Chuyên gia nói gì về làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp?
Bà Đỗ Hồng Hạnh - Chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán SSI cho rằng cổ đông lớn hay những cổ đông nhỏ lẻ họ đều giống nhau ở phần tâm lý, nghĩa là cũng bị lòng tham và sự sợ hãi chi phối.
Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital, bà Đỗ Hồng Hạnh Chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán CTCP Chứng khoán SSI, PGD Cách Mạng Tháng Tám cho rằng cổ đông lớn hay những cổ đông nhỏ lẻ họ giống nhau ở phần tâm lý, nghĩa là cũng bị lòng tham và sự sợ hãi chi phối.
Do đó khi cổ đông lớn mua cổ phiếu và sử dụng margin quá nhiều, đến khi giá cổ phiếu giảm mà dòng tiền mặt không đủ nộp cho công ty chứng khoán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn thì họ vẫn bị bán giải chấp cổ phiếu như bình thường.
Còn theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI, thường khi nhà đầu tư sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, tỷ lệ ban đầu có thể rất cao nhưng cũng không nhiều người lường trước câu chuyện giá cổ phiếu doanh nghiệp của mình có thể giảm với khối lượng lớn như vậy.
Khi giá trị tài sản đảm bảo xuống thì có hai cách để duy trì, tăng thêm cổ phiếu để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn hoặc giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng khi giá cổ phiếu rơi xuống một mức nhất định thì sẽ có lãnh đạo doanh nghiệp vào đỡ giá. Tuy nhiên, đối với trường hợp nhà lãnh đạo có thể bổ sung tiền mặt để đưa trạng thái tài khoản về ngưỡng an toàn, giá cổ phiếu sau đó có thể vẫn giảm nữa mà vị thế của khoản vay vẫn đảm bảo.
Do vậy trong đầu tư, không nên thần thánh hóa hay tin tưởng mù quàng vào những ngưỡng mà lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải giữ giá cổ phiếu ở một ngưỡng nhất định. Nếu họ có tiền nộp vào thì giá cổ phiếu có thể giảm xuống dưới ngưỡng này mà họ vẫn cảm thấy thoải mái với khoản vay của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận