menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hà My

Cổ đông mong ngóng cổ tức, lại tức đến tận cổ

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng nóng rẫy chuyện chia cổ tức. "7-8 năm rồi chúng tôi không được chia cổ tức. Quý vị cứ nói lòng vòng. Quý vị đi thẳng vấn đề là có chia cổ tức hay không?.... Góp tiền cho quý vị xài rồi không chia đồng nào hết"

Chục năm chưa nhận một đồng cổ tức

Ngoại trừ một số ít nhà băng chia cổ tức bằng tiền mặt như VPBank, ACB, Sacombank, VIB,.. hầu hết các ngân hàng chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu như một phương án tăng vốn điều lệ. Điều này được các ngân hàng lặp lại trong nhiều năm, khiến các cổ đông nhỏ lẻ vốn không có tiếng nói quyết định chỉ biết… "tức đến tận cổ".

Tại Đại hội của Ngân hàng PG Bank, trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do không bàn đến phương án chia cổ tức, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT cho biết, còn phải đợi xin ý kiến của các cổ đông mới.

PG Bank đang hoàn tất thủ tục tiếp nhận cổ đông tổ chức mới sau khi Petrolimex thoái vốn. Do vậy câu trả lời của Chủ tịch dễ dàng nhận được sự đồng thuận của các cổ đông nhỏ lẻ.

Không được yên ả như PG Bank, đại hội của Sacombank lại “dậy sóng” bởi những cổ đông lớn tuổi đầy tâm huyết. Một nữ cổ đông đã lớn tuổi chất vấn, ngân hàng trích quỹ khen thưởng và phúc lợi (năm 2022 trích 404,7 tỷ đồng), nhưng lại lờ đi việc chia cổ tức.

“7-8 năm rồi chúng tôi không được chia cổ tức. Quý vị cứ nói lòng vòng, chúng tôi không chịu. Quý vị đi thẳng vấn đề là có chia cổ tức hay không?.... Góp tiền cho quý vị xài rồi không chia đồng nào hết, chúng tôi không thống nhất điều đó”, cổ đông nói.

Trước bức xúc đó, lãnh đạo Sacombank phân trần, ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định để chia cổ tức. Việc xử lý cổ phiếu STB thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ chưa thực hiện được.

“Hiện, lợi nhuận giữ lại chưa phân phối tại Sacombank là 12.700 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu và được NHNN cho phép, ngân hàng sẽ triển khai phương án chia cổ tức cho cổ đông”, đại diện Sacombank trả lời.

Cổ đông mong ngóng cổ tức, lại tức đến tận cổ
Cổ đông chất vấn tại đại hội cổ đông của Ngân hàng Techcombank (Ảnh N.T)

Tình cảnh cổ đông nhà băng cả chục năm không biết đến cổ tức tiền mặt không phải là hiếm. Đơn cử cổ đông Techcombank đã trải qua năm thứ 12 liên tiếp. Tuy nhiên, cổ đông ngân hàng này hoàn toàn có quyền hy vọng nhận được cổ tức bằng tiền mặt trong năm tiếp theo.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh nói: “Tôi nhớ năm 2013, cũng tại ĐHCĐ, tôi đã nói Ngân hàng trong 10 năm tới sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10 và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng”.

Ngân hàng “mắc kẹt”

Tại Đại hội của ABBank, một cổ đông nhỏ lẻ nêu quan điểm, việc ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu mà không chia tiền mặt là chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của cổ đông.

“HĐQT và Tổng giám đốc luôn nói mục tiêu của ABBank là lấy khách hàng làm trung tâm. Nhưng chúng ta cũng nên quan tâm tới lợi ích của cổ đông nữa chứ, đâu phải chỉ riêng khách hàng. Kế hoạch chia cổ tức của chúng ta trong 5 năm tiếp theo sẽ bằng cổ phiếu hay tiền mặt? Dù biết chúng ta vẫn phải tiếp tục tăng vốn điều lệ, nhưng vẫn mong muốn ngân hàng quan tâm đến việc chi trả cổ tức cho cổ đông”, cổ đông ABBank nêu ý kiến.

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT cho rằng, ABBank cần có sự tích luỹ từ lợi nhuận ngân hàng trong vòng 3-5 năm tới để tăng vốn chủ sở hữu, để có thể phát hành thêm nguồn cổ phiếu tăng vốn mới khi cần thiết.

Chủ tịch ABBank thuyết phục cổ đông, việc giữ lại lợi nhuận để “dành nguồn lực đầu tư dài hạn vào con người, hệ thống công nghệ và dữ liệu".

“Chúng ta vẫn cứ đứng giữa một bên là không có lợi nhuận thì không tăng được lương. Không tăng được lương thì không thu hút được người giỏi. Nhưng không thu hút được người giỏi thì làm sao có lợi nhuận cao?”, ông Kháng nói.

Theo Chủ tịch ABBank, với mục tiêu vốn hoá đạt 3 tỷ USD và lợi nhuận 500 triệu USD trong tương lai không xa, khi đó ngân hàng sẵn sàng chi cổ tức bằng tiền mặt. Nhưng đó là câu chuyện ở thì tương lai, ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong 3-5 năm tới.

“Chúng tôi đề nghị cổ đông có thể sẵn sàng đồng hành cùng HĐQT và Ban điều hành. Chúng ta giữ lại lợi nhuận để đầu tư hệ thống, đầu tư cho con người, đầu tư dài hạn vào công nghệ, để chúng ta có sự bứt phá về lợi nhuận.”

Trước những lý lẽ của Chủ tịch ABBank, một số cổ đông nhỏ lẻ cũng thể hiện quan điểm ủng hộ định hướng đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ, thu hút nhân tài vì lợi ích phát triển dài lâu của ngân hàng.

Theo Chuyên gia kinh tế - TS. Huỳnh Thế Du, cổ tức bằng tiền mặt có một số ưu điểm, đặc biệt là việc kiểm soát “agency cost” (chi phí uỷ quyền – thừa hành). Về nguyên tắc, chi phí này càng cao thì càng cần trả cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, ở đây sẽ có một số vấn đề.

Thứ nhất, rất khó xác định “agency cost” như thế nào là cao (điểm cắt/chuyển/dừng là ở đâu?). Thông thường, “agency cost” giảm theo thời gian cùng với sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường. Khi đó, lập luận càng giai đoạn đầu, càng yêu cầu trả cổ tức bằng tiền để giảm agency cost sẽ không hợp lý.

Thứ hai, rất khó có được các giải pháp buộc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển.

Thứ ba, việc trả cổ tức bằng tiền sẽ tạo ra gánh nặng thuế khóa cho cổ đông, nhất là những nhà đầu tư muốn tích lũy giá trị cho tương lai.

Thứ tư, phát sinh các chi phí huy động vốn mới khi doanh nghiệp có nhu cầu phát triển.

"Do vậy, lợi ích có được của việc kiểm soát vấn đề người ủy quyền – người thừa hành thông qua trả cổ tức bằng tiền mặt có vẻ như không bằng lợi ích mất đi/chi phí tăng thêm. Kết quả, thị trường, trên thực tế, đã vận hành và phân nhóm các doanh nghiệp một cách tự nhiên. Cách đây 4 thập kỷ, 95% doanh nghiệp trên thế giới trả cổ tức bằng tiền khi có dòng tiền dư ra, nhưng hiện tại cách thức này chỉ còn 33%, còn lại 67% mua lại cổ phiếu", TS. Huỳnh Thế Du nói.

Ông cũng lưu ý, có rất nhiều doanh nghiệp không trả cổ tức, nhất là trong giai đoạn tăng trưởng. Với thực tế như vậy, quan tâm của cổ đông nên là suất sinh lợi của cổ phiếu. Doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền khi không có cơ hội tái đầu tư mang lại suất sinh lợi cao cho cổ đông.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại