Cờ đến tay điện gió
Việt Nam được kỳ vọng có thể trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới.
Công ty năng lượng có trụ sở tại Thái Lan Banpu và Banpu Power (BPP) vừa liên kết mua nhà máy điện gió Mũi Dinh có công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận trong một thỏa thuận trị giá 66 triệu USD. Giám đốc Điều hành của Banpu, bà Somruedee Chaimongkol, cho biết giao dịch sẽ hoàn tất trong quý IV/2020. Hợp đồng mua nhà máy điện gió nói trên là thương vụ mới nhất nhằm đạt được mục tiêu của hai công ty là có tổng công suất năng lượng tái tạo 814 MW.
Sức hấp dẫn khó cưỡng
Banpu đang đề cao năng lượng tái tạo trong danh mục kinh doanh điện của Công ty theo chiến lược xanh hơn và thông minh hơn. Bà Somruedee nhận xét Việt Nam có tiềm năng trong khu vực năng lượng tái tạo do Chính phủ Việt Nam đang tìm những khoản đầu tư mới để đạt được mục tiêu 7.000 MW từ điện gió vào năm 2025.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 11.5, có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, một số dự án đã được nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore...
Việc các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, theo Bộ Công Thương, còn nằm ở chính sách giá FIT đang khá hấp dẫn, dù giá đã giảm về 7,09 cent/kWh so với mức 9,35 cent trước đây.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhắc tới bài học ở Philippines vừa qua, khi ngành điện quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên Việt Nam cần rà soát các điều kiện đầu tư những dự án năng lượng mới. "Phải ngăn chặn ngay việc nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm, làm thủ tục xong bán cho nước ngoài. Thực chất, đầu tư với mục đích chuyển giao dự án cho nước ngoài sẽ gây ra rủi ro rất lớn”, ông nói.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, đây là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và đã được cho phép theo quy định pháp luật. Thậm chí, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia còn được xem là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Bộ giải thích rằng các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp phát triển dự án để tránh và giảm các rủi ro cũng như thời gian và chi phí khi giải phóng mặt bằng hay xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Do đó, sự kết hợp giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn.
Theo đánh giá của World Bank, năm 2019 Việt Nam có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu thấp hơn 200 m. Hiện nay, tổng công suất các nhà máy điện đang hoạt động của Việt Nam là 40 GW, với các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và cơ bản đang dần tới ngưỡng. Vì vậy, với tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có, có thể đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai.
Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia và nhà đầu tư hy vọng cơ hội đã hội tụ đủ cho Việt Nam để có thể đột phá đi đầu ASEAN và trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới.
Chạy đua với thời gian
Tháng 7 vừa qua, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ Thị trường mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy đã ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3,5 GW, chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỉ USD. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen chia sẻ, Việt Nam đang ở vị trí hàng đầu trong danh sách các thị trường điện gió ngoài khơi tiềm năng.
Theo Bộ Công Thương, đến nay tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực trên cả nước là khoảng 4.800 MW, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ. Tuy nhiên, trong số 4.800 MW đã bổ sung quy hoạch, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành với quy mô công suất 350 MW.
Các nhà đầu tư điện gió kỳ vọng mức giá mua điện gió theo Quyết định 39 như hiện nay (9,8 cent/kWh cho điện gió ngoài khơi và 8,5 cent/kWh cho điện gió trên bờ) sẽ được kéo dài tới hết năm 2022 hoặc may mắn hơn là tới hết năm 2023.Một trong những khó khăn cản trở các nhà đầu tư là phải chạy đua với thời gian để nhận ưu đãi. Bởi vì theo ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những nhà đầu tư đã có dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch đang rất nỗ lực triển khai để có thể đưa vào vận hành trước tháng 11.2021 để được áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10.9.2018.
“Chỉ còn 12 tháng, không đủ thời gian cho nhà đầu tư chuẩn bị thủ tục đầu tư (bổ sung quy hoạch, giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, đặt hàng/mua sắm thiết bị, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện và các thỏa thuận khác)”, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE, cho biết. Dịch bệnh COVID-19 cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất thiết bị của các nhà cung ứng. “Hầu như các dự án điện gió đang triển khai thời điểm hiện tại rất khó về đích tháng 10.2021, mà dự kiến phải tới cuối năm 2023 mới đưa vào vận hành khai thác”, ông Tín chia sẻ thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận