Cơ hội cho các doanh nghiệp từ dịch COVID-19
Trong bối cảnh sự bùng phát dịch COVID-19 gây ra ở thời điểm hiện tại, thì đâu là những bài học mà các doanh nghiệp có thể rút ra từ những kinh nghiệm trước đây?
Tờ Business Times (Singapore) mới đây đăng tải bài bình luận của Willie Cheng và Lau Yin Cheng về những cơ hội mang tính tích cực mà các doanh nghiệp có thể khai thác trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Thành ngữ của Trung Quốc có một câu nói với đại ý là một cuộc khủng hoảng nào đó cũng đồng thời chứa đựng những cơ hội để “cưỡi lên cơn gió nguy hiểm”. Trên thực tế, trong những cuộc khủng hoảng dịch bệnh trước đây, các cá nhân, các tổ chức và các chính phủ đều đã “cưỡi lên các cơn gió nguy hiểm" và làm tốt công tác đối phó, xử lý khủng hoảng.
Trong bối cảnh sự bùng phát dịch COVID-19 gây ra ở thời điểm hiện tại, thì đâu là những bài học mà các doanh nghiệp có thể rút ra từ những kinh nghiệm trước đây?
Những chương trình khuyến mại hàng hóa, những đợt giảm giá các mặt hàng nên được điều chỉnh phù hợp với những thay đổi trong nhu cầu và nguồn cung của chính các công ty.
Một số ngành nghề nhất định sẽ được “hưởng lợi” từ dịch COVID-19 này. Những ngành nghề cung cấp các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vệ sinh và lau dọn, các chương trình giải trí trực tuyến và các dịch vụ giao nhận hàng hóa đã ghi nhận nhu cầu tăng vọt đối với các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Trong khi các ngành nghề này có thể tính đến việc tăng giá trong giai đoạn trước mắt, thì họ cũng nên cần phải cẩn trọng và nhạy cảm đối với những phản ứng và sự thấu hiểu của dư luận người dân đối với việc kiếm lợi từ cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty, chắc chắn sẽ chứng kiến sự suy giảm nói chung trong hoạt động và kinh doanh. Các ngành công nghiệp du lịch, nhà hàng khách sạn và bán lẻ nằm trong số những lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất.
Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này cần phải chấp nhận những đợt khuyến mại lớn, những đợt “trao tặng” hàng hóa để có thể tiếp cận người tiêu dùng.
Ví dụ như nhiều nhà hàng đã phải điều chỉnh các thực đơn của mình để đưa ra và cung cấp những lựa chọn có lợi hơn cho sức khỏe và thúc đẩy các hoạt động giao nhận trực tuyến. Một số nhà cung cấp dịch vụ y tế sức khỏe và giáo dục hiện tại đã và đang cung cấp trực tuyến một phần dịch vụ tư vấn và các dịch vụ khác.
Một tác động rõ ràng đối với nhiều doanh nghiệp chính là sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng. Các công ty, doanh nghiệp có tính chủ động đang phân tích những tác động hiện tại và trong tương lai của vấn đề này, đồng thời đang tái cơ cấu, điều chỉnh các mô hình nguồn cung và các chuỗi cung ứng để đảm bảo yếu tố linh hoạt và khả năng tự phục hồi.
Ví dụ như Amazon.com hiện đang điều chỉnh cách tiếp cận “mặt hàng dự trữ ít” truyền thống sang cách tiếp cận gia tăng nguồn hàng dự trữ, đặc biệt là với các mặt hàng từ các nhà cung cấp Trung Quốc.
Ngay cả đối với các công ty không thể làm được gì nhiều cho hoạt động kinh doanh của họ hiện tại, họ cũng có thể chuẩn bị cho một “quãng thời gian sắp tới” được tốt hơn.
Quãng thời gian tăng trưởng chững lại cũng là một cơ hội cho việc đào tạo và phát triển kỹ năng, tay nghề cho nhân viên, và cũng giúp cho việc lên kế hoạch được dài hơi hơn.
Thời điểm hiện tại đang là cơ hội tốt để suy nghĩ xem xét và có những hành động về những vấn đề mà các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý các công ty, doanh nghiệp trước đây chưa có nhiều thời gian để tập trung vào.
Một trong những vấn đề cần được xem xét chính là yếu tố “năng lực tự phục hồi”. Ngoài việc lên kế hoạch tiếp tục hoạt động kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp cần phải tìm cách “đa dạng hóa”.
Các nguồn lực được đa dạng hóa sẽ cho phép tiếp tục công việc khi một bộ phận của lực lượng lao động trở nên “bị vô hiệu hóa”. Các nguồn doanh thu được đa dạng hóa sẽ cho phép công ty, doanh nghiệp “không bị chết chìm” khi kinh doanh bị đình trệ do tác động từ cuộc khủng hoảng.
Một vấn đề khác nữa là yếu tố kỹ thuật công nghệ. Khi con người không thể đi lại hoặc gặp gỡ nhau giữa các nhóm người, họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào kỹ thuật công nghệ giao tiếp để có thể duy trì liên lạc và hoàn tất công việc.
CEO của Zoom, công ty cung cấp dịch vụ tổ chức hội thảo trực tuyến bằng hình ảnh, cho biết rằng dịch COVID-19 đã khiến cho nhu cầu và việc sử dụng các trang thiết bị làm việc từ xa tăng cao kỷ lục.
Khi người dân ở nhà, họ sẽ tham gia vào các chương trình trò chơi trực tuyến và sử dụng hình thức thương mại điện tử để mua bán hàng hóa tiêu dùng gia đình.
Các công ty trò chơi máy tính cá nhân đã ghi nhận sự gia tăng mạnh thời gian chơi các trò chơi trực tuyến trong 2 tháng qua tại Trung Quốc (quốc gia có nhiều thành phố bị phong tỏa trong dịch COVID-19).
Các công ty cũng cần phải cố gắng dự báo và lên kế hoạch cho những diễn biến mới phát sinh. Dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) được cho rằng chính là yếu tố đã “sinh ra” Taobao và JD.com (hiện đang là a2 công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc.
Tại Singapore, SARS cũng đã thúc đẩy Cơ quan Kỹ thuật Công nghệ và Khoa học Quốc phòng phát triển các máy quét hình ảnh nhiệt hồng ngoại tiên tiến đối với hoạt động kiểm tra thân nhiệt trên diện rộng.
Một số công ty, doanh nghiệp cũng đã thiết lập các ủy ban kiểm soát khủng hoảng để lên kế hoạch, điều phối và thực thi các biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống dịch COVID-19.
Có lẽ họ có thể cân nhắc thành lập các “ủy ban thời cơ khủng hoảng” để tìm ra cách thức bảo vệ doanh thu, lợi nhuận cũng như hiện thực hóa các “ích lợi” mà dịch bệnh này đem lại, trong khi đồng thời nắm rõ những tác động và hậu quả của nó đối với các mô hình kinh doanh.
Chẳng có ai mong muốn dịch bệnh kéo dài, nhưng ngay cả trong tình hình này, các công ty, doanh nghiệp vẫn có thể xoay chuyển tình thế khó khăn trở thành cơ hội tốt cho mình./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận