menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bích Lan

Cơ hội và thách thức với Việt Nam khi thực thi các quy định về bảo hộ đầu tư trong EVFTA và EVIPA

EVIPA (và Chương đầu tư trong EVFTA) sẽ tạo khuôn khổ pháp lý và nâng cao cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU nhưng cùng lúc cũng tạo ra rất nhiều thách thức.

Các thách thức này không đến từ hệ thống các quy định pháp luật hiện hành vì về cơ bản quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo hộ đầu tư đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Thách thức tuân thủ và thực thi cam kết

Tuy nhiên, các thách thức lại chủ yếu đến từ việc tuân thủ và thực thi các cam kết của các Hiệp định và việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư vốn ngày càng hoàn thiện theo quy định của các Hiệp định.

Tính đến thời điểm hiện tại EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế những bất cập hiện có của hệ thống ISDS và hạn chế đáng kể việc lạm dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bởi các nhà đầu tư thiếu thiện chí thông qua việc quy định chặt chẽ hơn yêu cầu khởi kiện và khoanh vùng các ngoại lệ mà Chính phủ được tự do áp dụng biện pháp mà không dẫn tới nguy cơ tranh chấp.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những thách thức đến từ chính cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định.

Đó là quan ngại về năng lực và trình độ chuyên môn của các ứng viên trọng tài được đề cử bởi Chính phủ cũng như sự độc lập và khách quan của những ứng viên không mang quốc tịch Việt Nam; áp lực lớn hơn của thời gian tố tụng và rủi ro của việc cơ chế trọng tài thường trực sẽ hấp dẫn hơn và thúc đẩy các nhà đầu tư trong việc sử dụng cơ chế này. Bên cạnh đó, việc phải thực thi phán quyết trọng tài như phán quyết của tòa án trong nước khiến Tòa án Việt Nam không thể xem xét lại phán quyết; cơ chế minh bạch hóa sẽ dẫn tới việc tất cả các phán quyết được công khai trước công chúng. Đó là chưa kể tới áp lực của việc phải nâng cao hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thông qua hòa giải và thương lượng vốn chưa phát triển và phổ biến ở Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam có thể còn phải đối mặt với khó khăn của việc chưa chuẩn bị kỹ lưỡng và thiếu các chuyên gia, nguồn nhân lực cũng như năng lực và bộ máy để giải quyết tranh chấp theo cơ chế ngoài tòa án nêu trên.

Cần cơ chế thích hợp để đáp ứng việc thực thi cam kết

Để hóa giải những khó khăn trên, đồng thời tận dụng những cơ hội và lợi ích mà EVFTA và EVIPA mang lại, trước mắt Việt Nam có thể không cần phải sửa đổi, bổ sung ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực thi Hiệp định. Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để đáp ứng các yêu cầu của cơ chế thực thi cam kết bảo hộ đầu tư của Hiệp định này.

Thứ nhất, việc thực thi các quy định pháp luật về đầu tư, trong đó có Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn cần phải được lưu ý, đảm bảo về quy trình thủ tục cũng như tính minh bạch trong việc cấp, thu hồi và quản lý dự án đầu tư. Ngoài ra chúng ta cần thận trọng khi đưa ra các cam kết cụ thể với nhà đầu tư, cũng như xác định chính xác các biện pháp rơi vào “vùng ngoại lệ” để giải phóng nghĩa vụ khỏi khiếu kiện của nhà đầu tư… Ngoài ra, việc hiểu đúng đủ và thực thi hiệu quả cam kết trong EVFTA và EVIPA, đòi hỏi cần khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đàm phán, thực thi pháp luật đầu tư cấp trung ương và địa phương và đội ngũ các chuyên gia pháp lý tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư.
Thứ hai, để bổ nhiệm các thành viên vào Hội đồng tài phán và Hội đồng tài phán phúc thẩm của EVFTA và IPA, Việt Nam cần sớm ban hành quy chế về việc đánh giá và chọn, cử nhận sự thích hợp đảm nhiệm vai trò quan trọng nói trên. Để lựa chọn và chỉ định các cá nhân thích hợp làm việc với tư cách là thành viên của hệ thống Tòa án đầu tư quốc tế của EVFTA và EVIPA, Việt Nam cần sớm chuyển đổi các tiêu chí mềm trong EVFTA và EVIPA thành các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho việc lựa chọn và xây dựng thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm.

Trong trường hợp phát sinh xung đột về nghĩa vụ giữa trách nhiệm công bằng và độc lập trong hoạt động xét xử với nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, luật pháp và chính sách của Việt Nam cần xác định rõ trách nhiệm của thành viên Việt Nam trong cơ chế tài phán của EVIPA là đảm bảo tính công bằng và khách quan trong hoạt động xét xử, góp phần vào chức năng của Toà án đầu tư là nhằm bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các Bên. Các đại diện của Việt Nam khi làm việc tại cơ chế này phải được tạo điều kiện đặc biệt để loại trừ bất kỳ áp lực bên ngoài nào để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, để đối phó với áp lực về thời hạn tố tụng, Việt Nam cần tiến hành rà soát toàn diện Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 để có có những điều chỉnh hoặc sửa đổi thích hợp vì cơ chế phối hợp này vốn chỉ được thiết kế để giải quyết tranh chấp theo cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế.
Thứ tư, để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa theo quy định của Hiệp định EVFTA và EVIPA mà tránh được nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị các nhà đầu tư kiện theo hiệu ứng dây chuyền, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư nước ngoài, tăng cường minh bạch hóa trong việc các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư. Ngoài ra, để tránh nguy cơ bị kiện “dây chuyền” khi thông tin về các vụ tranh chấp đầu tư được minh bạch hóa, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào chiến lược phòng ngừa phát sinh tranh chấp thông qua giải pháp toàn diện đồng bộ từ trung ương đến địa phương để thực hiện đầu tư minh bạch Chính sách, việc thi hành luật pháp trong nước và cam kết quốc tế trong các hiệp định, hiệp định mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Thứ năm, đối với các cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đào tạo bồi dưỡng chuyên gia và có các biện pháp thích hợp khác nhằm khuyến khích việc sử dụng các biện pháp như đàm phán và hòa giải trong giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nói riêng. Đối với việc cải cách pháp luật trong nước, Việt Nam cần sớm ban hành Nghị định về Hòa giải Thương mại cũng như khuyến khích thành lập các Trung tâm hòa giải thương mại để phổ biến việc sử dụng cơ chế này một cách nhanh chóng.
Thứ sáu, Việt Nam cần tham gia tích cực hơn vào các thảo luận sửa đổi ISDS trên diễn đàn quốc tế, trong đó có cuộc họp Nhóm Công tác thứ III của UNCITRAL, bởi những thảo luận tại các cuộc họp Nhóm nêu trên là kênh thông tin quý giá, để chúng ta kiểm định các ý tưởng về “tòa đầu tư” theo thiết chế trong EVIPA/EVFTA. Bên cạnh đó, phân tích của các chuyên gia, học giả hàng đầu trong lĩnh vực ISDS trên thế giới sẽ giúp Việt Nam có những lưu ý cần thiết khi thực thi cơ chế ISDS trong EVIPA/EVFTA và lưu ý các giải pháp điều chỉnh khi thấy cần thiết.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại