CNBC: Giảm phát ở Trung Quốc có thể lan ra toàn cầu
Theo các nhà kinh tế, thách thức kinh tế ở Trung Quốc đang làm gia tăng áp lực giảm phát, đặt ra một mối lo mới đối với kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có thể là tin vui đối với cuộc chiến chống lạm phát của các nền kinh tế phát triển.
Các nền tảng kinh tế đang xấu đi của Bắc Kinh đã trở nên rõ ràng trong những tháng gần đây, với dữ liệu tháng 7 thiếu kỳ vọng và Cục Thống kê Quốc nước này chỉ công bố số liệu thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ khi con số tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Dữ liệu tín dụng tháng 7 cũng cho thấy sự sụt giảm nhu cầu vay mượn của doanh nghiệp và hộ gia đình, và ngành bất động sản với quy mô khổng lồ của Trung Quốc dường như lún sâu hơn vào khủng hoảng. Country Garden, một công ty địa ốc vào hàng mạnh nhất của Trung Quốc, nay đã bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ, trong khi “gã khổng lồ” Evergrande mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ.
Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức rơi vào giảm phát lần đầu tiên trong 2 năm trở lại đây. Tình trạng giảm sút của giá cả ở Trung Quốc hoàn toàn đối nghịch với vấn đề lạm phát cao mà các nền kinh tế phương Tây đã và đang ứng phó bằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài hơn 1 năm qua.
Lạm phát toàn phần của Trung Quốc giảm xuất phát từ một số yếu tố mang tính chất tạm thời như giá năng lượng giảm và giá thịt lợn giảm. Tuy nhiên, lạm phát lõi cũng chịu sức ép giảm do xu hướng giảm của giá nhà và một số nhóm hàng hoá liên quan đến ngành bất động sản đang ốm yếu.
“Trung Quốc đang cố gắng dịch chuyển nền kinh tế Trung Quốc theo hướng lấy tiêu dùng trong nước làm động lực tăng trưởng, dẫn tới những mối liên kết giữa nền kinh tế nước này với kinh tế toàn cầu cũng thay đổi theo. Nhưng Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới”, nhà kinh tế Tiffany Wilding của quỹ đầu tư trái phiếu Pimco nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
“Bởi thế, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng giá cả giảm ở nước này, nhất là giá nhà sản xuất, có khả năng lan ra các thị trường trên toàn cầu. Trong ngắn hạn, đây là tin tốt đối với cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương phương Tây”.
Sau đại dịch Covid-19, các nền kinh tế phương Tây đối mặt với lạm phát cao do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng vọt. Trong khi đó, Trung Quốc không rơi vào tình thế tương tự sau khi nước này chấm dứt các biện pháp chống Covid, bởi sức mạnh của ngành sản xuất trong nước giúp nước này giải quyết được các nút thắt nguồn cung, đồng thời hưởng lợi từ xu hướng xuống thang của giá hàng hoá cơ bản toàn cầu.
Nhưng trong một báo cáo vào tuần trước, bà Wilding và nhà kinh tế về Trung Quốc của Pimco là bà Carol Liao lưu ý rằng nhu cầu ở Trung Quốc đang giảm sút và dẫn tới việc nước này dư thừa công suất. Cùng với đó, hoạt động giảm nợ trong ngành bất động sản và khu vực tài chính của chính quyền các địa phương đã làm trầm trọng thêm áp lực giảm lạm phát và gây suy giảm hoạt động đầu tư trong nước, dẫn tới “sự dư thừa công suất trên diện rộng trong lĩnh vực sản xuất”.
“Thêm vào đó, phản ứng của Chính phủ với những yếu tố nền tảng đang yếu đi của nền kinh tế là quá ít ỏi so với cần thiết. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích nhu cầu và bình ổn tăng trưởng thông qua nới lỏng tín dụng - nhất là đối với doanh nghiệp quốc doanh và cho các dự án đầu tư hạ tầng - chưa thể đủ để đối trọng với áp lực mà cuộc khủng hoảng bất động sản gây ra, vì dòng chảy vốn tín dụng mới vào nền kinh tế đã suy giảm trong 1 năm qua”, báo cáo của Pimco viết.
Gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tung một loạt biện pháp vừa bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ vừa kích cầu nền kinh tế, bao gồm tăng mạnh tỷ giá tham chiếu và giảm lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, thị trường dường như không tin rằng Bắc Kinh đang hành động đủ để đảo ngược đà trượt dốc của nền kinh tế.
Chiến lược gia Skylar Montgomery Koning của công ty TS Lombard nhận định trong một báo vào tuần trước rằng nỗi thất vọng của thị trường có thể sẽ tiếp tục bởi bất kỳ biện pháp kích cầu bằng tài khoá nào của Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ chỉ là “phiên bản mạnh hơn của các biện pháp hiện tại”, thay vì là “sự kích cầu trên diện rộng cần thiết để vực dậy niềm tin vào giá cả”.
Với đánh giá như vậy về kinh tế Trung Quốc, cộng thêm sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm này, TS Lombard duy trì quan điểm nên đầu cơ giá lên đối với USD và đặt cược vào sự mất giá của đồng Nhân dân tệ. “Tăng trưởng chậm lại, kích cầu hạn hẹp, thương mại giảm, và dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc, tất cả đều là chỉ báo cho thấy đồng USD sẽ còn giảm giá thêm trong quý này”, bà Montgomery Koning nhận định.
Xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu
Dù Trung Quốc đang điều chỉnh nền kinh tế theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào các trụ cột truyền thống là bất động sản và xuất khẩu, hàng hoá do Trung Quốc sản xuất ra vẫn giữ vị trí thống trị trên hàng tiêu dùng toàn cầu, nhất là ở Mỹ.
“Theo số liệu của Mỹ, trong tháng 6 năm nay, giá hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm bình quân 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà sản xuất của hàng tiêu dùng ở Trung Quốc cũng giảm 5% nếu tính theo đồng USD. Quan trọng là sự giảm giá này đang được đưa tới người tiêu dùng Mỹ. Tháng 7 đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch Covid-19, giá hàng tiêu dùng bán lẻ ở Mỹ giảm nếu tính trong kỳ 3 tháng”, báo cáo của Pimco nhấn mạnh.
Sự suy yếu của giá cả ở Mỹ có thể truyền dẫn sang các thị trường phát triển khác, bởi các xu hướng lạm phát ở Mỹ thường dẫn đầu trong thời gian từ đại dịch tới này, theo các nhà kinh tế của Pimco.
Thứ hai, xuất khẩu của Trung Quốc đã suy yếu trong những tháng gần đây. Một khi các rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trở thành hiện thực, 2 chuyên gia Wilding và Liao cho rằng Bắc Kinh có thể xem xét sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy xuất khẩu và giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung đang nổi lên trong nước, từ đó hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường toàn cầu.
Ngoài những tác động lan tỏa liên quan đến thương mại, áp lực giảm phát chung toàn cầu còn đến từ giá hàng hoá cơ bản. Trung Quốc là một nước nhập khẩu khổng lồ các nguyên liệu đầu vào, nên nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng này vẫn là yếu tố then chốt quyết định diễn biến giá hàng hoá cơ bản trên toàn cầu.
“Hoạt động đầu tư yếu ở Trung Quốc và tình trạng dư thừa công suất trên diện rộng trong ngành sản xuất nước này, cũng như doanh số bất động sản giảm sút, có thể tiếp tục gây sức ép lên nhu cầu hàng hoá cơ bản toàn cầu”, báo cáo của Pimco nhận định.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Montgomery Koning của TS Lombard cho rằng các biện pháp kích cầu của Bắc Kinh trong chu kỳ này chủ yếu nhằm thúc đẩy tiêu dùng, thay vì thúc đẩy đầu tư, đồng nghĩa “nhu cầu đối với các hàng hoá cơ bản đã không được như kỳ vọng”. “Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc xấu đi đã gây áp lực giảm phát, làm suy yếu lạm phát cả ở Trung Quốc và các thị trường toàn cầu tiêu dùng hàng hoá Trung Quốc”, báo cáo của Pimco kết luận.
“Xét tới độ trễ thường gặp, sự lan toả của áp lực giảm phát có thể mới chỉ bắt đầu ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng toàn cầu. Việc giảm giá có thể sẽ được đẩy mạnh trong những tháng sắp tới”, các chuyên gia của Pimco dự báo.
Tình hình lạm phát ở Trung Quốc sẽ tuỳ thuộc vào các phản ứng chính sách tài khoá của Chính phủ nước này trong những tháng tới. Nếu kích cầu đủ lớn để kích thích nhu cầu trong nước tăng trưởng, lạm phát sẽ tăng tốc trở lại. Ngược lại, nếu các biện pháp chính sách không đủ, một “vòng xoáy đi xuống” của giá cả sẽ xuất hiện - theo báo cáo.
“Giảm phát dai dẳng ở Trung Quốc có thể lan sang các thị trường phát triển, thông qua sự mất giá của Nhân dân tệ và tỷ lệ gia tăng giữa hàng tồn kho và doanh số làm giảm giá hàng Trung Quốc ở nước ngoài - một diễn biến mà ngân hàng trung ương ở các nước phát triển có thể rất vui mừng đón nhận”, báo cáo viết.
Còn theo các chiến lược gia Maximilian Uleer và Carolin Raab của ngân hàng Deutsche Bank, bấp bênh về sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu những ngày cần đây. Họ nói việc PBOC mới đây hạ lãi suất và cam kết của Chính phủ Trung Quốc về tăng cường kích cầu bằng chính sách tài khoá không thể xoa dịu mối lo ở châu Âu.
“Các công ty châu Âu phụ thuộc lớn vào nhu cầu ở Trung Quốc và kiếm khoảng 10% lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc. Chúng tôi vẫn tin rằng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bình ổn trong quý 4. Nhưng khả năng đó là chưa đủ. Chúng tôi vẫn đang chờ sự khởi sắc của các số liệu kinh tế Trung Quốc để có thể lạc quan hơn về thị trường tài chính”, báo cáo của Deutsche Bank có đoạn.-Theo CNBC-
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận