Có gì trong cú bắt tay giữa Grab Việt Nam và ZaloPay?
Grab đã thêm ví điện tử ZaloPay vào ứng dụng gọi xe của mình. Đây được coi là sự kết hợp hai nền tảng phổ biến nhất Việt Nam, một ví dụ về sự tập trung trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh.
Theo đó, ZaloPay dùng để gọi xe, giao hàng trong ứng dụng Grab, khách hàng tại Việt Nam có thể thanh toán cho các chuyến xe Grab và giao hàng bằng ZaloPay và ngược lại Zalo cũng có thể tận dụng hệ sinh thái rộng lớn lên đến gần 20 triệu người dùng của Grab.
Grab Việt Nam đã thêm ví điện tử ZaloPay vào ứng dụng gọi xe của mình.
Đây có thể nói là cuộc hợp tác đem lại lợi ích lớn cho cả hai nền tảng phổ biến nhất Việt Nam. Hai công ty khởi nghiệp có thể dễ dàng “tiếp cận cơ sở người tiêu dùng lớn của nhau”, như một tuyên bố mới đây của VNG, công ty mẹ của Zalo và là công ty đang ấp ủ tham vọng IPO tại Mỹ.
Bà Lê Lan Chi, Giám đốc vận hành ZaloPay cho biết: “Bằng cách tận dụng nguồn nhân lực và công nghệ của cả hai bên, chúng tôi sẽ hiện thực hóa ý tưởng của mình và cho ra mắt những sản phẩm mới thiết thực”.
Có thể nói, bước đi của Grab Việt Nam và VNG khá giống với một động thái trước đây của Gojek Việt Nam và MoMo, ví điện tử lớn nhất của Việt Nam. Đầu năm ngoái, MoMo và Gojek cũng đã chính thức công bố hợp tác chiến lược, theo đó MoMo trở thành ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam.
Thông qua quan hệ hợp tác này, MoMo hỗ trợ hệ sinh thái hàng triệu người dùng của Gojek đang sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ trực tuyến GoRide (xe máy), GoCar (ôtô), giao đồ ăn trực tuyến GoFood và giao hàng GoSend, mang tới cho khách hàng của Gojek một lựa chọn thanh toán qua ví điện tử, bên cạnh những hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và tiền mặt.
Đây được coi là một phần trong chiến lược phát triển của của Gojek nhằm cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn thanh toán hơn trên ứng dụng của mình, sau khi ra mắt tính năng thanh toán bằng thẻ vào năm 2021. Ngoài ra, Gojek cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với hệ sinh thái hơn 31 triệu người dùng của MoMo, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng muốn có thêm nhiều lựa chọn thanh toán hơn nữa trên ứng dụng này.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại MoMo cũng có thể kỳ vọng vào việc tiếp cận với tệp khách hàng mới, đa dạng từ nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á như là Gojek với 200 nghìn đối tác tài xế và hàng chục nghìn nhà hàng.
Sự hợp tác của các nền tảng công nghệ
Có thể nói, hình thức thanh toán qua ví điện tử đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây tại Việt Nam nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm. Bên cạnh đó, việc thanh toán không tiếp xúc cũng giúp đảm bảo an toàn tốt hơn cho người dùng trong các giao dịch, đặc biệt đối với các giao dịch có tần suất lặp lại cao như ăn uống, đi lại, giao nhận hàng.
Xu hướng kết hợp giữa các nền tảng công nghệ đang được coi trọng.
Theo một khảo sát gần đây của Visa, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích một ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch. Rõ ràng, với việc sử dụng ZaloPay để thanh toán Grab sẽ đem lại sự tiện lợi, dễ dàng và an toàn cho những người dùng Grab đang tích hợp ví điện tử này.
Mặc dù Grab cũng đã có một ví điện tử là Moca và đã ký một thỏa thuận quảng cáo chéo với công ty thương mại điện tử Lazada tại Việt Nam vào năm 2020. Tuy nhiên, với sự đa dạng trong khả năng thanh toán của ZaloPay có thể sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chính Grab bởi hiện tại Zalo đang là ứng dụng “khủng” tại Việt Nam với 10 triệu người dùng trả phí và hơn 70 triệu người dùng nhắn tin và trò chuyện.
Nhìn chung, cú bắt tay của Grab và Zalo ở thời điểm này được coi là sự chia sẻ khả năng tài chính, công nghệ và hiểu biết sâu sắc về trải nghiệm người dùng trong bối cảnh dịch vụ gọi xe đang gặp khó khăn ở Việt Nam trong năm qua, với việc giá nhiên liệu leo thang, thiếu mạng lưới an toàn và không thanh toán được các khoản vay mua ô tô, trong một số trường hợp, do khủng hoảng kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận