Chuyên gia: 'Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank mang tính nội bộ hơn là một rủi ro hệ thống'
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) dấy lên lo ngại sẽ trở thành “hiệu ứng domino” gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hơn tuần trước, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) được chọn là "Ngân hàng của năm" và CEO Greg Becker tự tin là "đối tác tài chính tốt nhất ở thời điểm khó khăn nhất".
Chỉ một tuần sau, mọi thứ sụp đổ. Khách hàng của Silicon Valley Bank chủ yếu là các startup. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên. SVB sau đó sử dụng một phần nguồn tiền này để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ với kỳ hạn dài. Trong 44 giờ trước khi SVB bị dừng hoạt động, các công ty khởi nghiệp công nghệ ồ ạt rút tiền.
Năm 2021, các khách hàng của họ được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm và huy động được 330 tỷ USD, gần gấp đôi mức kỷ lục trước đó một năm. SVB từ đó nhận hàng chục tỷ USD tiền gửi từ họ. Với niềm tin rằng lãi suất sẽ ổn định, SVB chuyển số tiền mặt đó vào trái phiếu dài hạn. Bloomberg ví von, với cách làm này, SVB đã "đi thẳng" vào một cái bẫy.
Sự sụp đổ đã diễn ra vào ngày 10/3, sau khi SVB từ bỏ kế hoạch tăng vốn cổ phần khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm hơn 60%. Theo Financial Times, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thông báo sẽ đóng cửa SVB và người gửi tiền được cơ quan này đảm bảo sẽ có thể tiếp cận tiền của mình chậm nhất vào sáng ngày 13/3.
Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008.
Quy mô rút tiền tại SVB đã được tiết lộ trong một lệnh của cơ quan quản lý tài chính bang California vào cùng ngày 10/3. Cơ quan này cho biết SVB đã mất khả năng thanh toán và thanh khoản của ngân hàng là không đủ để duy trì hoạt động.
Tờ lệnh trên cũng tiết lộ rằng SVB có “số dư tiền mặt âm” khoảng 958 triệu USD. Nhiều khách hàng của SVB là các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) cũng như các start-up công nghệ và chăm sóc sức khoẻ. Một số có số dư tài khoản tại SVB vượt quá số tiền tối đa được bảo đảm bởi FDIC.
Cơ quan quản lý cho biết các khách hàng thuộc nhóm trên sẽ nhận được khoản thanh toán ban đầu vào tuần tới và phần còn lại sẽ phụ thuộc vào chuyện gì sẽ xảy ra với tài sản của SVB.
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) cũng đã dấy lên lo ngại sẽ trở thành hiệu ứng domino gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD) đưa ra nhận định, sự sụp đổ này mang tính nội bộ của ngân hàng SVB hơn là một rủi ro mang tính hệ thống.
Nếu đã không phải rủi ro mang tính hệ thống thì khả năng lây lan sẽ hạn chế và sớm được ngăn chặn. Và nếu đúng như thế thì tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không đáng kể.
Tuy nhiên, theo CIO AFC Vietnam Fund, có thể thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Song, đối với AFC nhịp chỉnh này là cơ hội mua vào, đối với nhà đầu tư cá nhân dài hạn cũng vậy.
Với góc nhìn thận trọng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự kiện SVB phá sản nhà đầu tư rất khó để đưa ra nhận định chính xác bởi đa số sẽ không có đủ thông tin về SVB cũng như mô hình vận hành của nền tài chính lớn nhất thế giới. Do đó tác động của sự kiện ra sao, hệ quả lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, rất khó để đưa ra kết luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận