Cô gái trồng dâu tây trong chai nhựa ở ban công, chi phí rẻ nhưng nhìn thành quả cực thích mắt
Tiểu Ngô khuyên rằng khi trồng dâu tây ngoài ban công, nên chọn giống kháng sâu bệnh và có năng suất cao.
Rất nhiều người muốn có một mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau củ quả, tuy nhiên vì diện tích eo hẹp nên việc này khá khó với những người ở thành thị. Tuy nhiên, nếu muốn thì sẽ tìm cách, ví dụ như chị Tiểu Ngô (sống ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), chị đã trồng dâu tây trên ban công bằng chai nhựa.
Theo đó, chị đã tái sử dụng chai nhựa để trồng cây, tận dụng tối đa không gian khu vực phơi quần áo ở ban công để trồng hàng chục cây dâu tây trong chậu treo. Đáng nói, chị không chỉ trồng một loại dâu tây mà trồng tới 6 loại gồm dâu tây Albion, dâu tây Pháp, dâu tây Suizhu, dâu tây Fengxiang, dâu tây kem, dâu tây đỏ.
Tiểu Ngô chia sẻ: “Các loại dâu tây mình chọn đều là giống kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao, thích hợp trồng ở ban công. Ví dụ như dâu tây kem thích hợp trồng ở ban công vì có khả năng thích ứng cao với môi trường, chịu nóng chịu lạnh tốt, không thu hút côn trùng, nhiều nước và vitamin, có mùi thơm sữa nên mình rất thích.
Dâu tây đỏ có lá to và bóng, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, đặc biệt là nhện đỏ nên dễ quản lý hơn khi trồng trên ban công. Ngoài ra, dâu tây đỏ có độ ngọt cao, mùi thơm độc đáo và hương vị rất ngon.
Dâu tây Suizhu và dâu tây Fengxiang đều là giống chín sớm, năng suất cao, khả năng kháng bệnh mạnh và chất lượng quả tốt. Dâu tây Albion cách trồng và chăm sóc tương đối đơn giản, có khả năng kháng sâu bệnh nên thích hợp trồng ở ban công. Dâu tây Pháp có khả năng thích ứng cao, có thể trồng ở ban công phía bắc và phía nam. Giống này có thể thu hoạch sau khi trồng 60 ngày và thời gian thu hoạch quả kéo dài tới 6 tháng”.
Tiểu Ngô cho biết, mùa xuân (tháng 3-tháng 4) và mùa thu (tháng 8-tháng 9) là thời điểm tốt nhất để trồng dâu tây. Nhiệt độ trong hai mùa này thích hợp, thuận lợi cho dâu tây sinh trưởng và phát triển.
Khi trồng dâu tây trong chai nhựa, trước đó cô sẽ dùng máy đục lỗ và dao cắt các lỗ trên chai để tạo lỗ thoát nước. Sau đó, luồn dây vào để sau khi trồng cây thì có thể treo chúng lên giá treo quần áo gần cửa sổ nhất.
“Nếu có chậu, hãy chọn chậu có đường kính ít nhất 20cm, độ sâu hơn 15cm, phía dưới cần có lỗ thoát nước để tránh đọng nước nhé. Còn lý do nên treo chậu dâu tây lên vì ban công kém thoáng khí, treo lên sẽ tăng cường khả năng thông gió, từ đó có thể làm giảm sự xuất hiện của sâu bệnh”, cô gái cho hay.
Dâu tây có khả năng thích nghi cao và có thể phát triển ở nhiều loại đất khác nhau, nhưng đất thịt pha cát tơi xốp, màu mỡ và thoát nước tốt là phù hợp nhất. Ngoài ra, có thể trộn đất vườn với đất mốc lá và cát sông theo tỷ lệ 4:4:2 hoặc có thể mua đất chuyên trồng dâu.
Ngoài ra, cô còn đặt một lớp thoát nước như gốm sứ hoặc gạch vỡ dưới đáy chai và chậu hoa trước khi đổ đất vào. Việc này giúp tăng khả năng thoát nước của đất, tránh tích tụ nước.
Dâu tây thích môi trường phát triển ấm áp, có nắng, chịu lạnh và chịu bóng râm, nhưng không chịu hạn, chịu úng, chịu được nhiệt độ cao cũng như không chịu được cái lạnh khắc nghiệt. Nhiệt độ phát triển của dâu tây là 5-30oC, nhiệt độ thích hợp là 15-22oC.
Ngoài ra, Tiểu Ngô khuyên rằng khi chăm sóc dâu tây ngoài ban công, cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Ánh sáng: Dâu tây cần có đủ ánh nắng, đảm bảo 6-8 giờ chiếu sáng mỗi ngày. Cần che nắng thích hợp khi nhiệt độ cao vào mùa hè để tránh bị cháy lá do ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
- Tưới cước: Dâu tây thích môi trường ẩm ướt nhưng không chịu được nước đọng. Tuân thủ nguyên tắc thấy khô hẵng tưới nước thật kỹ. Tần suất tưới nước cần tăng vào mùa hè và giảm vào mùa đông.
- Bón phân: Dâu tây cần đủ phân bón trong quá trình sinh trưởng. Phân bón cơ bản chẳng hạn như phân gà đã ủ hoai mục có thể được bón vào đất trước khi trồng. Bón phân pha loãng thường xuyên trong thời kỳ sinh trưởng và tránh sử dụng phân đậm đặc.
- Thụ phấn nhân tạo: Dâu tây trồng ở ban công cần thụ phấn nhân tạo, nếu không tỷ lệ đậu quả sẽ giảm. Sự thụ phấn có thể xảy ra trong vòng 2-3 ngày sau khi hoa nở hoàn toàn.
- Kiểm soát sâu bệnh: Các bệnh và côn trùng gây hại phổ biến trên dâu tây bao gồm nhện đỏ, phấn trắng, đốm lá góc cạnh,.. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm sử dụng thường xuyên thuốc diệt nấm và giữ quả cách xa mặt đất và nước.
“Thông qua các phương pháp trên, hi vọng bạn có thể trồng và chăm sóc dâu tây trên ban công thành công và tận hưởng hương vị thơm ngon tự nhiên do chính tay mình trồng”, Tiểu Ngô bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận