Cơ hội nào trên thị trường chứng khoán những tháng cuối năm?
Các nhà đầu tư có thể lựa chọn những doanh nghiệp tốt, được hưởng lợi trực tiếp từ phục hồi nền kinh tế để giải ngân, vì các doanh nghiệp này sẽ có sức bật mạnh hơn so với mặt bằng chung.
Đánh giá về diễn biến thị trường chứng khoán cuối năm, giới chuyên gia cho rằng sẽ không còn những bước nhảy vọt và biến động lớn, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho giới đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lãi suất thấp duy trì, kênh chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng cuối năm sẽ chịu tác động của các yếu tố cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng nhìn chung sẽ khó có khả năng biến động quá mạnh. “Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, thị trường có dư địa để tăng trưởng trong trung hạn”, bà Bình nói.
Bà Bình cho biết, nền kinh tế thế giới bất đầu phục hồi, trạng thái sống chung với COVID-19 đã mở rộng ở khắp các nước trên thế giới. Về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều nước thực hiện nới lỏng, mở cửa trở lại nền kinh tế nên kinh tế có thể sẽ bắt đầu phục hồi từ quý IV năm nay. Thị trường chứng khoán thế giới cũng như thị trường Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ trạng thái bình thường mới.
Đối với Việt Nam, bên cạnh kiểm soát vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19 thì khả năng ngay trong tháng 10/2021, Việt Nam sẽ nới lỏng các giãn cách xã hội để quay trở về trạng thái bình thường, giúp phục hồi kinh tế.
Về mặt chính sách tiền tệ, tài chính có thể thấy rằng, mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tích lũy từ dân cư cho các hoạt động thông thường như là du lịch, khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh trong thời gian qua bị hạn chế, do vậy luồng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh hiện trú ẩn trong kênh tiết kiệm khá cao. Chính vì vậy, vẫn có nguồn tiền để “đổ” vào thị trường chứng khoán. Trước mắt, trong những tháng cuối năm thì tiền ở kênh chứng khoán vẫn sẽ ở mức cao.
Bên cạnh các yếu tố tích cực thì vẫn có những rủi ro cần chú ý. Theo đó, xét về bình diện quốc tế thì các ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục đưa ra các tín hiệu để áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đối phó với khả năng lạm phát. Rủi ro lạm phát cao được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo là do việc bơm tiền áp dụng gói cứu trợ kinh tế ồ ạt trong một thời gian dài. Một số ngân hàng Trung ương trên thế giới đã bắt đầu đưa ra những tín hiệu thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát.
Việc các nước thu hẹp dần các gói nới lỏng tiền tệ hoặc các gói hỗ trợ nền kinh tế sẽ có ảnh hưởng đến lượng tiền “bơm” vào thị trường chứng khoán. Do vậy, khả năng thị trường tăng trưởng mạnh như trong thời gian qua là khó xảy ra, thậm chí thị trường có thể chững lại.
"Đối với Việt Nam, dù dịch COVID-19 được khống chế nhưng dư âm ảnh hưởng sẽ vẫn còn và phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp những tháng cuối năm này. Bởi nền kinh tế cũng như guồng máy phải có quá trình chạy rốt đa, chứ không thể nào chuyển ngay từ trạng thái này sang trạng thái khác được", Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình nhận định.
Bên cạnh đó, việc phục hồi sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn và giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất rất cao có thể “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn lớn hơn khi quay trở lại sản xuất.
Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát
Bà Bình cũng cho biết, theo các kịch bản tăng trưởng GDP của Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ, mức tăng trưởng có thể giảm xuống còn 3,5-4,4% nếu dịch bệnh kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm.
Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể nhận định cơ bản là thị trường biến động rất mạnh là khó, trong trung hạn có thể thị trường vẫn tăng trưởng, nhưng những tháng cuối năm sẽ khó nhìn thấy sự biến động mang tính chất nhảy vọt, tăng trưởng mạnh như thời gian qua.
Dù vậy, theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể lựa chọn những doanh nghiệp tốt, được hưởng lợi trực tiếp từ phục hồi nền kinh tế để giải ngân, vì các doanh nghiệp này sẽ có sức bật mạnh hơn so với mặt bằng chung.
Theo chuyên gia phân tích Lương Duy Phước tới từ Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), VN-Index bước vào tháng giao dịch đầu tiên của quý IV/2021 khi diễn biến chủ đạo vẫn chưa rõ ràng, VN-Index đã giao dịch trong phạm vi tích lũy từ 1.400 đến 1.200 trong 3 tháng qua (từ tháng 7 đến hết tháng 9).
Trong nửa cuối tháng 9, VN-Index giao dịch trong biên độ tích lũy thậm chí còn hẹp hơn, từ 1.280 -1.360 điểm, với biến động và thanh khoản suy giảm. Giá cổ phiếu có thể thay đổi khi tâm lý giao dịch trở nên tích cực hơn do nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa trở lại sau một thời gian dài giãn cách, do đó triển vọng phục hồi trong quý IV/2021 trở nên sáng sủa hơn.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng trong dài hạn của VN- Index vẫn giữ vững khi chỉ số này chỉ diễn biến trong kênh giá tăng và trong giai đoạn giảm điểm, giá dừng lại trên ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.200 và trên đường MA200 (đường trung bình động 200 ngày)
Điều này cho thấy, nhịp dao động đang diễn ra trong 2 tháng gần đây là nhịp tích lũy trong xu hướng tăng, do đó VN-Index có khả năng đột phá khi nhịp tích lũy kết thúc.
Trong trường hợp VN-Index tăng mạnh vượt qua kháng cự từ 1.400-1.420 điểm, chỉ số này nhiều khả năng tiếp tục tăng đến vùng giá tiếp theo tại 1.500 điểm. Mặt khác, một nhịp giảm sâu dưới hỗ trợ 1.200 sẽ khiến VN-Index có khả năng suy giảm về sâu hơn với đáy mới tiềm năng tại 1.020 điểm.
Dưới góc nhìn chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), diễn biến gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 phù hợp bối cảnh vĩ mô và không cho thấy sự phản ứng quá đà. Chiến lược phòng chống dịch của Chính phủ linh hoạt hơn, chuyển từ “Không COVID-19’’ sang “Sống chung với COVID-19” gợi mở kỳ vọng khôi phục và phát triển kinh tế nhanh trở lại sẽ tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện tại. Tâm lý thị trường cho thấy, sự ổn định nhờ các số liệu vĩ mô được hấp thụ dần theo tháng và cũng không nằm ngoài dự đoán.
Điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì tốt trên thị trường khi trú ẩn ở nhóm vốn hóa thấp và một số ngành dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2021 trong khi chờ đợi xu hướng sắp tới.
“Chúng tôi cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong 2 tháng gần đây”, nhóm phân tích từ SSI nhận định.
Theo các chuyên gia từ SSI, trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô, xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách, một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như: sắt thép, đường, phân bón, hóa chất.
Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan, SSI khuyến nghị./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận