Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thịt gia cầm sang thị trường Trung Quốc
Ngay thời điểm đầu năm 2024, việc Trung Quốc đồng ý xem xét hồ sơ xuất khẩu thịt gia cầm có thể mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, ngay thời điểm đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thịt sang thị trường tiềm năng này.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022.
Đáng lưu ý, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới; trong đó, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như: Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Bỉ, Papua New Guinea, Malaysia, Campuchia, Pháp, Hoa Kỳ…
Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,88% về lượng và chiếm 54,44% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của cả nước với 9,63 nghìn tấn, trị giá 60,07 triệu USD, tăng 25,3% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; thịt trâu, bò tươi đông lạnh…
Trong số đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt heo nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 10,77 nghìn tấn, trị giá 63,35 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 24,7% về trị giá so với năm 2022. Thịt lợn tươi ướp lạnh, hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường: Hong Kong (Trung Quốc), Papua New Guinea, Malaysia, Lào, Campuchia, Lào, Singapore…
Cũng trong năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tăng mạnh, đạt 4,77 nghìn tấn, trị giá 12,04 triệu USD, tăng 136,1% về lượng và tăng 214% về trị giá so với năm 202; Chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Papua New Guinea, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).
Trên thực tế, đối với vấn đề xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam từng thẳng thắn cho biết, vẫn rất ì ạch. Suốt nhiều năm qua, hầu hết các sản phẩm thịt và vật nuôi của Việt Nam (thịt lợn, thịt gà, thịt trâu, thịt bò…) đều không xuất khẩu được sang Trung Quốc vì nhiều lý do, như chưa được phép xuất khẩu chính ngạch; xuất khẩu tiểu ngạch thì vấp phải các rào cản biên giới, kiểm tra, kiểm soát theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ ký Nghị định thư về tổ yến (vào ngày 9/11/2022) và về sữa (vào năm 2019) - đây là hai sản phẩm của ngành chăn nuôi nước ta đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhờ có Nghị định thư, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh trong những năm vừa qua, hiện chiếm 93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tới thị trường Trung Quốc.
Trong chuyến công tác vừa qua của đoàn công tác Bộ NN&PTNT đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu gia cầm vào thị trường này. Thứ trưởng Nam cho rằng với thị trường 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt lên tới khoảng 400 tỷ USD/năm, do đó dư địa để xuất khẩu thịt sang Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với mặt hàng rau quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận