Chuyện nghề môi giới địa ốc
Khó khăn đã vơi bớt đối với các công ty môi giới bất động sản trong năm 2021, một phần do đã thích nghi với bệnh dịch, phần khác ít nhiều tới từ sự chuyển biến về chất của đội ngũ môi giới.
2021 - năm có “được”, có “mất”
Vừa lau mồ hôi còn rịn trên trán sau một buổi sáng chạy đôn, chạy đáo với mấy vị khách tiềm năng, anh Trần Anh Tiến, Giám đốc Sàn bất động sản Thành Công Land đón tiếp chúng tôi trong không gian sàn giao dịch đã “ấm hơn người” hơn rất nhiều so với vài tháng trước. Chia sẻ câu chuyện của nghề môi giới bất động sản năm qua, anh tỏ ra khá hào hứng và cho biết rằng, “năm 2021 cũng không hẳn là một năm quá tệ”, cho dù gương mặt còn thoáng nét âu lo.
Vị giám đốc trẻ này cho hay, mất tới gần 6 tháng giãn cách xã hội bởi làn sóng Covid thứ tư, thế nhưng khác với năm 2020 khi hầu hết phải chịu cảnh “đứng hình”, trong năm 2021, nhiều sàn bất động sản, các môi giới đều đã tìm ra cách để thích nghi với “bối cảnh mới”. Các cuộc trao đổi riêng qua mạng xã hội Zalo, Viber, Telegram diễn ra thường xuyên hơn, các buổi chia sẻ thông tin qua các zoom chat hay livestream cũng có tần suất dày đặc hơn, sự chủ động của các môi giới đã kéo gần hơn khoảng cách với khách hàng, nhà đầu tư.
“Với nhiều người, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vào thời điểm hiện tại khi nhiều ngành, lĩnh vực còn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Họ cần những kênh trú ẩn an toàn, tiềm năng và bất động sản được lựa chọn, đó là lý do các môi giới địa ốc bận rộn hơn trong năm 2021”, Tiến nói và chia sẻ thêm, sau gần 2 năm dịch bệnh hoành hành, khách hàng đã quen hơn với việc mua nhà đất online, nhiều trường hợp khách hàng xuống tiền mà không cần phải trực tiếp đi xem dự án.
Ngoài việc thích nghi nhanh với thực tế, yếu tố quan trọng mang đến sự tích cực này, theo Tiến, đó là các sàn môi giới đã thể hiện tốt hơn vai trò của mình như những người kết nối chuyên nghiệp, minh bạch, mang tới những gì khách hàng “cần” là những sản phẩm tiềm năng, pháp lý đầy đủ, chứ không phải bán thứ mình “có” bằng mọi cách.
Nhìn lại một năm trước, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến khiến mọi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, lãnh đạo các sàn giao dịch bất động sản “vò đầu, bứt tai” vì không có nguồn thu, trong khi các loại chi phí vẫn phải trả đều đặn, đặc biệt là việc đảm bảo tiền lương cho người lao động trong công ty, thì trong năm 2021, sức ép đã giảm đi nhiều, bao gồm cả việc đi hay ở của các nhân sự.
Quyết định cơ cấu lại nhân sự để thu gọn bộ máy trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, như chia sẻ của ông Phạm Trung Hà - Tổng giám đốc Funi Bamboo miền Bắc rằng, đó là điều không hề mong muốn, bởi lẽ, sự phát triển của một đơn vị môi giới đến từ chính lực lượng môi giới, những người đóng vai trò kéo gần khoảng cách giữa khách hàng với chủ đầu tư. Với nhân viên môi giới, thu nhập là yếu tố quyết định ở lại sàn, thế nhưng với lãnh đạo công ty, sự tồn tại của sàn giao dịch là điều tiên quyết.
“Với nghề môi giới, chất lượng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Thực tế, hầu hết các sàn môi giới phải đóng cửa thời gian qua một phần xuất phát từ chất lượng nhân sự môi giới. Việc chỉ chạy theo doanh số, mà thiếu đi sự chuyển giao và đào tạo nhân sự khiến cho các môi giới mới vào nghề không đủ bản lĩnh, kinh nghiệm cũng như sự thích nghi với các mô hình kinh doanh mới như tư vấn bán hàng online…”, ông Hà nói và chia sẻ thêm rằng, ngoài ra, chiến lược quản trị dòng tiền chưa hợp lý của chính người lãnh đạo cũng là yếu tố làm hạn chế khả năng ứng phó của sàn giao dịch khi biến cố bất ngờ như Covid-19 xảy đến.
Ví mảng môi giới như một “miếng bánh” luôn phình to (dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào), ông Trần Minh, nhà môi giới bất động sản cá nhân cho rằng, số lượng người càng ít đi thì “miếng bánh” cho từng người càng to lên. Theo nhà môi giới chuyên nghiệp này, sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua, có thể chia các môi giới bất động sản thành 3 nhóm: Nhóm đầu tiên là nhóm bỏ nghề để tìm công việc mới trong năm 2020, nhóm thứ 2 là vẫn làm nhưng với tinh thần cầm chừng và nhóm thứ 3 là nhóm kiên định, nỗ lực tận dụng mọi cơ hội để bám trụ với nghề. Đây cũng là nhóm thành công nhất, bởi họ nhận thấy tiềm năng của thị trường bất động sản còn ở phía trước và kiên nhẫn chờ đợi.
“Trong năm 2021, giai đoạn 4 tháng đầu năm và 2 tháng sau giãn cách xã hội được xem là ‘thời điểm vàng’ của nhóm thứ 3, khi dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào thị trường địa ốc, đặc biệt giao dịch tăng rất mạnh ở những loại hình bất động sản có giá trị lớn như biệt thự, liền kề, nghỉ dưỡng, hoặc đất nền vùng ven quanh các khu đô thị, khu công nghiệp. Môi giới làm phân khúc này thậm chí còn không có hàng để bán giai đoạn cuối năm”, ông Minh chia sẻ.
Thực tế, hầu hết các sàn môi giới phải đóng cửa thời gian qua một phần xuất phát từ chất lượng nhân sự môi giới.
Kỳ vọng 2022 sẽ khởi sắc hơn
Sau giai đoạn “dồn nén” vì dịch bệnh, thị trường nhận được nhiều sự kỳ vọng mới, bao gồm cả sự thay đổi lớn ở cách nhìn nhận về giá trị của các sản phẩm bất động sản. Nhiều người đã ưu tiên hơn với các sản phẩm có giá trị dài hạn, ưu tiên cho sức khỏe theo xu thế “wellness”, mà không quá quan trọng về giá cả. Đó cũng là cơ sở cho những môi giới bất động sản thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc tư vấn các sản phẩm đủ tiềm năng, đủ giá trị cho khách hàng.
Như chia sẻ của ông Trần Minh, với yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành cùng nhiều cách thức bán hàng mới được các chủ đầu tư áp dụng, muốn tồn tại và phát triển, điều cần nhất với các môi giới địa ốc luôn là tri thức để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, trở thành chuyên gia trong mắt khách hàng, người đáng tin cậy với mọi người xung quanh.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-home đánh giá, mặc dù được đánh giá là một năm chấp nhận được với các môi giới bất động sản nói chung, thế nhưng đâu đó vẫn tồn tại sự bất ổn. Trong năm 2021, không ít thời điểm giá nhà đất tại nhiều khu vực tăng một cách bất thường, trong đó có bàn tay tham gia của các “cò”, các môi giới “bán chuyên”, gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường cũng như ảnh hưởng tới những môi giới chân chính.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường địa ốc, đặc biệt là việc hướng tới sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… trong năm 2022 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về nguồn cung - điểm nghẽn của thị trường trong nhiều năm qua. Thế nhưng, việc sửa đổi khung pháp lý cũng sẽ thiết lập một cuộc chơi mới, trong đó yêu cầu cao về chứng chỉ hành nghề, thiết lập mã số định danh, đề xuất giao dịch phải thực hiện qua sàn nhằm tránh trốn thuế giao dịch bất động sản… là những yếu tố có thể làm thay đổi cục diện lĩnh vực môi giới bất động sản trong năm mới.
Theo ông Đính, trong giai đoạn mới, với những yêu cầu mới, các chủ đầu tư cần thay đổi quan điểm môi giới chỉ là bên bán thuê, cần việc. Không ít chủ đầu tư có tâm lý chèn ép, yêu cầu đơn vị môi giới phải ký cược tiền chiếm dụng vốn, đôi khi lên đến cả trăm tỷ đồng mới được bán hàng. Trong khi đó, để có doanh số, một bộ phận môi giới bất động sản chấp nhận những hành vi chưa chuẩn mực, dẫn tới việc cộng đồng, xã hội coi môi giới bất động sản chỉ là “cò mồi”.
“Do đó, những người làm nghề môi giới bất động sản nhất thiết phải thay đổi một cách toàn diện theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn”, ông Đính nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận