Cơ chế đấu giá đất đang quá “chiều chuộng” các nhà đầu tư?
Việc cho phép đơn vị vốn pháp định thấp nhưng lại trúng giá đất giá trị gấp gần nhiều lần, nhiều người cho rằng cơ chế đấu giá hiện đang quá "chiều chuộng" các nhà đầu tư.
Hệ lụy từ bỏ cọc đấu giá đất
Từ bỏ quyền mua và tiền đặt cọc gần 600 tỉ đồng là cái giá cuối cùng mà một tập đoàn trả cho thương vụ thắng đấu giá đất ở Thủ Thiêm cách đây không lâu.
Nhìn lại vào tháng 12, vượt qua 15 đơn vị tham gia đấu giá và 70 lượt trả giá để cạnh tranh, công ty này đấu giá thành công 1 lô đất ở Thủ Thiêm với 24 nghìn 500 tỷ đồng - đây là lô đất có giá trị cao nhất trong số 4 lô đất tại Thủ Thiêm được thành phố bán đấu giá.
Con số này tương đương 2,45 tỷ đồng/m2 và cao gấp hơn 8 lần giá khởi điểm, cao hơn cả các thành phố đắt đỏ như Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo, Sydney hay New York, khiến cả giới bất động sản, chuyên gia lẫn người dân đều sửng sốt.
Tuy nhiên, cái kết như hôm nay vốn dĩ đã được lường trước bởi đây là mức giá quá cao so với mặt bằng thị trường và khó có thể phát triển dự án thành công. Hơn nữa, cái tên này đã có tiền sử bỏ cọc một vụ đấu giá trước đây thì việc tiếp tục bỏ cọc cũng không phải điều gì quá bất ngờ.
Việc sẵn sàng để mất vài trăm tỷ đồng, họ được gì và mất gì là điều mà thị trường vẫn còn đang sôi nổi bình bán.
Một số ngân hàng đã chính thức lên tiếng và khẳng định không cấp tín dụng khách hàng đấu giá hay trúng đấu giá đất Thủ Thiêm.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chính thức phát đi thông tin khẳng định không cấp tín dụng cho các khách hàng để tham gia đấu giá/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trước đó cũng phát đi thông tin cho biết, tính đến thời điểm ngày 7/1, ngân hàng chưa phát sinh bất cứ khoản cấp tín dụng nào đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở khu đô thị Thủ Thiêm.
Ghi nhận sau 1 tháng đấu giá thành công, giá bật động sản ở thị trường thứ cấp nhiều nơi quanh khu vực lân cận Thủ Thiêm tăng khá mạnh, ít nhất cũng từ 10 - 15%, thậm chí có nơi tăng lên 40%. Tuy nhiên, giá tăng nhưng gần như không có giao dịch.
Lỗ hổng nào đang tồn tại?
Quy định của luật về việc đặt cọc và mất cọc là một hình thức vừa tạo điều kiện cho nhiều đơn vị tham gia đưa đến giá có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc để một đơn vị từng bỏ cọc trước đây đây, tiếp tục trúng đấu giá vốn dĩ đã là một lỗ hổng nhưng nay thêm một lần có thể tạo ra tiền lệ thách thức các quy định của luật pháp?
Trao đổi về vấn đề này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: "Luật Đấu giá tài sản 2016 không ràng buộc những quy định khác của người tham gia đấu giá ngoài các quy định chung. Chính vì vậy đây có thể xem là một lỗ hổng".
Một trong các hồ sơ khi tham gia đấu giá, đơn vị đấu giá chứng minh năng lực tài chính. Việc cho phép đơn vị vốn pháp định thấp, nhưng lại trúng giá đất giá trị gấp gần nhiều lần. Nhiều người cho rằng cơ chế đấu giá hiện nay đang quá chiều chuộng các nhà đầu tư.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, Luật Đấu giá tài sản 2016 không quy định cụ thể về năng lực tài chính của nhà đầu tư khi tham gia đấu giá. Điều này cũng là phù hợp trong trường hợp đấu giá một loại tài sản không phải là đất chẳng hạn. Người mua tài sản chỉ đơn thuần sở hữu tài sản đó như vậy cũng không nhất thiết phải quy định về năng lực tài chính.
Tuy nhiên, trong trường hợp đấu giá đất để triển khai một dự án nó sẽ rất khác. Vì vậy, trong trường hợp này Luật Đấu giá tài sản dường như đã không bao quát được cho những trường hợp đấu giá đất để triển khai một dự án bởi lúc này cần đòi hỏi năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án của người tham gia đấu giá…
Ngoài ra, theo nhận định của chuyên gia, vụ bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm cũng cho thấy tình trạng bất hợp lý khi nhà đầu tư chỉ nộp tiền đặt trước với giá trị thấp nhưng trả giá trúng đấu giá với giá trị cao hơn rất nhiều lần./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận