Chuyên gia VBF: “Việt Nam cần mở cửa bầu trời, khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng”
Trưởng nhóm công tác du lịch VBF cho rằng, Chính phủ cần khuyến khích các hãng hàng không mới gia nhập thị trường cũng như đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sân bay.
Sáng 26/6, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, Trưởng Nhóm công tác du lịch cho rằng, một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch chính là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ngành hàng không.
Ngành hàng không của Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, theo định hướng các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể nhằm phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/1/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (cụ thể, ngành được kỳ vọng sẽ thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, với mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, hàng không và cơ sở hạ tầng sân bay vẫn được coi là một trong những điểm nghẽn đối với quá trình phát triển du lịch Việt Nam, vì vậy cần giải quyết tình trạng và các vấn đề đang gặp phải của ngành hàng không Việt Nam cũng như các khuyến nghị đưa ra bởi cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề này.
Theo nhóm nghiên cứu, chính sách bầu trời mở và tự do hóa vận tải hàng không là một chính sách hàng không được áp dụng lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào những năm 1970, sau đó lan sang châu Âu trong thập niên 1980, và mở rộng sang các nước châu Á.
Cho đến nay, chính sách này đã trở thành một xu hướng phổ biến trên toàn thế giới. Các nguyên lý cơ bản của chính sách tự do hóa vận tải hàng không nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép kinh doanh vận tải hàng không; Nhượng quyền khai thác thương mại dễ dàng cho các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Cũng như giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ tất cả các hạn chế theo các hiệp định song phương và đa phương liên quan đến số lượng hãng hàng không, số lượng sân bay, số tuyến đường hàng không, số chuyến bay, số ghế/sức chứa, v.v.;
Nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không trong nước, và tự do hóa ngành hàng không nói chung, bao gồm tất cả các hoạt động hàng không dân dụng khác bên cạnh vận tải hàng không.
Theo nhóm nghiên cứu, số lượng hãng hàng không thành lập tại Việt Nam được cấp phép khai thác thương mại vận chuyển hàng không ít hơn đáng kể so với 6 nước hàng đầu ASEAN, dao động từ 4 đến 15 so với con số 4 hãng hiện nay tại Việt Nam.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu công tác du lịch của diễn đàn đề xuất, Chính phủ cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định để khuyến khích các hãng hàng không mới gia nhập thị trường cũng như đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sân bay tại Việt Nam.
Ngoài vấn đề về cơ sở hạ tầng, nhóm nghiên cứu cũng nêu ra các vẫn đề về mức chi tiêu của khách du lịch, quảng bá điểm đến, quy định về condotel hay các vấn đề về nguồn nhân lực.
Vì vậy, cần phải cải thiện tất cả các khía cạnh của chế độ thị thực, bao gồm miễn thị thực, thị thực điện tử và thị thực nhập cảnh sân bay cũng như phân bổ hợp lý hơn cho quỹ xúc tiến du lịch quốc gia từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ xúc tiến du lịch và các hoạt động bền vững về môi trường hay đào tạo nguồn nhân lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận