Cơ hội Việt Nam chuyển địa bàn mua nguyên liệu sang Mỹ
Thương chiến leo thang là cơ hội để Việt Nam chuyển địa bàn mua nguyên vật liệu, giảm thặng dư thương mại với Mỹ, giảm thâm hụt với Trung Quốc.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 24,23 tỷ USD sang Mỹ và nhập siêu 22 tỷ USD từ Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra cách đây hơn 1 năm và ngày càng leo thang được các chuyên gia coi là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường cung cấp nguyên vật liệu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khó tính khác.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập nguyên vật liệu, linh kiện của Trung Quốc vì doanh nghiệp Việt thường sản xuất những mặt hàng ở tầm thấp và trung bình. Bây giờ, Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi từ EVFTA, từ CPTPP... thì phải có các hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển. Muốn vậy đầu vào phải cao, linh phụ kiện, nguyên vật liệu phải đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường khó tính.
Trong khi đó, Mỹ đang bị vỡ chuỗi sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc, vì thế Việt Nam có thể tận dụng để thay đổi cơ cấu nhập khẩu và nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất bằng việc tăng nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, linh phụ kiện từ Mỹ.
"Điều này vừa giúp giảm thâm hụt cán cân thương mại với Mỹ vừa tăng khả năng nhập khẩu được máy móc, thiết bị, công nghệ cao, công nghệ nguồn từ Mỹ. Nó cũng sẽ giúp Việt Nam chuyển hướng sản xuất hàng chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Việt Nam có thể tận dụng điều kiện thu hút doanh nghiệp Mỹ từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, vừa sẽ giảm sản xuất, phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, linh phụ kiện từ thị trường Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc", ông Thịnh lạc quan.
Nhấn mạnh "đắt xắt ra miếng", vị chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp Việt thay đổi được về tư duy thì sẽ dẫn đến những thay đổi về hàng hóa, thị trường.
Cùng nhìn nhận vấn đề này nhưng thận trọng hơn, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạo ra sự chuyển đổi luồng hàng hóa giữa các quốc gia nếu như biết tận dụng thì tốt. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, những thứ này mới ở dạng tiềm năng, tận dụng như thế nào còn tùy thuộc vào sự tính toán, cố gắng của các ngành, doanh nghiệp, các địa phương...
Ông cho biết, trước nay doanh nghiệp Việt Nam thường nhập khẩu các nguyên vật liệu, phụ kiện, đầu vào cho sản xuất từ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc là chủ yếu.
Nguyên nhân là vì đó là những thị trường gần với Việt Nam về địa lý, hàng hóa gần gũi với công nghệ Việt Nam, đặc biệt là giá rẻ.
"Suốt một thời gian dài và đến tận bây giờ Việt Nam vẫn thích giá rẻ. Đó là chuyện không thể thay đổi một sớm một chiều được. Còn khi luồng hàng hóa chuyển đổi, hàng Mỹ vào Việt Nam như tôm hùm ... thời gian qua thì đó là điều rất tốt cho người tiêu dùng và thị trường Việt Nam.
Tất nhiên, nó đặt ra cơ hội và cả thách thức rất lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi Việt Nam nếu không vươn lên thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Đây là điều mà các ngành kinh tế phải tỉnh táo xem xét và có giải pháp phù hợp để tận dụng cơ hội", GS Đặng Đình Đào nói.
Cho rằng người dân và doanh nghiệp Việt có quyền hy vọng, song vị chuyên gia lưu ý "nếu lạc quan quá thì sẽ không đi đến đâu". Ông dẫn câu chuyện ô tô làm ví dụ. Khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều người hy vọng hàng hóa giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam, đặc biệt là ô tô và người dân Việt có thể dễ dàng mua ô tô, thế nhưng thực tế lại không nhanh như vậy.
"Chúng ta có tận dụng được thương chiến, tận dụng được các hiệp định thương mại tự do không hay khi ký xong thì hàng nước ngoài vào được Việt Nam, còn hàng Việt Nam không vào được nước họ?", GS.TS Đặng Đình Đào lo lắng.
Bởi vậy, trở lại câu chuyện chuyển đổi địa bàn mua nguyên liệu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng phải tính toán đầy đủ các khía cạnh, nền sản xuất của Việt Nam trước nay dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu giá rẻ của các nước trong khu vực là chính, muốn nhập nguyên liệu từ các nước có công nghệ nguồn thì thay đổi hệ thống thiết bị là cả một vấn đề.
"Ở đây chính là tư duy. Nếu chuyển hướng được thì đó là điều tốt cho sản xuất, đặc biệt là công nghệ sau này bởi khi công nghệ thay đổi thì nguyên liệu phải thay đổi. Tuy nhiên, phải đi vào từng ngách, lóp hàng hóa để phù hợp với yêu cầu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam", GS Đào nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chia sẻ với nỗi lo khi thương chiến leo thang, Việt Nam chuyển biến quá chậm và có nguy cơ cơ biến mình thành trung gian trong gian lận thương mại, giúp Trung Quốc mượn đường xuất khẩu qua Mỹ.
"Lo ngại này là có cơ sở, nếu Việt Nam không chủ động nắm bắt kịp thời, không chuyển biến nhanh thì người khác sẽ tận dụng, lấy của chúng ta. Đã xảy ra chuyện hàng Việt bị núp bóng, nhãn mác hàng Việt bị làm giả, từ vật tư kỹ thuật đến hàng tiêu dùng.
Tình hình ngày càng phức tạp hơn, những chuyện đó có thể sẽ mở rộng ra nên Việt Nam phải có biện pháp phù hợp để xử lý dứt điểm", GS Đào cảnh báo.
Bởi vậy, ông đề nghị trước tiên cần phải rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật cho chặt chẽ, đồng thời thực thi pháp luật phải nghiêm chỉnh. Điều quan trọng nhất là con người, là thực thi chính sách, thượng tôn pháp luật, ông lưu ý.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 32,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận