Cơ hội bắt tay với các tập đoàn hàng đầu thế giới
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp ngành điện Việt Nam có cơ hội bắt tay với các tập đoàn hàng đầu để vươn ra thế giới. Ông Huỳnh Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghệ tự động Hải Nam chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao công nghệ trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Được biết, Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghệ tự động Hải Nam đã có nhiều năm hợp tác với Schneider Electric, Siemens và Mitsubishi. Xin ông cho biết vai trò cụ thể của Hải Nam trong chuỗi cung ứng thuộc các tập đoàn đa quốc gia này?
Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghệ tự động Hải Nam thành lập năm 2002 với quyết tâm trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất tủ bảng điện, nhà tích hợp tự động hóa và các dịch vụ liên quan. Sau 16 năm không ngừng phát triển, chúng tôi tự hào được xếp trong số các nhà cung cấp uy tín hàng đầu trên thị trường thiết bị điện, thể hiện rõ qua những thỏa thuận hợp tác chiến lược với Schneider Electric và Siemens. Hải Nam là nhà sản xuất sử dụng công nghệ chuyển giao tủ điện hạ thế Blockset đầu tiên cho Schneider Electric tại Việt Nam cũng như các tủ điện trung thế Simoprime và Simosec MV của Siemens.
Chúng tôi tích hợp thiết bị thành sản phẩm hoàn chỉnh, đồng mang thương hiệu của đối tác và Hải Nam. Nhờ kinh nghiệm lâu năm tại thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn được các tập đoàn lớn tin tưởng để hợp tác và giới thiệu đến khách hàng của họ như một đối tác chiến lược trong khu vực với chất lượng và dịch vụ tốt nhất.
Ngoài việc hợp tác với các “đại gia” ngành điện, Hải Nam có sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình không? Các đối tác nước ngoài hỗ trợ Công ty như thế nào?
Bên cạnh việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu châu Âu, Hải Nam cũng có xu hướng tạo lập thương hiệu riêng. Cụ thể, chúng tôi đang hợp tác với đối tác lâu năm là Mitsubishi Electric để giới thiệu sản phẩm tủ điện hạ thế SSnR mang thương hiệu Hải Nam. Đây là sản phẩm do Hải Nam nghiên cứu nhằm hỗ trợ các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.
Dựa vào kinh nghiệm lâu năm trong ngành, chúng tôi nhận thấy rằng, tại các dự án ODA ngành điện, nhà đầu tư Nhật Bản thường “lệch pha” với đối tác Việt Nam vì hai bên dùng hai hệ quy chuẩn khác nhau. Cụ thể, Việt Nam chỉ công nhận các tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), trong khi đối tác chỉ muốn áp dụng chuẩn riêng của thị trường Nhật Bản - JIS.
Vì vậy, Hải Nam hợp tác cùng Mitsubishi Electric để tạo ra sản phẩm hỗ trợ các dự án FDI, đặc biệt là các dự án ODA tại Việt Nam để giải quyết khúc mắc này. SSnR được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS và đồng thời cũng đạt được một số quy chuẩn của IEC, giúp cả hai bên đối tác Việt Nam - Nhật Bản đều hài lòng với tiêu chí và chất lượng của sản phẩm. Tiến độ công trình nhờ vậy cũng được đẩy nhanh hơn.
Ông có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm của Hải Nam trong việc đáp ứng tiêu chuẩn gắt gao của các đối tác ngoại?
Để đáp ứng nhu cầu của đối tác và khách hàng, tất cả các nhà máy của Hải Nam đều đạt chứng nhận SGS ISO 9001:2015. Nhà máy chính của chúng tôi rộng 17.500 m2, được đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Nếu tính thêm các nhà máy khác tại Hà Nội và nước ngoài, thì tổng diện tích nhà máy của Hải Nam lên đến 42.000 m2, được vận hành bởi hơn 400 nhân viên. Nhờ cơ sở vật chất hiện đại, quy trình khép kín và công nghệ cao, chúng tôi có thể sản xuất nhiều loại thiết bị điện công nghiệp cho nhà máy, sân bay, trung tâm thương hoặc khu đô thị – những địa điểm cần nguồn điện ổn định.
Khách hàng của Hải Nam đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Myanmar, Campuchia, Nhật Bản, Australia... Hàng năm, Hải Nam đều cử đội ngũ kỹ sư tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài, nhằm giúp Công ty cải tiến chất lượng sản phẩm theo xu hướng quốc tế.
Kế hoạch của Hải Nam trong năm 2019 là gì? Công ty có dự định gì để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam?
Tương lai của Hải Nam gắn chặt với tương lai của ngành điện Việt Nam nói chung. Chúng tôi rất vui khi Việt Nam thu hút được nhiều dòng vốn nước ngoài, vì theo đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện cũng sẽ tăng. Ngoài ra, các tập đoàn Internet hàng đầu thế giới đang tìm hiểu khả năng thiết lập các trung tâm dữ liệu (data center) tại Việt Nam, điều đó có nghĩa, họ muốn có đối tác nội địa đáp ứng các tiêu chuẩn cao về nguồn điện nhằm phục vụ mục tiêu này.
Khi nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, không thể không nhắc đến ngành điện. Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số và ngành công nghiệp điện đang thay đổi mạnh mẽ. Trong xu thế đó, Hải Nam muốn trở thành nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ cho khách hàng, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm. Cụ thể, chúng tôi đang cố gắng xây dựng trung tâm dữ liệu riêng, trở thành đối tác lâu dài của khách hàng và hỗ trợ khách hàng bằng các giải pháp trọn gói.
Để làm được điều này, chúng tôi đang đầu tư mạnh vào đội ngũ kỹ sư lành nghề, tích cực tuyển dụng nhân tài từ các trường đại học tại Việt Nam và thế giới. Hải Nam rất tự hào về những khách hàng trong và ngoài nước hiện có và hy vọng sẽ ngày càng đa dạng hóa khách hàng, đối tác trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận