách ly xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện các phương án phòng chống dịch bệnh về mọi mặt (nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men...), điều phối nguồn lực cơ sở y tế địa phương, ứng dụng công nghệ, hoàn thiện phương án bệnh viện dã chiến và chương trình sản xuất máy thở. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, TP cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.

Cùng với quyết liệt phòng chống dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, kịp thời chăm lo bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh. (N.AN)

Link Nguồn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả