“Cò” bìa đỏ và vay vốn bủa vây các thôn làng ở Gia Lai
Nạn cò làm bìa đỏ và vay vốn diễn ra ở nhiều nơi tại tỉnh Gia Lai, sức ép còn dồn lên cả những cán bộ muốn bảo vệ nông dân.
Mới đây, nhiều nông dân ở làng Tuoh Ktu, xã Glar, huyện Đăk Đoa đã gọi điện tới Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên bày tỏ sự lo sợ khi họ phải chịu sức ép, thậm chí khủng bố tinh thần. Các đối tượng trước đây đã ứng tiền môi giới cho bà con chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, kết hợp vay vốn ngân hàng, nhưng nay đang buộc bà con phải chịu lãi cắt cổ, hoặc dùng thủ đoạn để chiếm đoạt đất đai. Khi phóng viên tới tìm hiểu thực tế, phát hiện vấn đề còn phức tạp hơn cả những gì người dân phản ánh.
Nghe có nhà báo đến tìm hiểu về sự tác quái của cò bìa đỏ và vay vốn ngân hàng, những nông dân - nạn nhân ở làng Tuoh Ktu nhanh chóng tìm đến, ngồi chật phòng khách trong nhà thôn trưởng Y Sưu. Hồi hộp hơn cả trong số này là Y Jur. Y Jur đang lo mình sẽ mất trắng mảnh vườn 71m mặt tiền, 160m chiều sâu, ngay phía sau UBND xã Glar, huyện Đăk Đoa.
Y Jur cho biết, năm ngoái, đến hạn 260 triệu đồng của ngân hàng mà không có tiền trả, bị ngân hàng xếp vào danh sách nợ xấu. Trong tình cảnh ấy, một phụ nữ tên Tuất, rất quen thuộc với dân làng Tuoh Ktu xuất hiện, nói chị ta có khả năng giúp anh được xóa khỏi danh sách nợ xấu, với chi phí chỉ 10 triệu đồng. Chị ta cũng giúp anh làm “sổ đỏ” cho mảnh vườn ngay trung tâm xã. Vì đất này phải có một phần thổ cư thì anh mới có thể vay được nhiều tiền. Dự kiến, sau khi có sổ, anh có thể thế chấp vay được 400 triệu đồng. Phí làm “sổ đỏ” như chị này nói là 60 triệu đồng.
Y Jur như mở cờ trong bụng vì mình có thể giải quyết được khó khăn, nên đã ứng 330 triệu từ người chị tốt bụng. Trong đó thực nhận 260 triệu đồng để trả ngân hàng. 70 triệu còn lại là trừ ngay vào chi phí làm “bìa đỏ” và khoản lót tay để xóa tên khỏi danh sách nợ xấu. Thế nhưng, khi có “bìa đỏ” trong tay, Y Jur phát hiện mình vẫn trong danh sách nợ xấu, và không đủ điều kiện vay vốn. Người chị tốt bụng lại xuất hiện và thuyết phục Y Jur cùng gia đình, để chị ta đứng tên đám vườn và đám đất ở vừa chuyển đổi, để giúp Y Jur vay số vốn lớn. Y Jur tin theo nên bây giờ đám đất vẫn do anh sử dụng, nhưng pháp lý đã thuộc về người khác.
“Em tin tưởng là vì cũng có 2 hộ nữa, một là hộ ông Kul, hai là hộ ông A Nưng, ở làng Tuoh Klah, cũng có bản cam kết sang tên cho bà vay vốn. Các giấy tờ cam kết thì bà ấy không cho cầm bản nào. Không đưa cho em một cái gì luôn, kể cả giấy ghi số nợ, tổng cộng số tiền… Nhưng mà lúc ấy, em vẫn tin chị Tuất là người đàng hoàng”, Y Jur nói.
Kịch bản gần giống với Y Jur cũng xảy ra với A Khul, người cùng làng Tuoh Ktu, khi anh cần vay vốn, được cò sổ đỏ và tín dụng tư vấn làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư để vay được nhiều. Chỉ khác, mảnh đất của A Khul nhỏ hơn, chi phí làm thủ tục ít hơn, với 35 triệu đồng là chi phí chính thức, 6 triệu đồng nữa là thù lao. Thỏa thuận của 2 bên là A Khul sẽ trả ngay số chi phí này khi vay được vốn. Thế nhưng, đến nay A Khul chưa vay được vốn, chưa cầm trong tay tấm “bìa đỏ” hằng mong đợi, mà đã bị cò ghi nợ lên hơn 100 triệu đồng.
“Khi có người xuống thẩm định đất thì nói chỉ có thể vay 100 triệu thôi. Vậy nên em không chịu. Sau đó thì mọi việc cứ bị kéo dài, dây dưa tới mấy tháng. Đến mới đây, họ cho người đến nhà, đòi tính lãi nóng (số tiền làm “bìa đỏ”), nợ lên trăm mấy chục triệu. Mà giờ thì nó vẫn giữ bìa”, A Khul cho hay.
Theo ông Y Sưu, thôn trưởng làng Tuoh Ktu, ở địa phương có nhiều trường hợp giống Y Jur và A Khul, rơi vào quái trận của cò bìa đỏ và tín dụng. Có người mất đất, có người bán tài sản trả nợ, số khác thì thường xuyên bị đe dọa, buộc phải trả lãi nóng cho khoản tiền nhờ làm chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Y Sưu, việc này là do người dân thiếu hiệu biết, đồng thời có sự không bình thường từ việc xét cho vay vốn ở phía ngân hàng.
Ông Y Sưu nêu vấn đề: “Khi tới xem đất, xem nhà, thì cán bộ tín dụng nói là không đủ điều kiện để vay. Nhưng không biết các cò đó nó nghiên cứu sao đó, hợp đồng với các nhà là ra công chứng, “ủy quyền làm tên mình, để mình vay giúp cho”, thế là công chứng và mất đất rồi! Cùng miếng đất đó, khi đứng tên dân làng thì không đủ điều kiện vay, nhưng sao sang tên đối tượng khác, lại vay được?”.
Theo Hội Nông dân huyện Đăk Đoa, việc nhiều hội viên trong các làng dân tộc thiểu số bị một số đối tượng lợi dụng việc giúp chuyển đổi mục đích sử dụng đất kết hợp vay vốn ngân hàng để bức ép trả nặng lãi, hoặc chiếm đoạt tài sản, là có thật.
Ông Y Jik, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Đoa cho hay, từ tháng 6/2019, hội đã có rà soát sơ bộ và báo cáo bằng văn bản lên cấp trên và huyện ủy Đăk Đoa cũng đã chỉ đạo xử lý.
Tuy nhiên, khi đề cập hiệu quả xử lý, thì ông A Lưng, Phó Chủ tịch Hội nông dân Đăk Đoa, người được giao trực tiếp nắm thông tin các trường hợp cho biết, tình hình hiện nay còn phức tạp hơn nhiều so với năm ngoái. Việc đứng ra bảo vệ quyền lợi cho hội viên gặp nhiều khó khăn.
“Những ông mà đã từng làm việc với chúng tôi, hiện gây khó dễ rất nhiều. Vừa bị hù dọa từ những đối tượng trung gian, mà ngân hàng cũng sợ, không dám cho những người này vay vốn nữa. Họ nhờ tôi nhưng tôi không dám giúp, vì không có người bảo vệ mình, vì khi mình làm là lộ thông tin rằng, Hội nông dân huyện đã cung cấp vấn đề này”, ông A Lưng chia sẻ.
Để làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến vòng vây cò bìa đỏ, vay vốn đang bủa vây nhiều hộ dân ở làng Tuoh Ktu nói riêng, xã Glar và huyện Đăk Đoa nói chung, chúng tôi đã tới gặp UBND xã và UBND huyện, nêu các câu hỏi. UBND huyện Đăk Đoa cho biết, sẽ chỉ đạo ngay Công an huyện điều tra làm rõ và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận