Chuyên gia: Phát hành trái phiếu là điều cơ cực, quy định khắt khe là “bóp” doanh nghiệp
Qua 5 lần tiến hành dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP vẫn chưa 'làm vừa lòng' giới chuyên gia khi không ít ý kiến cho rằng, các quy định trong dự thảo đang 'bóp chết thị trường'.
Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 31/12/2020, hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021.
Sau 1 năm áp dụng, vào tháng 12/2021, cơ quan quản lý tiến hành dự thảo sửa đổi lần thứ nhất và từ đó đến nay, trải qua tới 5 lần dự thảo sửa đổi. Dù vậy, dự thảo lần này theo giới phân tích vẫn còn nhiều bất cập.
Một trong những vấn đề được chuyên gia bày tỏ quan ngại đó là việc thu hẹp mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Hàng loạt "ông lớn" có nguy cơ rời cuộc chơi trái phiếu
Theo dự thảo, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Lý do Bộ Tài chính đưa ra quy định này là để hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.
Bình luận về quy định này tại Đối thoại chuyên đề "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) khẳng định, trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp. Đây cũng là thông lệ trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp được quyền góp vốn đầu tư, việc không cho huy động để mua vốn theo ông Quỳnh là hạn chế quyền của doanh nghiệp. Với quy định này, nhìn sâu sa sẽ làm cho doanh nghiệp yếu đi so với doanh nghiệp nước ngoài.
"Thương trường là chiến trường, phải cho tôi có vũ khí hiện đại để cạnh tranh còn nếu quy định như thế là hạn chế vũ khí, làm cho doanh nghiệp của mình năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế, dù lo lắng của Bộ Tài chính là xứng đáng", ông Quỳnh nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cũng thừa nhận, Nghị định 153 trước đây "quá thoáng", còn dự thảo sửa đổi thì lại "thắt quá chặt", điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, quy định không được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần được dự báo sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, có nhiều công ty con như BRG, TNR, Vingroup, Novaland…
Lý do là, theo quy định này, công ty mẹ không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tài trợ cho công ty con thực hiện dự án. Trong khi đó, công ty con mới thành lập (vì mục tiêu phát triển dự án) khó đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Hơn nữa, chặn cửa huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ khiến các doanh nghiệp ngại ngần đầu tư vào lĩnh vực mới.
Góp ý về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến, quy định này không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn với lý do: Công ty con mới ra đời hoặc ra đời đã lâu nhưng quy mô nhỏ rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu hỗ trợ".
Siết phát hành trái phiếu hay là "bóp" doanh nghiệp?
Nêu quan điểm về vấn đề này TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính ngân hàng nói với Dân Việt: Đặt ra việc siết mục đích sử dụng vốn của trái phiếu doanh nghiệp là chưa phù hợp, thậm chí là không có ý nghĩa gì trong cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ông Nghĩa phân tích, một ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay 1.000 tỷ, ngân hàng thương mại có thể giải ngân theo tiến độ dự án. Tức là, dự án hoàn thành đến đâu giải ngân đến đó hoặc giải ngân qua nhà thầu, qua các đại lý bán vật liệu xây dựng,... Như vậy, ngân hàng thương mại mới quản lý được mục đích sử dụng của khoản vay nói trên của doanh nghiệp.
Riêng với phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có thể nhận về ngay 5.000 tỷ chẳng hạn, nhưng đâu phải dự án nào, công trình nào cũng ngay lập tức "ngốn" hết 5.000 tỷ này. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất 10 – 12%/năm, số tiền còn lại chưa sử dụng doanh nghiệp không thể mang ra ngân hàng gửi để nhận lãi suất 3 hay 4%/năm.
"Như vậy, buộc doanh nghiệp phải tìm cách nào đó để duy trì được giá trị của nguồn vốn huy động về, chẳng hạn như đi mua một bất động sản "nho nhỏ" nào đó, đầu tư vào một dự án nào đó cho công ty con để bảo trì được giá trị của nguồn vốn,... Hơn nữa, bản thân các ngân hàng khi cho vay vốn, dưới sự giám sát sát sao, giải ngân theo tiến độ, vẫn xảy ra những trường hợp không thể lường trước. Rõ ràng, siết mục đích sử dụng vốn hay giám sát mục đích sử dụng vốn như vậy là chưa phù hợp", ông Nghĩa nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế. (Ảnh: PH)
Hai là, kỳ hạn trái phiếu của Việt Nam rất ngắn, thông thường từ 12 tháng - 36 tháng. Trong khi đó, các dự án như những dự án bất động sản từ khi xây dựng đến khi bán xong hàng có thể là 5, 6 hay 7 năm chẳng hạn. Như vậy, doanh nghiệp phát hành trái phiếu dường như là phát hành trái phiếu đợt sau để trả nợ cho trái phiếu đợt trước. Siết mục đích sử dụng vốn có thể hạn chế quyền tự do huy động vốn kinh doanh, tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất đắc dĩ nằm trong điều kiện bất lợi về mặt tài chính: Lãi suất cao, kỳ hạn ngắn nên phải liên tục phải đảo nợ và tìm mọi cách để duy trì giá trị số vốn huy động được. Ngân hàng không cho vay bí quá phải phát hành trái phiếu, phát hành trái phiếu cũng là điều cơ cực chứ không đơn giản", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh: "Quy định khắt khe về mục đích sử dụng vốn sẽ "bóp chết doanh nghiệp, bóp chết thị trường".
Ông Nghĩa bày tỏ lo ngại, thắt chặt trái phiếu khiến phần lớn dự án bất động sản sẽ đứng im, các công ty bất động sản sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính, bởi theo một thống kê, quy mô dư nợ trái phiếu của ngành bất động sản khoảng 189 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 và 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm 2022 – 2024. "Hàng trăm nghìn tỷ, doanh nghiệp lấy đâu để trả?" - ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Thay vì đưa ra các quy định khắt khe như tại dự thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, xếp hạng tín nhiệm cần được chú trọng hơn nữa, bởi dù có 5 lần tiến hành dự thảo song theo vị chuyên gia này, dự thảo "phiên bản 5" này vẫn rất xem nhẹ xếp hạng tín nhiệm, và điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề gì cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
"Quan trọng nhất là tất cả các doanh nghiệp đều được xếp hạng tín nhiệm. Hàng triệu người mua một trái phiếu, không phải ai cũng ngồi xem bảng cân đối tài sản, báo cáo tài chính, cân đối dòng tiền,... tài sản đảm bảo như thế nào. Do đó, cách duy nhất là nhìn vào bảng xếp hạng của doanh nghiệp. Các quy định liên quan đến tài sản đảm bảo, kết quả kinh doanh, dòng tiền, mục đích sử dụng vốn,... sẽ đưa vào trong các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Căn cứ vào bảng xếp hạng đó để nhà đầu tư quyết định đầu tư, ai thích rủi ro thì mua trái phiếu loại A, ai thích an toàn thì mua trái phiếu loại B chẳng hạn", ông Nghĩa bổ sung thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận