24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cố đô Huế quyết trở thành trung tâm công nghệ thông tin, năm 2019 đã gọi được vốn đầu tư kỷ lục lên tới 22.711 tỷ đồng

Theo đó, trong năm 2019, Thừa Thiên Huế đã có 30 dự án được đầu tư – cấp mới, với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 22.711 tỷ đồng, chiếm trên 12% tổng vốn đăng ký từ trước đến nay.

Số vốn đầu tư trong năm 2019 gấp 2,5 lần về lượng và gấp 2, 27 lần về chất so với năm 2018

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: trong năm 2019, Sở đã cấp mới trên 30 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 22.711 tỷ đồng, chiếm trên 12% tổng vốn đăng ký từ trước đến nay. Số vốn đầu tư trong năm 2019 gấp 2,5 lần về lượng và gấp 2,27 lần về vốn đăng ký đầu tư so với năm 2018.

Trong đó 20 dự án trong nước với số tiền đầu tư khoảng 14.428 tỷ đồng, 11 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn tầm 293 triệu USD. Lũy kế đến nay có hơn 200 dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng, chiếm 36% dự đăng ký đầu tư toàn tỉnh.

Cón nếu chỉ tính riêng các khu kinh tế công nghiệp tỉnh, Ban quản lý đã cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn khoảng hơn 9.600 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch, với diện tích đất sử dụng hơn 218ha.

Hồi đầu năm 2019, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu thu hút 15 dự án với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu đô la Mỹ. Theo đó, trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt hơn 100% kế hoạch đã đề ra.

Các dự án lớn trong năm 2019 có thể kể đến như: Khu du lịch quốc tế Minh Viễn ở Lăng Cô, khu du lịch Vinh Thanh của tập đoàn BSH Tây Ban Nha, dự án Laguna giai đoạn 2, khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort của Vicoland và các đối tác, nhà máy Kanglongda,dự án bến số 2 và số 3 cảng Chân Mây…

Khu du lịch Vinh Thanh - Hue Amusement and Beach Park là dự án thuộc tập đoàn PSH Tây Ban Nha, có 100% vốn nước ngoài. Dự án xây dựng tại thôn 6 xã Vinh Thanh và thôn 3 xã Vinh An, huyện Phú Vang. Dự án có quy mô hơn 50 ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án gồm tổ hợp dịch vụ du lịch gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí như công viên nước, vườn chim, khu thương mại, trưng bày và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ đi kèm khác với quy mô đầu tư 1.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, 42 biệt thự cao cấp và các tổ hợp dịch vụ khác. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện tổ hợp khách sạn với 120 phòng.

Nhà máy Kanglongda Huế cho Công ty Kanglongda International Holdings Limited (Hong Kong) làm chủ đầu tư. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 35,6ha tại Khu công nghiệp Phong Điền- Viglacera (Phong Điền). Dự án có tổng vốn đầu tư trên 4.800 tỷ đồng, công suất 10,08 tỷ chiếc găng tay các loại/năm và 800 tấn sợi polyethylen/năm.

Dự án bao gồm 3 giai đoạn, thời gian thực hiện từ năm 2019- 2023, trong đó giai đoạn I sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động vào quý I/2021, giai đoạn II vào quý I/2022 và quý I/2023 sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn III.

Hay cuối năm 2019, Huế vừa khởi công xây dựng dự án nhà ga hành khách T2 Phú Bài bao gồm: nhà ga, đường giao thông, sân đỗ ôtô và các hạng mục phụ trợ. Tổng vốn khoảng 2.250 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Cố đô Huế quyết trở thành trung tâm công nghệ thông tin, năm 2019 đã gọi được vốn đầu tư kỷ lục lên tới 22.711 tỷ đồng
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang phát biểu ở lễ khởi công xây dựng Hue Amusement and Beach Park.

Công trình thiết kế theo văn hóa kiến trúc cung đình Huế với các lớp mái chồng xếp lên nhau. Tầng một gồm: sảnh đến, băng chuyền hành lý, khu vực nhập cảnh, cảng vụ, hải quan, phòng chờ VIP, phòng hành lý thất lạc, kiểm soát an ninh. Tầng lửng bố trí văn phòng các hãng hàng không. Tầng hai là khu vực thủ tục, kiểm soát an ninh, khu vực xuất cảnh, khu vực chờ lên máy bay. Nhà ga có hệ thống đường dẫn ra máy bay với 4 ống lồng.

Nhà ga có diện tích sàn xây dựng khoảng 22.380 m2, dự kiến công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm (trong đó 4 triệu khách nội địa), bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. Công trình có thể đưa vào khai thác trong quý IV/2021.

Giải thích về thành quả này, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch tỉnh cho biết: Tỉnh luôn muốn tranh thủ những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, những nhà đầu tư có thương hiệu, có quản trị tốt. Năm 2020, họ sẽ phát huy tiếp những nghiên cứu trong những năm trước. Theo ông, 1 dự án muốn hoàn tất phải cần 1,5 đến 2 năm nghiên cứu và chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi các doanh nghiệp.

Trong năm 2018 và 2019, Thừa Thiên Hhuế đã dày công kêu gọi đầu tư, nên hy vọng trong năm 2020 sẽ có nhiều dự án mới được khởi công, đặc biệt ở khu vực cảng Chân Mây – Lăng Cô và vùng kinh tế mới ven biển.

35 dự án mới đang chờ các nhà đầu tư trong năm 2020 và quyết tâm trở thành trung tâm công nghệ thông tin của nước

UBND Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 5/QĐ-UBND ngày 02/1/2020 phê duyệt danh mục 9 dự án khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 và dự án ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Ví dụ như: dự án Khu văn hóa đa năng Dã Viên, dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Thủy Biều, dự án Khu không gian văn hóa đa năng tại bãi bồi Lương Quán, dự án Đô thị giáo dục Quốc tế - Huế, dự án Bệnh viện Quốc tế Huế, dự án Khu công viên Độn Sầm, dự án ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực Công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, trong danh mục đầu tư mà tỉnh này đưa ra cho các nhà đầu tư trong năm 2020, không chỉ có 9 dự án trên mà có tới 35 dự án, bao gồm cả những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản: xây dựng trung tâm thương mại phía Bắc thành phố Huế, Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Trang trại nuôi heo ứng dụng công nghệ cao, dự án Nhà máy ghết mổ gia cầm – gia xúc tập trung….

Ngoài ra, trong năm 2020, Huế sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ thông tin của nước, điều mà không ít người cho rằng đó là "nhiệm vụ bất khả thi". Tuy nhiên, dựa trên những thành tựu mà tỉnh đã làm được trong năm 2019, Ban lãnh đạo tỉnh vẫn rất có niềm tin.

Ngày 25/12/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 1898/QĐ-TTg về việc kết nạp Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Cố đô Huế quyết trở thành trung tâm công nghệ thông tin, năm 2019 đã gọi được vốn đầu tư kỷ lục lên tới 22.711 tỷ đồng
Đại diện của tỉnh đang nhận giải ở giải thưởng VIETNAM DIGITAL AWARDS 2019.

HueCIT bao gồm tòa nhà HueCIT có diện tích 2.378 m2 tại địa chỉ số 6 đường Lê Lợi, thành phố Huế; khu Công viên phần mềm, CNTT tập trung Thừa Thiên Huế có diện tích 39,6 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu B – Đô thị mới An Văn Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế tại Quyết định 2287/QĐ-UBND ngày 17/9/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, 2 cơ quan quản lý của tỉnh đã nhận giải thưởng VIETNAM DIGITAL AWARDS 2019 đó là: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế (TTPVHCC) – trực thuộc VP UBND tỉnh và Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh – trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, được vinh danh ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc".

Trong đó, TTPVHCC với Giải pháp số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mang lại lợi ích cả về phía cơ quan nhà nước và cả ở phía công dân, tổ chức như tạo lập kho dữ liệu hồ sơ điện tử phục vụ cho tất cả các ngành, các cấp quản lý, tra cứu, thống kê. Qua đó tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Còn đối với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với Giải pháp số hóa tiếp nhận phản ánh kiến nghị tập trung/ theo dõi thông tin báo chí đã mang lại hiệu quả trong việc nâng cao mức độ tương tác giữa người dân và cơ quan nhà nước.

"Huế không có điều kiện để phát triển công nghiệp như các địa phương khác, vì vậy phải định hướng phát triển theo hướng kinh tế tri thức, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ kỹ thuật cao…

Phấn đấu trong vài năm tới, tỉnh có khoảng 10.000 người làm việc trong lĩnh vực IT, để Thừa Thiên Huế có tên trong "bản đồ" công viên phần mềm quốc gia. Huế sẽ được xây dựng thành kinh đô ẩm thực và kinh đô của áo dài", Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả