Chuyện kín sau quyết định Apple sản xuất Ipad, MacBook ở Việt Nam
Những tập đoàn lớn của nước ngoài chọn Việt Nam làm “bến đỗ” mới không còn là chuyện xa vời mà rất thực tế. Việc cần làm lúc này là phải tham gia vào phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn.
Dồn dập tin “đại bàng” tới
Những ngày cuối năm 2020, thông tin Foxconn - nhà cung cấp của Apple - đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) đến Việt Nam theo yêu cầu của Apple được đưa ra khiến nhiều người háo hức.
Trước đó, Apple cũng đã chọn Việt Nam để sản xuất tai nghe không dây. Những nhà cung cấp khác của Apple như Luxshare, Pegatron,... cũng đã đưa ra những bản kế hoạch tăng cường mở rộng đầu tư ở Việt Nam với quy mô lên đến hàng tỷ USD.
Trên thực tế mô hình hoạt động của Apple không giống như Samsung. Apple không trực tiếp quản lý bất kỳ một nhà máy sản xuất nào. Thay vào đó, Apple hợp tác với các nhà cung ứng trên toàn thế giới để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm của Apple.
Các nhà cung ứng ấy được gọi với tên các OEM (Original Equipment Manufacturer). Do đó, việc những nhà cung ứng của Apple tăng cường hoạt động đầu tư ở Việt Nam có vai trò chủ yếu từ yêu cầu của Apple.
Trước khi dịch chuyển đầu tư, các lãnh đạo cấp cao của Apple đã có nhiều làm việc và khảo sát Việt Nam để quyết định việc sản xuất, lắp ráp sản phẩm của “đại gia” này.
Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, điều kiện đầu tiên được Apple đưa ra đối với cơ quan hữu trách của Việt Nam liên quan đến các thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, quy trình kiểm tra chất lượng đối với hàng nhập khẩu...
Apple lấy dẫn chứng để làm thủ tục cho hơn 10 lô hàng trong một ngày, thì chuỗi cung ứng phải chuẩn bị hơn 2.000 trang tài liệu; dành 15-20 giờ mỗi ngày để chuẩn bị các hồ sơ xin kiểm tra chất lượng và các tài liệu cần thiết khác...
Ngoài Apple, nhiều “đại bàng” khác từ Nhật, Mỹ cũng đã lên kế hoạch chọn Việt Nam là điểm đầu tư. Những cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục và việc Việt Nam đón nhận dòng vốn lên đến nhiều tỷ USD là hiện hữu, chứ không phải mơ hồ.
Ngay trong tháng 1/2021, nhiều nhà đầu tư đã “xông đất” Việt Nam bằng những khoản đầu tư lớn. Chẳng hạn, dự án nhà máy Kodi New Material Việt Nam (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 15/1/2021).
Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện tại tỉnh Bắc Giang (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 15/1/2021).
Dự án nhà máy vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 110 triệu USD với mục tiêu sản xuất các chi tiết cho máy móc thiết bị sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử tại TP. Đà Nẵng (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 19/1/2021).
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho rằng: Mỹ, Nhật Bản đang khuyến khích dịch chuyển nhà máy về nước hay sang nước thứ ba. Rõ ràng, trước những biến động của kinh tế toàn cầu, để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất của mình, họ phải có chính sách không để trứng vào một giỏ, tìm địa điểm khác an toàn hơn, trong đó có Việt Nam.
Một số nước cạnh tranh FDI với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia đang tạo môi trường đầu tư để mời gọi dòng vốn dịch chuyển ấy. Các nước đó có các động thái rất cụ thể, như tạo một quỹ đất sạch với giá cả hợp lý để đưa nhà đầu tư vào.
“Khi nhà đầu tư chọn điểm đến, họ thường xem xét toàn diện các vấn đề như môi trường đầu tư, hạ tầng giao thông, vận tải, nguồn nhân lực, điện, xuất nhập khẩu, nguyên vật liệu xung quanh,... ”, ông Toàn nói và cho rằng đây là vấn đề Việt Nam phải chú ý hơn nữa.
Nâng chất lượng dòng vốn
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Các dự án đầu tư nước ngoài hướng đến những ngành có công nghệ cao, điển hình là các dự án sản xuất thiết bị điện tử của Samsung, LG ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng...
Việt Nam đã ghi dấu trên bản đồ công nghệ thế giới với những sản phẩm điện tử “made in Vietnam”, trở thành một trong những cứ điểm sản xuất hàng điện tử lớn trên thế giới. Một dòng vốn lớn tiếp tục đổ về, biến Việt Nam thực sự trở thành “công xưởng” hàng công nghệ của thế giới.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, Việt Nam vẫn chỉ đón nhận các dự án ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là lắp ráp, tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. Những khâu đòi hỏi giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam vẫn chưa làm được.
Mức độ lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước vẫn còn khiêm tốn, doanh nghiệp nội vẫn chật vật để chen chân vào làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI.
Khi đến Việt Nam, các doanh nghiệp FDI thường mang theo các vệ tinh của mình, trong khi đó doanh nghiệp “nội” còn nhỏ bé về quy mô và năng lực cạnh tranh nên phải chấp nhận thua thiệt đủ đường.
Đó là điều phải khắc phục trong giai đoạn thu hút FDI tới đây, với sự xuất hiện của một làn sóng FDI mới. Nếu không, Việt Nam cũng chỉ là bãi đỗ tạm thời của những “đại bàng”, thiếu đi động lực phát triển ổn định bền vững về sau.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho rằng: Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư lớn, tham gia được vào các chuỗi giá trị gia tăng cao, chúng ta phải giải quyết được các điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng...
Xét cho cùng, các nhà đầu tư khi muốn chuyển đổi chuỗi cung ứng, họ sẽ nhìn vào các yếu tố nền tảng của một quốc gia để xây dựng chuỗi đó. Nếu các yếu tố nền tảng đó không đáp ứng được thì chúng ta chỉ thu hút được các nhà đầu tư tận dụng những khâu có giá trị gia tăng thấp, rất khó thu hút được các nhà đầu tư vào những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận