24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Việt Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia Trung Quốc quan tâm các chủ đề trọng tâm của ASEAN 37

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN 37) là sự kiện quan trọng nhất của ASEAN trong năm nay.

Theo trang mạng Quan sát Thượng Hải của Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 37 từ ngày 12-15/11 được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nước.

Kể từ khi thành lập, gần như hàng năm ASEAN đều tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực. Tháng 6/2020, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã được tổ chức và trong vòng chưa đầy 5 tháng, ASEAN đã tổ chức một hội nghị cấp cao khác. Tuy nhiên, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 là sự kiện quan trọng nhất của ASEAN trong năm nay.

Học giả Chu Sĩ Tân thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải cho rằng việc tổ chức một loạt hội nghị ASEAN có tính cần thiết và đặc thù của nó, và không quá khi nói rằng đây là "Hội nghị quan trọng nhất".

Trước hết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cuộc họp trong năm nay đã bị hủy hoặc hoãn, và chương trình nghị sự bị trì hoãn do dịch bệnh cần được khẩn trương bổ sung và thực hiện.

Thứ hai, hội nghị thượng đỉnh có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy sự tự tin. Kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế toàn cầu và ASEAN đã bị ảnh hưởng.

"Mặc dù Hội nghị này được tổ chức trực tuyến, nhưng nó đã thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của các nước và cho phép hợp tác khu vực để thúc đẩy ổn định", học giả Chu Sĩ Tân nhận định.

Vấn đề trọng tâm

Cùng với thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN, một làn sóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 mới đã bùng phát và việc hợp tác phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế được kỳ vọng sẽ một lần nữa trở thành chủ đề nóng tại cuộc họp.

Học giả Chu Sĩ Tân nhận định, dịch bệnh sẽ là chủ đề chính của Hội nghị cấp cao ASEAN. Các nước ASEAN về cơ bản không có khả năng sản xuất vaccine, do đó, cuộc họp dự kiến sẽ nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong thời dịch bệnh. Phục hồi kinh tế sau đại dịch là một vấn đề lớn khác. Theo đó, ASEAN cần nhanh chóng hình thành một khuôn khổ phục hồi toàn diện để thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực sau dịch bệnh và tăng cường sự ổn định và sự bền bỉ của nền kinh tế khu vực.

Ngoài ra, Hội nghị cũng có thể tập trung vào các vấn đề như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và biến đổi khí hậu.

Chuyên gia Hứu Lợi Bình, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, Hội nghị sẽ tập trung vào hai vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển trong tương lai của ASEAN.

Thứ nhất là quá trình hội nhập của ASEAN. ASEAN đã vạch ra kế hoạch phát triển và kế hoạch hội nhập ASEAN vào năm 2025. Vì vậy, đánh giá kết quả của giai đoạn năm nay sẽ là trọng tâm của hội nghị.
Thứ hai là các vấn đề liên quan đến hiện trạng và xu hướng phát triển trong tương lai của hợp tác giữa ASEAN và các nước ngoài khu vực, phát huy vai trò hạt nhân của ASEAN và nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN.

Ngoài ra, do Trung Quốc và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau nên “tiếng nói Trung Quốc” tại Hội nghị cấp cao cũng gây nhiều chú ý. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tham dự một loạt cuộc họp của các nhà lãnh đạo hợp tác Đông Á.

Ông Vương Văn Bân cho biết, Trung Quốc mong đợi các cuộc họp của các nhà lãnh đạo tập trung vào hai chủ đề đoàn kết chống dịch bệnh và cùng nhau tìm biện pháp thúc đẩy phát triển, cùng nhau duy trì cục diện phát triển ổn định của khu vực Đông Á. Trong đó, các từ ngữ trọng tâm là tăng cường đoàn kết và hợp tác, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, kiên trì chủ nghĩa đa phương và tăng cường địa vị trung tâm của ASEAN.

Tại Hội nghị cấp cao này, ngoài việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Trung Quốc và một số nước có thể trao đổi về vấn đề Biển Đông. Hiện tại, đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đã vào vòng 2.

Ông Chu Sĩ Tân cho rằng, tiến triển đàm phán thông qua trực tuyến có thể có hạn chế, nhưng hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong năm tới.

Kỳ vọng về RCEP

Các nước bên ngoài đang đặt nhiều kỳ vọng các bên tham gia có thể đạt được thỏa thuận, trong đó RCEP có thể sẽ trở thành thành công lớn nhất. Được biết, hiện quá trình đàm phán hiệp định đã bước vào giai đoạn cuối, ngoại trừ Ấn Độ, hiện 15 quốc gia đã kết thúc các cuộc đàm phán văn bản và về thực chất tất cả các bên đều đồng ý.

Trước Hội nghị thượng đỉnh, một số nước gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan đã phát đi những tín hiệu lạc quan, tin rằng một thỏa thuận có thể được ký kết tại cuộc họp các nhà lãnh đạo RCEP lần 4 vào ngày 15/11 tới.

Học giả Chu Sĩ Tân cho rằng, RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại tự do có quy mô dân số và diện tích lớn nhất, thậm chí có thể sánh ngang với EU. Việc ký kết RCEP sẽ trở thành chương trình nghị sự quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao ASEAN.

Nếu RCEP được ký kết sẽ là thành quả của hội nhập khu vực, thể hiện mong muốn thúc đẩy hội nhập khu vực của các nước trong khu vực. Trước bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chỉ có tăng cường hợp tác khu vực mới có thể bù đắp được những thiệt hại của các nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyên gia Hứa Lợi Bình cũng lạc quan một cách thận trọng về việc liệu RCEP có thể được ký kết tại hội nghị này bởi cho rằng sau nhiều năm đàm phán, thời điểm ký kết đã chín muồi.

"Một khi thỏa thuận được ký kết, nó chắc chắn sẽ tăng thêm niềm tin trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực, tăng cường sự ổn định của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra bầu không khí hợp tác tốt đẹp trong thời kỳ dịch bệnh", ông nói.

(theo Quan sát Thượng Hải)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả