Chuyện logo và thương hiệu
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tiếp thị là xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu có thể hiểu đơn giản là cách mà người tiêu dùng hiểu và đánh giá về công ty của bạn. Bài viết này sẽ chỉ ra một vài ví dụ thú vị trong việc xây dựng thương hiệu và logo cho doanh nghiệp.
Ví dụ đầu tiên là Doritos - một thương hiệu đồ ăn vặt nổi tiếng trên thị trường. Doritos đã từng vượt qua rất nhiều đối thủ khác và thành công với các chiến dịch quảng cáo táo bạo của mình. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng của thế hệ Z - những người không chuộng quảng cáo truyền thống, công ty đã quyết định loại bỏ logo của mình với chiến dịch #LogoGoesHere vào tháng 8 năm nay.
Nhiều người nghĩ rằng Doritos không quan tâm đến bản sắc thương hiệu của mình, nhưng thực tế thì ngược lại. Họ hiểu bản sắc thương hiệu của họ nổi bật đến mức nào, bởi vậy họ đã quyết định chỉ để lại những hình tam giác trên các gói bim bim thay vì logo và tên sản phẩm như trước đây.
Doritos thậm chí còn đổi tên Instagram của mình thành Logo goes here với ảnh đại diện là rất nhiều hình tam giác. Họ thậm chí còn đưa ra dòng quảng cáo rất táo bạo: “Không logo, không tiếng leng keng, không mánh lới quảng cáo. Đây là một sản phẩm mang tính biểu tượng, chúng tôi không cần đặt tên cho nó”.
Vậy họ có thành công không? Chưa có bất kì bài báo nào về sự thành công của họ và tôi có thể nói là … không. Họ chỉ thu được 160 nghìn lượt xem trên video của mình và hầu hết các bình luận đều đang chế giễu công ty đang quá tự phụ. Bên cạnh đó, vì thay đổi tên tài khoản Instagram, trang này đã mất đi khoảng 22.000 người theo dõi vào ngày hôm sau.
Chiến dịch của Doritos bị nhiều người đánh giá là phản tác dụng vì các khách hàng thế hệ Z cảm thấy công ty quá tự phụ. Ví dụ này không phải nói về sự thất bại của chiến dịch #LogoGoesHere, mà là để các bạn hiểu rõ hơn về việc công ty nên thay đổi logo của họ đến mức nào để bắt kịp xu hướng hiện tại.
Một ví dụ khác cho việc xây dựng logo theo xu hướng hiện nay là thẻ thanh toán quốc tế Mastercard.
Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, hình thức thanh toán điện tử ngày càng được ưa chuộng. Theo Statista, tổng giá trị giao dịch trong thanh toán kỹ thuật số lên tới 4.137.523 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12,8%. Điều này cho thấy, mọi người đang dần hạn chế thanh toán bằng thẻ của mình.
Vậy Mastercard sẽ làm gì, khi trong tên của họ đã có sẵn từ ‘card’ (thẻ)? Làm sao để khách hàng để ý rằng công ty cũng cung cấp hình thức thanh toán kỹ thuật số?
Mastercard đã thay đổi logo của mình vào tháng 1 năm 2019. Đó là một ý tưởng vượt trội khi bỏ cụm từ ‘mastercard’ ra khỏi logo và chỉ để lại 2 vòng tròn màu đỏ và cam mang tính biểu tượng. Và điều này đã có hiệu quả! Với bước đi chiến lược này, Mastercard đã gia nhập hàng ngũ của Nike và Apple, trở thành 1 trong số những thương hiệu mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại.
Điểm thú vị là Mastercard cũng làm điều tương tự như Doritos nhưng họ thu lại kết quả hoàn toàn khác. Tại sao lại như vậy?
Theo ông Raja Rajamannar - Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị của Mastercard, Mastercard đã thử nghiệm ở nhiều thị trường trên thế giới và trên nhiều nhân khẩu học khác nhau và nhận thấy rằng hơn 80% người tiêu dùng có thể nhận ra thương hiệu chỉ qua logo.
Trong khi đó, Doritos dường như chỉ thực hiện việc loại bỏ logo để trở nên táo bạo và sáng tạo, chứ không tăng cường nhận thức của khách hàng về sản phẩm của họ.
Hơn thế nữa, Mastercard cũng cho ra mắt logo bằng âm thanh vào tháng 2 năm nay. Loại logo mới này là một đoạn nhạc 12 giây được Mike Shinoda, thành viên nhóm nhạc Linkin Park, sáng tác. Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn OC&C, mua sắm bằng giọng nói sẽ đạt 40 tỷ đô la vào năm 2022, vì vậy, việc xây dựng logo bằng âm thanh sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận ra công ty khi họ mua sắm ở cửa hàng tạp hóa thông qua hỗ trợ giọng nói.
Mastercard hiểu rằng việc xây dựng thương hiệu phải phát triển qua nhiều năm và chỉ nhìn thấy thương hiệu thôi là không đủ. Đây không chỉ là một bước phát triển trong kỹ thuật số, mà theo ông Rajamannar, đây còn là một nét bản sắc mạnh mẽ cho thương hiệu của họ.
Bên cạnh các xu hướng hiện nay, scandals cũng có thể được xem là một yếu tố giúp định hình logo. Và ví dụ nổi bật gần đây nhất chính là Facebook.
Facebook đã phát hành logo mới vào ngày 4/11 vừa qua và được cho là logo chung cho tất cả các công ty con dưới quyền sở hữu như Instagram và Whatsapp. Facebook muốn tạo sự khác biệt để được mọi người nhìn nhận dưới tư cách là một công ty mẹ, chứ không phải là trang mạng Facebook.com - tâm điểm của một loạt các scandals đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Vậy sự thay đổi này có ý nghĩa gì không? Theo một khảo sát gần đây, chỉ 29% người Mỹ trả lời đúng rằng Instagram và WhatsApp thuộc sở hữu của Facebook. Facebook muốn mọi người biết rằng một số ứng dụng lớn nhất mà họ đang sử dụng thuộc sở hữu của công ty.
Bên cạnh đó, đây cũng có thể được xem là một bước đi thông minh để không làm tổn hại danh tiếng của các công ty con sau các scandals của Facebook. Liệu điều này có khiến mọi người quên đi tất cả những vấn đề mà Facebook đang phải đối mặt? Chúng ta vẫn phải chờ đợi xem.
Trên đây là 3 ví dụ về sự thay đổi logo trong năm nay của 3 công ty lớn nhất. Logo vẫn luôn là một yếu tố quan trọng của thương hiệu, mang lại nhận thức và đánh giá của khách hàng về công ty. Đây là điều mà các nhà tiếp thị nên lưu ý để có thể trụ vững trên thị trường hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận