Có nên gỡ dần trần tín dụng và nới lỏng trần lãi suất ngân hàng?
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm của NHNN mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: "Trần tín dụng là giải pháp điều hành quan trọng của NHNN thời gian qua, góp phần quản lý chất lượng tín dụng".
Theo phó thống đốc, tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có vai trò và sứ mệnh quan trọng, trong khi ở các nước khác, nguồn cung ứng vốn đến từ nhiều thị trường khác như chứng khoán và trái phiếu.
"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng một cách hài hòa, hợp lý, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh", Phó Thống đốc phân tích.
Do đó theo ông, áp trần tín dụng là công cụ giúp cho vừa đảm bảo được tăng trưởng, vừa kiểm soát được chất lượng tín dụng và về trước mắt là công cụ hiệu quả, hữu hiệu.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng phương thức áp trần tín dụng có thể thay đổi trong tương lai, trong điều kiện thị trường phát triển, vốn đầu tư trung và dài hạn được giải ngân ở thị trường tài chính, không phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn như hiện nay.
Theo nhận định của một số tổ thức quốc tế, mới đây nhất như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường.
Hãng xếp hạng Moody's cũng đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi.
Còn theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc tạm giao chỉ tiêu tăng trưởng theo quý cho thấy sự linh hoạt phù hợp trong điều hành và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài việc kiểm soát bằng "room" tín dụng có thể dần bỏ đi khi cơ chế này đang dần không còn phù hợp.
Trao đổi với người viết, Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không nhất thiết phải kiểm soát việc cho vay bằng room tín dụng nếu các ngân hàng đáp ứng được những điều kiện sau.
Thứ nhất, ngân hàng phải giữ được tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) không quá 80%. Thứ hai, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không quá 37%. Cuối cùng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) phải đạt mức tối thiểu 8%.
"Ngoài ra, cũng cần kiểm soát để ngân hàng cho vay chủ yếu cho những doanh nghiệp sử dụng vốn để sản xuất kinh doanh, thay vì các hoạt động đầu cơ", ông Hiếu cho hay.
Đây cũng là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khi cho rằng về lâu dài, NHNN cần quản lý các ngân hàng bằng hệ số CAR để kiểm soát được cả vốn tự có và rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, chứ không phải quản lý bằng công cụ trực tiếp, hành chính như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm.
"Cho đến thời điểm hiện tại cũng rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng để kiểm soát thị trường vốn như Việt Nam hiện nay", ông Lực chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận