24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Chinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có nên bỏ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước?

Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với 6 quỹ và nghiên cứu lộ trình bãi bỏ đối với 3 quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

- Hiện cả nước có trên 48 quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, theo ông trong bối cảnh hiện nay, có cần thiết duy trì một số lượng quỹ lớn như vậy?

Các quỹ này phần lớn được thành lập trước khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, không phải quỹ nào được lập ra đều có hiệu quả cao.

Tôi cho rằng cần rà soát, đánh giá lại, quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả tốt thì giữ, còn quỹ nào nhỏ, không có hoạt động đáng kể thì cần loại bỏ.

Về việc giữ hay loại bỏ cần phải xem xét cụ thể từng loại quỹ. Các yếu tố cần xét gồm: mục đích của quỹ, sự cần thiết duy trì, nguồn thu của quỹ từ đâu, vấn đề sử dụng quỹ đó ra làm sao và cuối cùng là vấn đề quản lý quỹ đó như thế nào.

- Việc xem xét bỏ bớt các quỹ có được hiểu đồng nghĩa với việc sẽ không thành lập quỹ mới, thưa ông?

Tôi nghĩ hiện nay không nên lập các quỹ mới nữa bởi báo cáo giám sát đã chỉ ra rất nhiều bất cập về mô hình hoạt động, nguồn hình thành, cơ chế tài chính, hay chế độ kế toán của từng quỹ.

Báo cáo cũng cho thấy việc sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch; có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực nhà nước.

Ngoài ra, dù có hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc lập/cách thức hoạt động của quỹ, báo cáo vẫn phải thừa nhận rằng hệ thống pháp luật về các quỹ vẫn tản mạn, thiếu rõ ràng và chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ.

Trong tình cảnh như vậy, việc thành lập thêm quỹ mới là điều không nên.

Có nên bỏ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước?

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống thiên tai; xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

- Ông có đồng ý với đề xuất bỏ 6 quỹ của đoàn giám sát và tiến tới bỏ thêm 3 quỹ khác?

Việc đề xuất bỏ các quỹ này là hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như với nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn này.

Để rõ hơn tại sao việc bỏ các quỹ là phù hợp chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bỏ nhiều quỹ như thế.

Lý do đầu tiên là các quỹ phụ thuộc lớn vào ngân sách. Theo kết quả giám sát, nguồn tài chính hình thành các quỹ còn nhiều bất cập, nguồn thu của một số quỹ còn phụ thuộc vào ngân sách hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, chưa phù hợp với quy định tại luật ngân sách 2015.

Nhiều quỹ được ngân sách cấp vốn điều lệ chưa đảm bảo theo yêu cầu khi thành lập quỹ và kéo dài trong nhiều năm. Trong điều kiện các quỹ còn phụ thuộc lớn vào ngân sách, việc không đủ vốn điều lệ để hoạt động đã gây rất nhiều khó khăn và không đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ.

Thứ hai là tỷ lệ thu thấp so với kế hoạch đề ra. Trong bản báo cáo, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ vấn đề, tỷ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp ở một số quỹ. Như Quỹ Bảo trì đường bộ (không thu được đối với xe máy); Quỹ Phòng chống thiên tai (chỉ đạt từ 10-40% tùy từng địa phương), có địa phương đã tạm dừng thu phí phòng chống thiên tai (TPHCM).

Thứ ba, là vì việc hoạt động của các quỹ đã tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp. Một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.

Thứ tư, hiệu quả sử dụng các loại quỹ chưa cao. Nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách. Một số quỹ có các đối tượng hỗ trợ trùng nhau và trùng với các đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Điều này tạo ra sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như không đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực, tăng số lượng tổ chức bộ máy, biên chế, cùng một nhiệm vụ nhưng có quá nhiều đầu mối.

Thứ năm, có nhiều việc sử dụng quỹ chưa đúng quy định của pháp luật. Có trường hợp, quỹ sử dụng nguồn dư để gửi các ngân hàng thương mại hoặc Chính phủ thu một phần quỹ về ngân sách là chưa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Vấn đề khác, chi phí quản lý chưa hợp lý so với hoạt động của quỹ. Trong khi có nhiều quỹ không phát sinh chi phí quản lý, thì tại một số quỹ ở cả trung ương và địa phương cho thấy chi phí quản lý còn lớn so với nội dung chi hoạt động của quỹ.

Cuối cùng là thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, chưa đảm bảo công khai, minh bạch. Trung bình mỗi địa phương có khoảng 10-15 quỹ. Việc thành lập quá nhiều quỹ như vậy làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế.

Có nên bỏ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước?

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

- Từ góc độ cá nhân, ông cho rằng nên bỏ quỹ/nhóm quỹ nào và vì sao? Xin ông đánh giá thêm các tác động (nếu có) của việc dẹp bỏ các quỹ đó.

Theo tôi nên duy trì các quỹ có tính chất đặc thù, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước như các quỹ Bảo hiểm xã hội, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, quỹ Bảo hiểm y tế...

Vì từ khi thành lập, các quỹ này đã hoạt động đúng mục tiêu, đúng quy định của pháp luật và được cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả, số người tham gia ngày càng được mở rộng, hướng tới Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp toàn dân.

Các quỹ cần loại bỏ có thể kể đến như Quỹ Bảo trì đường bộ do quỹ này nằm trong luật chuyên ngành; hoạt động của hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ trung ương theo phương thức kiêm nhiệm, trong khi văn phòng quỹ không có đủ năng lực để độc lập quản lý toàn bộ kinh phí bảo trì đường bộ, nên phải sử dụng các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải để thực hiện các công việc chuyên môn của quỹ.

Thứ nữa là Quỹ Phòng chống thiên tai vì có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cho rằng đang bị thu bất hợp lý và không biết được số tiền mình nộp đang được quản lý, sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không?

Ngoài ra còn có các quỹ khác như quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước... Tuy nhiên trước khi bãi bỏ các quỹ này cần cân nhắc kỹ lưỡng.

- Các quỹ bị chỉ ra rất nhiều hạn chế, về nguồn thu, về cách chi sử dụng, về bộ máy, về quản lý… Theo ông, cần cải tổ các quỹ như thế nào?

Trước tiên cần phải cải cách cách quản lý quỹ; cần xây dựng các quy chế, cơ chế quản lý thống nhất các quỹ cùng nhóm hoặc tất cả các quỹ; giảm bớt các quỹ địa phương không cần thiết tránh sự cồng kềnh, chồng chéo trong khâu quản lý.

Các quỹ có thể tự huy động vốn từ các nguồn khác ít lạm dụng việc lấy quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước. Xét thấy các quỹ nào có thể bỏ được thì nên bỏ để tập trung ngân sách đồng thời giảm các chi phí cho hoạt động của bộ máy quỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả