menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Tâm

Cơ chế đặc thù cho đường sắt đô thị: Đích đến mịt mờ...

Điều gì khiến cho các dự án đường sắt đô thị trở nên ì ạch và mù mịt đến vậy? Câu trả lời đã có phần nào trong các báo cáo giải trình của Bộ GTVT....

LTS: Cả hai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều tiêu tốn thời gian 9 - 10 năm kể từ khi khởi công, liên tục phải điều chỉnh tiến độ cũng như tổng mức đầu tư nhưng đến nay vẫn mịt mờ ngày về đích. Liệu “cơ chế đặc thù” có khiến cho loại hình vận tải tiên tiến này thực sự được vận hành?

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050,tới năm 2030, đường sắt đô thị sẽ chiếm 30% trong tổng khối lượng đi lại của người dân đối với đô thị hạt nhân. Tuy nhiên, “sợi dây” kinh nghiệm và bài học đối với các dự án này hiện đã... dài vô tận.

Mặc dù trễ và đội vốn lên tới 205% và trong khi hồ sơ hoàn công và nghiệm thu chưa đủ điều kiện; dự án chưa "chốt" được thời gian hoàn thành thì Tổng thầu Trung Quốc tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại yêu cầu Hà Nội tiếp tục giải ngân 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống.

Ngày vận hành còn xa lắm

Dù rằng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Đây là thông tin trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc, không có văn bản chính thức nên Bộ GTVT không xem xét đề nghị này của Tổng thầu Trung Quốc nhưng nó như một chỉ dẫn “mịt mờ” về thời điểm dự án được vận hành khai thác thương mại.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km nhưng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu tư 8.770 tỷ lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%). Không chỉ đội vốn kỷ lục, dự án còn 8 lần vỡ tiến độ và vẫn chưa chưa hẹn ngày cán đích.

Đáng buồn hơn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải là ngoại lệ. Nếu xét về tiến độ, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng “bê bết” không kém tuyến Cát Linh - Hà Đông. Khởi công từ tháng 9.2010, dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9.2017 nhưng đình trệ nhiều năm và phải điều chỉnh tiến độ đến tháng 4.2021 với 8,5 km trên cao và tới 2022 với đoạn ngầm 4 km. Tiến độ các nhà ga trên cao tới thời điểm này đã đạt trên 70%, tuy nhiên đang có nguy cơ tắc lại do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các nhà ga S4, 5, 7, 8.

Nhưng kỷ lục ì ạch thì tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang là số 1. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 9.197 tỉ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn. Từ năm 2004 đến nay, Dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 18 năm, dự án vẫn chưa được chính thức khởi công.

Biết rồi… vẫn thế

Điều gì khiến cho các dự án đường sắt đô thị trở nên ì ạch và mù mịt đến vậy? Câu trả lời đã có phần nào trong các báo cáo giải trình của Bộ GTVT. Tựu chung lại ở ba nguyên nhân chính: vốn, giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu. Nhưng, biết rồi… vẫn thế.

Trở lại với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Về trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ GTVT nhận định: dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng là UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác này; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây đựng; Tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Vai trò của đường sắt đô thị rất lớn. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, tới năm 2030, đường sắt đô thị sẽ chiếm 30% trong tổng khối lượng đi lại của người dân đối với đô thị hạt nhân, và 15% đối với đô thị vệ tinh.

Mục tiêu cụ thể, đích đến mịt mờ, giải pháp nào cho đường sắt đô thị? Nguyên nhân đã rõ, những bài học đã được rút ra. Dù mới triển khai vài chục km đường sắt đô thị nhưng “sợi dây” kinh nghiệm đã được nối dài vô tận.

Để “rút ngắn” con đường về đích của các tuyến đường sắt đô thị, để không còn “lời hứa gió bay”, mới đây cử tri TP Hà Nội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu. Có lẽ, đó cũng là cách để cắt đứt “sợi dây” kinh nghiệm tạo cú hích cho đường sắt đô thị!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả