Chuyển nhiệm vụ xử lý tồn tại 12 dự án thua lỗ thuộc Bộ Công Thương sang “siêu Ủy ban”
Bộ Công Thương sẽ chuyển nhiệm vụ xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP vừa được sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 97/NQ-CP (Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW).
Cụ thể, chuyển thời gian trình nhiệm vụ thực hiện “Rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn tới” tại số thứ tự thứ 1 của Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW từ năm 2018 thành Quý II năm 2020.
Không quy định nội dung nhiệm vụ xây dựng “Quyết định về Quy chế quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (thay thế Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012)” tại số thứ tự thứ 8 của Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Chuyển nhiệm vụ thực hiện “Xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” tại số thứ tự thứ 17 của Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”, thời hạn trình là năm 2020 để thay thế cho các nhiệm vụ quy định tại số thứ tự 20, 21, 23 của Phụ lục Đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để thống nhất hướng dẫn theo các quy định của pháp luật về các trường hợp tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp để giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban như quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ.
Liên quan đến 12 dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả, theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 Nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, đạt lợi nhuận sau thuế đạt 7,299 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270,730 tỷ đồng.
Đối với 4 dự án còn đang thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững.
8 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 138,928 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 94,258 tỷ đồng.
Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay có 01 dự án đã vận hành trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất là Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu Sinh học Quảng Ngãi.
Điểm mấu chốt được Bộ Công Thương nêu trong quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém này là đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận