Cơ hội cho nửa đầu tháng 9- T+2 kích thích dòng tiền
Đợt hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn được kỳ vọng sẽ kéo dài sang tháng 9/2022, tập trung vào nửa đầu tháng
- Các yếu tố kì vọng : Sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu trong tháng 9 là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với kỳ vọng Fed sẽ giảm quy mô tăng lãi suất từ 0,75% xuống 0,5%. Bởi lẽ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ có dấu hiệu tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tính đến hết tháng 7 chỉ là 3,5%, nhờ số lượng việc làm mới tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 không thay đổi, sau khi tăng 1,3% trong tháng 6, giúp mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái giảm từ 9,1% xuống 8,5%, thấp hơn dự kiến của thị trường (8,7%). Trước đó, Fed tăng quy mô tăng lãi suất khi 2 lần liên tiếp nâng thêm 0,75%/năm trong tháng 6 và 7, lên 2,25 - 2,5%/năm, nhằm kiềm chế lạm phát.
Đánh giá về tình hình nếu Fed đưa ra quyết định đúng như kỳ vọng của thị trường, kết hợp với thanh khoản có xu hướng cải thiện hơn, VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng điểm, áp sát mốc 1.350 điểm trong tháng 9. Nhiều ý kiến khác cũng có nhận định lạc quan về thị trường trong ngắn hạn khi nhà đầu tư đang kỳ vọng vào hiệu ứng giảm thời gian thanh toán chu kì mới kể từ ngày 29/8. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có thể sẽ nhận được quyết định nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng vào giữa tháng 9.
Tuy nhiên, yếu tố tích cực của số liệu vĩ mô và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã phản ánh vào nhịp tăng vừa qua, kết hợp với nhu cầu bán chốt lời gia tăng khiến thị trường chung khó có thể bứt phá xa khỏi vùng giá hiện tại và rủi ro sẽ lớn dần. Nhìn lại chuyển động của thị trường trong tháng 9 nhiều năm trở lại đây, hiệu suất tháng 9 không tốt đối với thị trường Việt Nam và cả thế giới. Theo đó, thị trường có thể sẽ sớm điều chỉnh giảm, nhất là trong nửa cuối tháng 9. Dù vậy , nhịp điều chỉnh nếu diễn ra cũng sẽ không mạnh do điều kiện thị trường hiện tại đã tốt hơn hẳn so với cách đây 2 - 3 tháng. Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư ổn định, rủi ro vĩ mô liên quan đến lạm phát giảm dần, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hồi phục vững vàng..
Việc nhà đầu tư được bán chứng khoán sau khi mua vào phiên giao dịch chiều ngày T+2 là yếu tố được đánh giá cao bởi rủi ro biến động giá trong thời gian chờ chứng khoán về tài khoản sẽ giảm. Còn việc thời gian nhận tiền bán chứng khoán sớm hơn không phải là yếu tố quan trọng, do các công ty chứng khoán đều có dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán ngay sau khi lệnh bán được khớp. Thời gian thanh toán được rút ngắn có thể giúp thanh khoản thị trường tăng 10 - 15%. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch trong thời gian qua cho thấy, thị trường đang còn kỳ vọng nhiều hơn thế. Cụ thể, riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn có sự vận động cùng chiều với diễn biến thanh khoản và điểm số chung của thị trường, ghi nhận mức tăng giá tích cực trong 2 tuần qua, một số mã nằm trong nhóm dẫn dắt. So với vùng đáy ngắn hạn, hầu hết các mã cổ phiếu chứng khoán tăng giá bình quân trên 30% như SSI, HCM, VCI…, gấp 3 lần mức hồi phục của VN-Index (trước đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm giá mạnh hơn thị trường chung).
- Cần thêm nhiều yếu tố tác động để giao dịch sôi nổi trở lại
Một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư là tính thanh khoản cao, thị trường giao dịch sôi động. So với giai đoạn trước đợt điều chỉnh kể từ đầu tháng 4/2022, giá trị giao dịch gần đây vẫn ở mức thấp. Để tăng thanh khoản cho thị trường, việc giảm thời gian giao dịch từ T+3 về T+0 được nhiều ý kiến đề cập. Việt Nam muốn giảm khâu giao dịch, tức thời gian cổ phiếu sau khi mua về đến tài khoản sớm hơn, thậm chí triển khai giao dịch T+0 chỉ cần có hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ phù hợp. Làm được điều này thì giao dịch chắc chắn sẽ rất sôi động.
Một giải pháp khác giúp tăng thanh khoản cho thị trường là giảm tỷ lệ ký quỹ trước khi mua chứng khoán từ mức 100% bằng tiền mặt hiện nay. Đây cũng là yêu cầu của các tổ chức nâng hạng thị trường. Bởi lẽ, với đặc điểm giao dịch không hủy ngang, chứng khoán/tiền của lệnh giao dịch sau khi được khớp đã là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch. Việc yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư và tính thanh khoản của thị trường.
Bên cạnh đó, để thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư, giải pháp cấp thiết là đẩy mạnh quá trình phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết các cổ phiếu mới. Việc nới hạn mức sở hữu nước ngoài (room) tại các doanh nghiệp cũng cần được xem xét, qua đó thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại. Trên 3 sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM) hiện có hơn 1.600 mã cổ phiếu, nhưng các quỹ lớn gặp khó khăn trong việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, do những doanh nghiệp “như ý” đã hết room. Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể giảm thuế, phí giao dịch để hỗ trợ thanh khoản thị trường. Dài hạn và có tính căn cơ hơn, các biện pháp được khuyến nghị là tăng số lượng và chất lượng hàng hoá, tăng tính minh bạch của thị trường, đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường cũng như công tác thoái vốn nhà nước…
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận