Cổ đông tự triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông: Có quyền nhưng khó thực thi!
Những ngày gần đây, theo các thông cáo báo chí của các bên liên quan, Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto), có trụ sở tại Singapore, là cổ đông lớn Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) đã gửi văn bản gửi đến Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) của Coteccons để yêu cầu tổ chức một cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐBT).
Quyền có điều kiện
Quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ là “một quyền rất quan trọng để bảo vệ các quyền cổ đông của họ”(1). Quyền này được Luật Doanh nghiệp hiện hành, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ghi nhận và cũng thường được thể hiện rõ trong Điều lệ của các công ty cổ phần.
Cụ thể, điểm c khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN) quy định HĐQT “phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông” trong trường hợp “theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này”. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông này là cổ đông hoặc nhóm cổ đông “sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.
Khoản 3 Điều 114 LDN cũng quy định rõ các trường hợp nhóm cổ đông này được quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐBT gồm: HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế; trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.
Đối với công ty đại chúng, Điều lệ mẫu của công ty đại chúng do Bộ Tài chính ban hành theo Thông tư số 95/2017/TT-BTC (Điều lệ mẫu CTĐC) cũng quy định cổ đông, nhóm cổ đông giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng có quyền yêu cầu HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐBT.
Ngoài ra, Điều lệ mẫu quy định rõ hơn về nội dung, hình thức của yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ, cụ thể điểm d khoản 3 Điều 14 quy định: “Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và mục đích cuộc họp, có đủ chữ ký của các cổ đông liên quan hoặc văn bản yêu cầu được lập thành nhiều bản và tập hợp đủ chữ ký của các cổ đông có liên quan”.
Liên quan đến vụ việc trên tại Coteccons, Điều lệ sửa đổi lần thứ XVII của Coteccons (Điều lệ Coteccons) công bố trên trang web của công ty này cũng quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ tối thiểu 5% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn liên tục từ sáu tháng trở lên có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐBT nhưng trong các trường hợp sau:
Khi cần xem xét và giải quyết những việc mà HĐQT, Tổng giám đốc công ty hoặc BKS vi phạm Điều lệ hoặc không thực hiện đúng Nghị quyết của ĐHĐCĐ;
Khi có dấu hiệu bất thường về hoạt động tài chính
Khi phát hiện thấy HĐQT, Tổng giám đốc công ty hoặc BKS có dấu hiệu tham nhũng, thực hiện các giao dịch với bên liên quan không đúng thẩm quyền gây ra xung đột lợi ích làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hoặc công ty;
HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
Nhiệm kỳ của HĐQT vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế.
Điều lệ Coteccons cũng quy định chi tiết hình thức của văn bản yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ. Trong đó, văn bản này phải nêu căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ. Kèm theo yêu cầu họp ĐHĐCĐ phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, Tổng giám đốc công ty hoặc BKS, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Coteccons, Kusto là cổ đông có quyền yêu cầu HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, yêu cầu này phải tuân thủ thể thức bằng văn bản với các nội dung như Điều lệ Công ty quy định; nêu rõ lý do cần triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐBT và lý do này phải phù hợp với quy định của LDN và Điều lệ Công ty. Nếu Kusto cho rằng HĐQT, Tổng giám đốc công ty có vi phạm thì cũng phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm như Điều lệ quy định.
Khó khả thi!
Mặc dù LDN và Điều lệ có trao quyền tự triệu tập họp ĐHĐCĐ cho cổ đông hoặc nhóm cổ đông nói trên nhưng để thực thi quyền này trên thực tế là một vấn đề không đơn giản, thậm chí là khó khả thi vì LDN và Điều lệ lại không quy định chi tiết về việc này.
Vướng mắc đầu tiên là việc chốt danh sách cổ đông. Nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ nhưng lại không phải là người quản lý hiện tại của công ty thì sẽ khó tiếp cận danh sách cổ đông đầy đủ của công ty để có thể chốt danh sách cổ đông và gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ cho tất cả các cổ đông. Đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết, việc chốt danh sách cổ đông lại càng khó khăn. Hơn nữa, nhiều công ty sử dụng dịch vụ của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) để lưu trữ và cập nhật danh sách cổ đông. Dù rằng “Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ” nhưng trong trường hợp này, liệu rằng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ có quyền yêu cầu VSD cung cấp danh sách cổ đông để triệu tập họp ĐHĐCĐBT được không? E rằng rất khó. Và nếu không có được danh sách cổ đông thì làm sao triệu tập họp ĐHĐCĐ?
LDN quy định người triệu tập họp ĐHĐCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất mười ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn. Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; tên, địa chỉ thường trú của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp. Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông; đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của công ty và đăng báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương, khi xét thấy cần thiết theo quy định của Điều lệ công ty.
Nếu không có được danh sách cổ đông thì rất khó để thực hiện đúng thủ tục mời họp và nếu không tuân thủ đúng thủ tục này thì cuộc họp ĐHĐCĐ khó có thể diễn ra. Hoặc nếu có diễn ra thì tính pháp lý của cuộc họp, của Nghị quyết ĐHĐCĐ khó đảm bảo.
Ngoài ra, khi một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông đứng ra triệu tập họp ĐHĐCĐ thì cũng có thể vấp phải sự không đồng thuận, phản đối của cổ đông, nhóm cổ đông khác (chẳng hạn cổ đông, nhóm cổ đông hiện tại trong HĐQT hoặc ủng hộ HĐQT), do vậy điều kiện tiến hành cuộc họp cũng có thể không được đảm bảo.
Mặt khác, khi công ty đã phân hóa thành các nhóm cổ đông khác nhau, việc một nhóm cổ đông triệu tập họp ĐHĐCĐ dù có được diễn ra thì khả năng rất cao là Nghị quyết của cuộc họp ĐHĐCĐ này sẽ bị xem xét, khởi kiện yêu cầu hủy Nghị quyết.
Như vậy, có thể thấy rằng quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ là một quyền cơ bản của cổ đông, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhưng để thực thi quyền này thì phải đáp ứng được điều kiện thực thi quyền, đồng thời tính khả thi của quyền này được áp dụng trên thực tế là rất hạn chế.
Giải pháp khác?
Trong trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông cho rằng HĐQT, Tổng giám đốc công ty có sự vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ. Thay vì cố gắng triệu tập một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để “phế truất”, thay thế những người quản lý này trong khi việc triệu tập một cuộc họp như vậy là rất khó khăn thì có lẽ cổ đông hoặc nhóm cổ đông nên cân nhắc đến việc lựa chọn giải pháp thay thế.
Khoản 1 Điều 161 LDN quy định cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong các trường hợp vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty; không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT; thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHĐCĐ; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Như vậy, nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông cho rằng HĐQT, người quản lý công ty có sự vi phạm thì cổ đông, nhóm cổ đông này có thể thực thi quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ, quyền tự mình triệu tập họp ĐHĐCĐ để thay thế thành viên HĐQT hoặc cũng có thể tính đến phương án khởi kiện về vi phạm trách nhiệm của người quản lý theo quy định của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận