Có cần thiết phải ban hành Luật Ðăng ký tài sản?
“Không phải chúng ta thiếu cơ chế pháp lý, mà chúng ta thiếu cơ chế hành động, đặc biệt là người hành động”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu quan điểm trong cuộc phỏng vấn với PV Tiền Phong.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề xuất sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản. Theo ông, có cần thiết phải xây dựng và ban hành luật này?
Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết phải có Luật Đăng ký tài sản. Bộ luật dân sự và các luật liên quan đã đề cập quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của các tổ chức, cá nhân, trong đó quy định rất rõ hình thức sở hữu về tài sản. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Luật Phòng chống tham nhũng, quy định rất rõ về nghĩa vụ kê khai tài sản. Ngoài ra, đối với nhiều loại tài sản, như bất động sản chẳng hạn, đều đã có đăng ký tài sản bảo đảm, cùng nhiều luật liên quan, để khẳng định, chứng minh tài sản của công dân.
Chúng ta cũng đã có luật về thanh tra, rồi Bộ luật Hình sự để phát hiện hành vi và xử lý tham nhũng. Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản của cán bộ. Nếu phát hiện ra tài sản bất minh, cứ căn cứ vào đó để xử lý. Thế nhưng việc xác minh tài sản lâu nay cũng còn rất hạn chế, vậy việc ban hành Luật Đăng ký tài sản được dùng để làm gì?
Thế nhưng đối tượng tham nhũng lại thường không đứng tên tài sản, thay vào đó họ thường nhờ người khác đứng tên. Và theo ông Lê Minh Trí, có người chỉ 30 tuổi đã đứng tên tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, dù biết nhưng không làm gì được?
Tôi hiểu điều ông Viện trưởng VKSND Tối cao đề cập cũng là một ý tốt. Tuy nhiên, nếu có luật ấy và thực hiện luật ấy sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác. Ví dụ, ai là người đăng ký, quy mô đối tượng thực hiện thế nào, nếu không đăng ký thì sao? Đặc biệt, đăng ký rồi có đi xác minh không, xác minh thế nào và cơ quan nào làm chuyện đó? Xác minh lại không đúng sẽ thế nào?...
Chỉ riêng đoạn đi xác minh đã là vấn đề cực kỳ khó khăn. Bây giờ đối tượng cán bộ công chức trong diện phải kê khai tài sản chỉ với khoảng 1 triệu người, nhưng kê khai xong rồi để đó. Với 1 triệu người mà chỉ xác minh được vài chục trường hợp, vậy thử hỏi trong toàn xã hội, với 100 triệu dân thì sẽ thực hiện thế nào?
Phòng chống tham nhũng là phòng chống những người cán bộ công chức, viên chức, chứ không phải phòng chống người không nằm trong hệ thống bộ máy nhà nước. Người dân nếu có cũng chỉ là giữ hoặc tiêu thụ tài sản tham nhũng. Trong trường hợp này, nếu điều tra ra tham nhũng hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc, thu hồi theo Luật Hình sự, thậm chí truy tố người tiêu thụ tài sản do tham nhũng mà có.
Bản chất không phải chúng ta thiếu cơ chế pháp lý, mà chúng ta thiếu cơ chế hành động, trong đó có biện pháp, quy tắc hành động và đặc biệt là người hành động.
Vậy theo ông, giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản ở đây là gì?
Tôi đã từng có ý kiến về việc này. Quan điểm của tôi, do luật không hồi tố, nên tính từ nay trở về trước, tài sản trước đó được coi là hợp pháp. Nhưng từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ căn cứ vào việc kê khai tài sản để xác minh. Tất nhiên, nếu phát hiện ra tài sản tham nhũng, bất kỳ lúc nào Nhà nước cũng có thể thu hồi, vì đối với tài sản nhà nước thì không áp dụng thời hiệu. Cho dù có tham nhũng ở đời cha, đời ông, nhưng nếu đến bây giờ ông vẫn sử dụng, tôi vẫn có quyền thu hồi.
Luật phải khắt khe như thế mới xử lý được vấn đề. Còn Luật Đăng ký tài sản sẽ không thể phân biệt được giữa tài sản tham nhũng và tài sản không tham nhũng. Chúng ta chỉ cần thực hiện cho thật tốt những đạo luật đã ban hành, làm một cách minh bạch, công khai, không bao che, không sử dụng quyền lực để tước đoạt, che giấu, hay tẩu tán tài sản thì câu chuyện sẽ khác. Đặc biệt, cần phải tin vào người dân. Khi người dân phát hiện cán bộ này có đất, có nhà, có biệt thự chỗ nọ chỗ kia, phải vào cuộc xử lý, làm rõ thực hư vấn đề.
Điều quan trọng khác là phải quản lý thật chặt chẽ các tập đoàn, công ty có khả năng “bơm” tài sản theo kiểu ăn chia, lợi ích nhóm. Cần quản lý chặt chẽ bằng các biện pháp thuế, kế toán, rồi biện pháp khai báo tài sản…đương nhiên lúc đó chúng ta sẽ chống được mà không cần có thêm luật nào khác. Vấn đề không phải chúng ta thiếu cơ chế, thiếu luật, mà vấn đề là chúng ta có làm và có làm hết trách nhiệm hay không.
Cảm ơn ông.
(Theo Tiền Phong)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận