Cơ hội giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc Fed cắt giảm lãi suất là tin tốt cho Việt Nam, làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ, từ đó NHNN có điều kiện giảm lãi suất để hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào về động thái Fed cắt giảm lãi suất sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế Mỹ thời gian tới?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Lý do Fed giảm lãi suất như đã biết là để hỗ trợ cho nền kinh tế. Trước đây vào năm 2022 và 2023, nền kinh tế Mỹ ở trong một tình trạng tăng trưởng rất nóng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đối mặt với tình trạng lạm phát tăng rất cao, lên đến 9% vào năm 2022.
Năm 2023, lạm phát đã giảm xuống nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu lạm phát 2% của Mỹ. Vì vậy, Fed chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất điều hành. Tại thời điểm này, mặc dù vẫn chưa đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%, nhưng kinh tế Mỹ đang tiếp cận đến mục tiêu đó, và Fed cảm thấy an tâm để có thể giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế
Tại sao lại phải hỗ trợ nền kinh tế? Thời điểm này nếu nói nền kinh tế Mỹ suy thoái không đúng. Vì suy thoái là khi tốc độ tăng trưởng GDP thực tế mang giá trị âm suốt hai quý liên tiếp. Nhưng Mỹ không ở trong tình trạng đó nên chưa đi vào suy thoái.
Tuy nhiên, số người đăng ký trợ cấp xã hội tăng lên, là nguyên nhân thúc đẩy Fed hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động có công ăn việc làm và thúc đẩy tiêu dùng. Do vậy Fed đã đưa ra một liều thuốc khá mạnh giảm 0,5%.
Động thái giảm mạnh lãi suất này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán của Mỹ, có khả năng làm tăng giá cổ phiếu do chi phí vay vốn giảm, khuyến khích đầu tư. Đặc biệt nữa sẽ tác động đến hoạt động tín dụng của nước Mỹ. Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy các NH cho vay mua nhà, mua xe, phát hành thẻ tín dụng, cho vay tín chấp và thế chấp…
- Và với Việt Nam, đây có phải tin tốt?
- Đúng vậy. Việc Fed giảm lãi suất sẽ tốt cho Việt Nam. Về tác động trực tiếp, khi lãi suất của Mỹ giảm, chênh lệch lãi suất của Mỹ và lãi suất qua đêm trên hệ thống liên NH của Việt Nam sẽ giảm. Điều này sẽ giảm áp lực trên tỷ giá. Tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian trước tăng mạnh vì lãi suất của VNĐ thấp, chênh lệch với lãi suất của Mỹ quá cao, đã thúc đẩy hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài cũng như tạo ra sự mất giá của VNĐ.
Giờ đây, lãi suất của Mỹ giảm, chênh lệch lãi suất này cũng giảm, đồng USD sẽ giảm giá trị và tỷ giá sẽ bớt áp lực từ đây cho đến cuối năm. Theo đó, thị trường hối đoái của Việt Nam có thể đạt được một sự cân bằng và ổn định hơn cho đến cuối năm.
Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều để xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu lên gần đến 2 lần GDP, mức này chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc ngoại thương rất lớn. Trong việc lệ thuộc của ngoại thương, nhập khẩu là phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Nếu bây giờ tỷ giá ổn định, sẽ có lợi mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam, từ đó không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Mặc dù như vậy đối với xuất khẩu không có lợi, nhưng điều đó sẽ được bù trừ, vì như đã nói nước ta nhập khẩu rất nhiều để xuất khẩu.
Đồng thời, tỷ giá ổn định sẽ bổ trợ khuyến khích hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, việc Fed hạ lãi suất làm giảm áp lực tỷ giá, giảm áp lực tăng lãi suất VNĐ, từ đó Chính phủ và NHNN có điều kiện tiếp tục các chương trình lãi suất ổn định, thậm chí giảm lãi suất để hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế.
- Vậy theo ông lãi suất tại Việt Nam có thể giảm đến mức nào?
- Theo tôi, chúng ta có thể tiếp tục giảm lãi suất với hai lý do. Thứ nhất, trong năm nay Fed có thể vẫn còn một đợt giảm lãi suất nữa, theo đó NHNN có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thứ hai, sau trận bão Yagi vừa qua, nền kinh tế Việt Nam thiệt hại rất lớn do người dân cũng như các DN ở miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả các NH cũng khó khăn, khi có hàng trăm ngàn khách hàng đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão, và hàng trăm ngàn tỷ đồng tín dụng đang ở trong tình trạng không trả được nợ. Nên việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN có thể được xem là phù hợp trong thời gian sắp tới
Nếu tính toán tác động việc áp lực tỷ giá và lãi suất USD giảm, có thể giảm lãi suất điều hành khoảng 0,5-1%, từ đó giúp giảm các loại lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ các DN, nền kinh tế sớm hồi phục, ổn định. Giảm lãi suất điều hành sẽ tác động lên lãi suất của thị trường liên NH (thị trường 2), từ thị trường liên NH sẽ tác động đến thị trường 1.
Thêm vào đó, NHNN có thể dùng biện pháp như đẩy một lượng tiền lớn hơn vào lưu thông, và có thể giảm cả trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lãi suất trên thị trường 1.
Nói cách khác, với việc Fed giảm lãi suất, NHNN có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, nghĩa là có thể giảm lãi suất và cung cấp một nguồn tín dụng dồi dào hơn cho nền kinh tế. Song điểm còn lại là nền kinh tế có hấp thụ nổi hay không và liệu rằng điều này có làm bùng lên lạm phát hay không.
- Nhưng giá vàng thế giới phục hồi mạnh mẽ khi Fed khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Nếu giảm lãi suất trong nước, liệu nguồn vốn có chảy vào kênh tiết kiệm có làm nóng trở lại kênh vàng?
- Đó là vấn đề rất lớn chưa thể dự đoán được. Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng đã giảm rất sâu từ 92 triệu đồng xuống còn khoảng 82 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, nguồn cung không có. Việc giá vàng giảm hiện nay chỉ trên danh nghĩa, vì cũng có bán ra nhưng bán nhỏ giọt thôi, người dân không mua được
Tôi dự báo, giá vàng trên thế giới có thể lên đến 3.000 USD/ounce trong năm 2025. Vì Fed giảm lãi suất, đồng USD mất giá sẽ đẩy giá vàng lên. Bên cạnh đó là tác động từ các căng thẳng liên quan đến địa chính trị, như vụ nổ bên ngoài một giáo đường Do Thái ở Pháp, hàng loạt bộ đàm phát nổ ở Hezbollah (Lebanon), như “đổ dầu vào lửa” làm căng thẳng Trung Đông. Bên cạnh đó là vấn đề bầu cử ở Mỹ. Và thế giới ở trong một sự biến động rất lớn vào mọi phương diện, vàng sẽ lên ngôi.
Thế nhưng, giá vàng ở trong nước hiện tại là một ẩn số rất lớn, vì NHNN vẫn đang thực hiện chính sách bình ổn giá vàng. Nhưng hình thức bình ổn giá vàng lại theo hướng bóp chặt nguồn cung, nên cũng khó dự báo được khi cơ quan quản lý để cho thị trường tự do trở lại, thị trường sẽ phản ứng như thế nào.
Ngoài ra, do người dân vẫn còn nhu cầu mua vàng, cơ quan quản lý hạ cơn sốt vàng qua việc ém nguồn cung trong khi sức cầu không giảm khiến thị trường như quả bong bóng, bóp đầu này thì phình đầu kia. Đầu kia chính là thị trường chợ đen.
Cho nên, theo tôi đẩy lãi suất xuống, có thể có những tác động lên thị trường vàng, nhưng tác động thế nào mà thị trường vàng là một ẩn số rất lớn hiện tại và cần phải theo dõi.
- Xin cảm ơn ông
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận