24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyển tiền nhầm: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới

Một ngày nọ, tài khoản ngân hàng của bạn bỗng dưng nhận được một khoản tiền từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mà không rõ người gửi. Bạn sẽ làm gì với số tiền đó? nên để kệ hay là rút ra tiêu - đa phần các chủ tài khoản đều có chung những câu hỏi t

Bạn sẽ làm gì với số tiền đó? nên để kệ hay là rút ra tiêu - đa phần các chủ tài khoản đều có chung những câu hỏi trên.

Nếu có chuyện đó, chủ tài khoản cần cảnh giác ngay! Bởi thời gian qua đã xuất hiện những đối tượng chủ động chuyển nhầm tiền để lừa đảo.

Bỗng dưng có tiền!

Một buổi sáng tháng 5-2021, chị Hoàng Tử Vân - một người làm nghề tự do bỗng dưng nhận được tin nhắn từ điện thoại thông báo tài khoản của chị vừa được cộng thêm 30 triệu đồng.

Cứ ngỡ đây là khoản tiền thù lao mà mấy công ty xuất bản trả cho hợp đồng dịch sách nên chị Vân lập tức rút 29 triệu đi mua điện thoại mới, rồi váy vóc, giày dép... Cho đến buổi tối, tài khoản của chị được cộng thêm 50 ngàn đồng kèm tin nhắn với nội dung xin lại tiền, vì lúc sáng chuyển nhầm. Bấy giờ, chị Vân mới liên hệ lại mấy công ty sách để hỏi thì họ nói khoảng 1 tuần - 10 ngày nữa mới chuyển thù lao cho chị.

Chuyển tiền nhầm: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới
Chị O. nhận được tiền chuyển nhầm với nội dung khó hiểu

Trong khi chị đang trao đổi thì số điện thoại kia liên tục thúc giục chị "bắn" lại ngay, vì họ đang có việc cần. Chị Vân đã giải thích là do lúc sáng chị không biết là của họ chuyển nhầm mà tưởng đó là thù lao nên chị trót tiêu gần hết rồi, chị sẽ vay để trả lại cho họ. Suốt 30 phút sau đó, trong khi chị Vân gọi điện vay tiền từ người thân bạn bè để trả thì phía bên kia vẫn tiếp tục nã điện thoại. Thậm chí sau đó còn có cả tiếng giang hồ dọa dẫm...

Chuyển tiền nhầm: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới
Đối tượng nhắn tin dọa chị O. khi bị phát hiện trò lừa đảo

Một vụ việc khác. Anh Lê Phúc chuyên kinh doanh đồ công nghệ online cũng tự nhiên nhận được hàng trăm triệu đồng mà không rõ người gửi. Nghĩ là tiền "chùa", anh liền sử dụng để trả cho các đơn hàng đã mua trước đó. Anh Phúc nghĩ đơn giản là chỉ "mượn" một vài ngày rồi sẽ trả lại, không ngờ hàng hóa bán chậm mãi không gom đủ số tiền đã trót tiêu.

Mặt khác, chủ tài khoản sau khi phát hiện ra chuyển nhầm đã nhắn tin cho anh xin lại. Phía bên ngân hàng cũng đã liên hệ với anh Phúc để trao đổi thông tin, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Cho đến khi cơ quan công an vào cuộc thì anh này mới vội vàng đi vay mượn để trả lại số tiền kia.

Theo đại diện của ngân hàng V., mỗi năm hệ thống ghi nhận hàng trăm lượt khách hàng đề nghị tra soát giao dịch do chuyển nhầm vào hệ thống của ngân hàng này. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng trăm chủ tài khoản bỗng dưng nhận được tiền.

Nếu chủ tài khoản bên nhận có thiện chí thì việc hoàn trả rất đơn giản, song nếu chủ tài khoản không thiện chí, hoặc họ đã trót tiêu mất rồi, chủ tài khoản ở nước ngoài... thì sẽ rất rắc rối. Quy định hiện nay không cho phép ngân hàng tiết lộ thông tin cá nhân của người nhận cho người chuyển tiền và cũng không được phép can thiệp tài khoản người nhận, tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận. Hay nói cách khác, ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ người chuyển tiền nhầm bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền.

Xuất hiện hành vi lừa đảo

Theo một điều tra viên phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây Cơ quan công an đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản.

Trường hợp anh Vũ Hoàng T. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới xảy ra gần đây là một ví dụ. Vào một buổi trưa anh T. thấy tài khoản "nổ" một khoản tiền hơn 2 triệu đồng vào tài khoản. Anh ngồi thừ ra một lúc, nghĩ mãi mà không biết ai đã chuyển vào cho mình. Khoảng 30 phút sau, có một số điện thoại lạ gọi đến với anh, giọng một phụ nữ hết sức ngọt ngào. Chị ta cho biết đã lỡ chuyển nhầm cho anh T. và mong được anh chuyển lại. Chị ta cũng nói rằng đang ở nước ngoài nên nhờ anh đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Không ngờ, sau khi điền xong các thông tin, anh T. phát hiện thấy mấy chục triệu đồng trong tài khoản của mình đã bị rút sạch.

Chuyển tiền nhầm: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới
Khi phát hiện ra tiền tự nhiên vào tài khoản ngân hàng của mình, người dân nên liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan Công an để giải quyết.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng cố tình chuyển nhầm tiền để đẩy chủ tài khoản vào đường dây vay lãi nặng. Đó là trường hợp chị O. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Chị cho biết ngày 12-6-2021 chị bất ngờ nhận được số tiền hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với một nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Như vậy, chị O. bỗng nhiên bị biến thành một người vay nợ.

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo vì bản thân không thực hiện bất cứ thủ tục vay mượn nào, nên chị O. đã trình báo sự việc lên cơ quan công an. Có vẻ như biết được hành vi lừa đảo đã bất thành, đối tượng trên lập tức đổi thái độ, nhắn nhiều tin cho chị với nội dung hăm dọa. Chị O. cho biết đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền cho cơ quan công an giải quyết.

Được biết chiêu thức lừa đảo này đã từng được một số kẻ gian sử dụng vào năm 2020, nhắm vào những người hiền lành, nhẹ dạ cả tin. Cụ thể, sau khi đã có được một số thông tin cá nhân của người dùng, như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền đến cho "con mồi". Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với "con mồi". Lúc này, chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".

Chuyển tiền nhầm: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới
Nhóm đối tượng lập website giả để nhằm vào những người chuyển nhầm, nhận nhầm tiền bị cơ quan Công an bắt giữ.

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống với website của ngân hàng. Sau đó tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm. Khi bị hại tin thật, nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào trang web giả mạo để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Vào đầu tháng 5-2021 vừa qua, Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ. Các đối tượng trong ổ nhóm này gồm Trương Huy Cường (SN 1993), Lê Minh Hoàng (SN 1998) và Lưu Quốc Toàn (SN 1987), đều trú tại tỉnh Quảng Nam.

Trước đó các đối tượng phát hiện ra chị Phạm Thị T. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chuyển nhầm tiền và lên mạng hỏi cách lấy lại. Các đối tượng lập tức đóng vai là nhân viên ngân hàng liên hệ lại rồi chiếm quyền quản trị tài khoản, lấy đi hơn 200 triệu đồng của chị. Để tránh bị truy vết, nhóm này chuyển tiền từ tài khoản người bị hại vào tài khoản ví điện tử sử dụng SIM rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game có máy chủ đặt tại nước ngoài.

Làm gì khi "Bỗng dưng có tiền"?

Theo một điều tra viên phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cho mình thì cần làm theo các bước sau. Một là không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.

Nếu là số tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Còn đối với số tiền lớn thì chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh. Hoặc người dân cũng có thể liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Người dân tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước. Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, bạn cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Đặc biệt không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng...

Có thể bị xử lý hình sự, thậm chí phạt tù nếu chiếm dụng tài sản trái phép

Năm 2020, anh Lê Trọng B. (sinh năm 1998, trú tại TP Hải Phòng) đã bị TAND thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) xét xử vì tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Trước đó một người phụ nữ trú tại tỉnh Nghệ An đặt mua chiếc ghế massage với giá 30 triệu đồng trên một shop online, rồi chuyển nhầm tiền vào tài khoản của B. Nhận được tiền, biết có người chuyển nhầm, B. lập tức chuyển khoản cho chị gái 25 triệu đồng nhờ giữ hộ. Một thời gian dài liên lạc xin lại tiền mà B. không chịu trả, người phụ nữ trên trình báo Cơ quan công an. Lúc này B. mới tìm đến Công an thị xã Hoàng Mai xin đầu thú, giao nộp lại 30 triệu đồng.

Ra tòa, B. nói do mình kém hiểu biết pháp luật, đề nghị được chiếu cố giảm nhẹ hình phạt. Hội đồng xét xử nhận định B. biết số tiền 30 triệu đồng không phải là tài sản của mình, và biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ sở hữu nhưng không thực hiện. Thái độ không giao nộp, không chịu trả lại tài sản mặc dù đã được yêu cầu nhiều lần là hành vi cố tình chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

"Hành vi phạm tội của bị cáo B. là liều lĩnh, coi thường pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác đang được pháp luật hình sự bảo vệ. Do vậy cần phải xử lý nghiêm đối với bị cáo, để răn đe giáo dục người phạm tội nói riêng cũng như phòng ngừa tội phạm nói chung", HĐXX nhận định. Tòa xử phạt bị cáo B. 10 triệu đồng về tội chiếm giữ trái phép tài sản, với mục đích chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục nhận thức pháp luật về hành vi này.

Ít năm trước các cơ quan tố tụng tại tỉnh Bình Dương cũng đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1975, trú tại Bình Dương) 7 tháng tù giam vì tội chiếm giữ trái phép tài sản. Trước đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương chuyển nhầm số tiền 16 triệu đồng vào tài khoản của Khánh (là người làm thuê tại công ty của bà Sương). Phát hiện bị chuyển nhầm, bà Sương yêu cầu Khánh trả lại tiền nhưng Khánh không trả mà bỏ trốn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả