Chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra ngay
“Khẳng định không có chuyện người dân chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được tiền nên ý kiến của nông dân nêu ra tại Hội thảo Ngày nông dân không dùng tiền mặt được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chỉ đạo kiểm tra ngay lập tức.
Phát biểu kết luận Hội thảo Ngày nông dân không dùng tiền mặt do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước, Báo điện tử Dân Việt phối hợp tổ chức hôm nay 1/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, ông rất quan tâm ý kiến của nông dân về việc chuyển tiền 2-3 ngày mơi nhận được. Bởi theo Phó thống đốc, điều này không thể xảy ra, ông phải chỉ đạo kiểm tra lại. Hiện người dân chuyển tiền là nhận được ngay. “Ai trong hội trường này chỉ cần chuyển tiền là tinh tinh ngay lập tức”-Phó thống đốc nói dẫn chứng. Chúng tôi sẽ làm rõ vì sao giao dịch của nông dân chậm thế, nông dân giao dịch ở ngân hàng nào?. Hiện Hệ thống ngân hàng giao dịch chuyển tới 700 ngàn tỷ đồng trong ngày. Các văn bản luôn có 1 điều bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thanh toán thẻ, thanh toán di động.
Tại Hội thảo này, Phó thống đốc Ngân hàng khẳng định: Ngành Nông nghiệp, người nông dân vẫn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và xã hội trong tiến trình phát triển đất nước ta hiện nay. Xu hướng chuyển đổi số, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều tác động lớn cách thức chúng ta sống và làm việc, một trong số đó là sự chuyển dịch dần thói quen tiêu dùng sang môi trường số thuận tiện và an toàn hơn. Với việc sống chủ yếu ở các khu vực nông thôn, người nông dân phần nào chịu thiệt thòi trong việc biết đến, tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện lợi của ngành Ngân hàng, trong đó TTKDTM là một trong những dịch vụ cơ bản, dễ sử dụng nhất, giúp người nông dân bước đầu làm quen với các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại.
Phó thống đốc cho rằng, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát là mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Chiến lược cũng đặt mục tiêu chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ TTKDTM, kênh phân phối hiện đại mới tới đối tượng người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Các bài tham luận của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, nội dung trình chiếu của Báo Nông thôn ngày nay đã phần nào nói lên những nỗ lực mà các cơ quan quản lý, đơn vị cung ứng dịch vụ đang thực hiện để đem đến cho người nông dân các phương thức giao dịch, thanh toán hiện đại và tiện lợi nhất. Phiên hỏi – đáp diễn ra sôi nổi, các câu hỏi đã cho chúng ta thấy được những khúc mắc, lo ngại của người nông dân trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử. Những phản hồi từ phía cơ quan quản lý, các ngân hàng, công ty viễn thông phần nào đã giải đáp được cho người nông dân về các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn thông tin, phản ánh hết sức quý báu từ phía người nông dân để chúng ta cùng nhìn nhận một cách nghiêm túc về hiệu quả, những vấn đề còn thiếu sót từ khía cạnh khuôn khổ pháp lý cũng như từ phía các đơn vị cung ứng dịch vụ để cùng nhau hoàn thiện, hướng tới việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn, tiện lợi hơn đến tay người dân.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy TTKDTM, đặc biệt chú trọng đến những nơi có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao và có hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.... tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như: hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy TTKDTM; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Đề án TTKDTM; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán, hoạt động ngân hàng; tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng;...
Với những kết quả đạt được tại Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” hôm nay, tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý, các tổ chức cung ứng dịch vụ cùng các đơn vị liên quan nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của người nông dân để có những định hướng, chiến lược phù hợp trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy hoạt động TTKDTM, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử tiện lợi, chi phí thấp tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Về phía đại diện người nông dân, tôi hy vọng thông qua Hội thảo ngày hôm nay, quý vị đã phần nào nhận thấy được những lợi ích hết sức to lớn của các dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử. Qua đó, mỗi người sẽ là một hạt nhân lan toả thông tin về những phương tiện giao dịch, thanh toán thông minh, tiện lợi này tới các hợp tác xã, đồng nghiệp cũng như người thân của mình để tất cả mọi người có thể được tiếp cận, sử dụng những thành tựu hiện đại nhất của CMCN 4.0, góp phần nâng cao năng suất làm việc trong bối cảnh mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận