Cơ hội nào cho thuỷ sản Việt từ làn sóng Covid-19 mới?
Thủy sản của Việt Nam đang có cơ hội giành thị phần tại các nước nhập khẩu lớn từ các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 5/2021 xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục khả quan khi tăng trưởng 24%, kim ngạch đạt gần 790 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phân tích của VASEP, sau khi tăng trưởng 23% trong tháng 4, xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao trong tháng 5, với mức tăng 25%, kim ngạch đạt 375 triệu USD. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng như tôm, trong tháng 5 xuất khẩu cá tra cũng đang hồi phục cao hơn dự kiến với mức tăng 26% đạt 134 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 623 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm xuất khẩu các mặt hàng hải sản vẫn đạt được mức tăng khá, 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch 1,3 tỷ USD. Trong số đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 292 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 4 và tháng 5 xuất khẩu cá ngừ đạt mức tăng ấn tượng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu những tháng tới.
VASEP dự kiến xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng 10% và khả năng đạt 2,1 tỷ USD, đặc biệt tôm và hải sản sẽ là những sản phẩm tiếp tục có sự tăng trưởng khá. Con số này được đưa ra khi thủy sản Việt đang đứng trước hai cơ hội lớn. Thứ nhất là giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… Thứ hai là tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.
Ấn Độ - nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới đang gặp khó khăn với sản xuất và xuất khẩu do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Làn sóng Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021.
VASEP nhận định, nguồn cung nguyên liệu thuỷ sản để chế biến xuất khẩu hiện nay khá ổn định, nhất là với các mặt hàng tôm, cá tra. Nguồn nguyên liệu hải sản nhập khẩu khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, yếu tố chính quyết định sự phục hồi xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại chính là thị trường. Theo đó, Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là những thị trường có vai trò chi phối tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tại Mỹ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang có động lực hồi phục “thần tốc” không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí sau khi nhờ triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của chính phủ.
Tôm luôn nằm trong top đầu tiêu thụ thuỷ hải sản tại Mỹ, ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2021 đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các doanh nghiệp, tôm Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Tuy nhiên, tôm Việt cũng chịu sự cạnh tranh khá gay gắt từ Ecuador và Indonesia, do đó doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường và có chiến lược xuất khẩu hợp lý.
Cùng với Mỹ, thị trường EU đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Mặc dù sự hồi phục kinh tế của khối thị trường này chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục rõ rệt khi dịch COVID-19 dần được khống chế. Các nhà nhập khẩu EU có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và nguồn nguyên liệu ổn định.
Các doanh nghiệp Việt ngày càng tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như xử lý tốt hơn các tình huống trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp trong nước và trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận