Chuyên gia nói gì trước động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?
Mặt bằng lãi suất tiền gửi dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023.
Đa phần các chuyên gia chứng khoán nhận định quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phù hợp với tình hình hiện tại song mức tăng cao hơn so với kỳ vọng.
Không quá bất ngờ, song mức tăng cao hơn so với kỳ vọng
Sau khi Fed đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9 vừa qua, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế.
Trước những diễn biến trên, chiều ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng 1 điểm % đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4%/năm lên 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5%/năm lên 3,5%/năm, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5%/năm lên 6%/năm, và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm. Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày 23/9.
Chứng khoán VNDirect (VND) đánh giá hành động trên của NHNN là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, nhóm phân tích có đôi chút bất ngờ về mức tăng 1 điểm % lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo của VNDirect là 0,5 điểm % cho năm 2022). Sau đợt tăng lãi suất lần này, VNDirect cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành trong năm nay.
Đồng thuận với VNDirect, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Chứng khoán Mirae Asset cũng khi cho rằng quyết định của NHNN là phù hợp. Nguyên do là trước khi Fed quyết định nâng lãi suất thì áp lực lên lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá đã là rất lớn. Kết hợp với quyết định nâng lãi suất của Fed, rõ ràng NHNN cần nâng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá. Trên thực tế, lãi suất thị trường mở (OMO) và lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng cao hơn mức 5%/năm trong tháng 9 nên việc nâng lãi suất điều hành là hợp lý và hợp thức hóa thực tế đang diễn ra.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận thấy mức tăng lãi suất cao hơn so với kỳ vọng của VDSC. Điều này cho thấy thành trì lãi suất đã không còn vững như định hướng điều hành mà Chính phủ đã kiên định trong suốt gần 9 tháng qua trước bất ổn và thay đổi liên tục từ bên ngoài.
Theo bà Lam, bước tăng này có thể là để chuẩn bị cho cả năm 2023, bởi mức kỳ vọng hiện tại của thị trường đối với lãi suất điều hành của Fed đang là 4-5%/năm. Như vậy, chính phủ nghiêng về kịch bản lãi suất của Fed lên 5%/năm và chọn bước tăng mạnh ngay trong lần nâng lãi suất đầu tiên.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 qua đầu 2023
Tính tới ngày 14/9, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản (1 điểm % = 100 điểm cơ bản) so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng chậm hơn đáng kể. Cụ thể, mức tăng lần lượt là 3 điểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.
VNDirect duy trì dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những cuối năm 2022 bởi các yếu tố sau. Công ty chứng khoán này dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại cổ phần (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Sang năm 2023, nhóm phân tích của VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do: (1) Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, (2) Ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại cổ phần (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cũng nhận định mặt bằng lãi suất huy động tăng và giá vốn huy động bình quân của ngành ngân hàng sẽ tăng. Nếu thực hiện theo kêu gọi của Thủ tướng về giữ ổn định lãi suất cho vay thì rõ ràng NIM (biên gộp) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu chuyện lãi suất huy động tăng và NIM của nhóm ngân hàng bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm 2022 là các tin tức thị trường chứng khoán đón nhận nhiều tháng qua. Vì vậy, các ảnh hưởng đã phản ánh một phần lớn khiến định giá nhóm ngân hàng khá hấp dẫn ở góc nhìn trung hạn.
Các loại lãi suất điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đang xoay chiều từ việc giảm mạnh để hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 sang tăng lãi suất để phù hợp áp lực lạm phát và đồng USD tăng giá. Trần lãi suất huy động được cơ quan quản lý dùng để hạn chế cuộc đua cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng dẫn đến lãi suất CASA là gần như nhau giữa các ngân hàng (0,2%) và lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng tối đa 4%/năm. Do đó, ông Tuấn cho rằng sự chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng dù nhỏ hay lớn ở kỳ hạn dưới 6 tháng là không quá lớn, qua đó hạn chế cạnh tranh về huy động.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam chỉ ra trên thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng biến động theo chiều hướng tăng từ cuối quý II đến đầu quý III, giai đoạn tỷ giá trên thị trường tự do và trong ngân hàng có những biến động mạnh. Với chỉ đạo từ Thủ tướng cũng như là hành động tăng lãi suất điều hành ngay sau đó của NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ “danh chính ngôn thuận” tăng lãi suất huy động hơn, tránh được tình trạng “đi đêm lãi suất” như nhiều năm đây.
Mặc dù mục tiêu ổn định lãi suất cho vay vẫn là mục tiêu trọng tâm của năm 2022, bà Lam cho rằng sự ổn định này có thể hiểu là diễn biến phù hợp với việc chi phí đầu vào đang tăng lên của các ngân hàng chứ không hẳn là “bất động”.
Doanh nghiệp sở hữu tượng tiền cao như bảo hiểm, điện... sẽ hưởng lợi
Theo chuyên gia của VDSC, chính sách tiền tệ của NHNN đã duy trì sự thận trọng từ cuối quý 2, trước những bất ổn khó lường từ bên ngoài. Có thể thấy sau cuộc họp của Fed, các số liệu và kỳ vọng của Fed đang cho thấy quan điểm quyết liệt của Fed trong điều hành lãi suất nhằm chống lại lạm phát. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của đầu tàu kinh tế thế giới cũng cho thấy bức tranh tiêu cực hơn so với kỳ trước đây của thị trường. Ngoài ra, rủi ro leo thang chiến tranh Nga - Ukraine đang trở lại sau lệnh tổng động viên của Tổng thống Nga.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Rồng Việt. |
Do vậy, chuyên gia VDSC cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới vẫn theo hướng thận trọng và chặt chẽ, theo sát diễn biến của kinh tế thế giới (mà đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc). Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ chưa thoái khỏi xu hướng đi ngang, cho đến khi có những tín hiệu nới lỏng hơn trong quan điểm điều hành chính sách tiền tệ.
Đối với doanh nghiệp, nếu chỉ nhìn vào bề nổi của việc tăng lãi suất, bà Lam chỉ ra những doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động lớn, tỷ trọng tiền gửi ngân hàng cao sẽ là những nhóm hưởng lợi đáng kể, điển hình như các doanh nghiệp bán lẻ, điện, sản xuất hàng tiêu dùng, bảo hiểm... Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp thâm dụng vốn vay, như bất động sản, hoặc đã mở rộng quy mô quá nhanh trong thời gian vừa qua khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính lên mức cao, sẽ là những doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cùng quan điểm với bà Lam, ông Huỳnh Minh Tuấn cũng nhận thấy các doanh nghiệp phi tài chính và sản xuất nào vay nợ nhiều sẽ bị tăng chi phí tài chính như bất động sản, vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp có quy mô nợ trên vốn cao... Ngược lại, các doanh nghiệp có tiền mặt nhiều, nợ ít sẽ sở hữu lợi thế, kể đến như bảo hiểm, các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận