Chuyên gia: Nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo sẽ phục hồi tốt trong năm nay
Ngành năng lượng tái tạo được hưởng lợi từ việc Việt Nam triển khai thực hiện cam kết COP26. Theo kế hoạch đến 2030, sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo mỗi năm trung bình từ 12-15%. Nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo hưởng quả ngọt từ năm nay.
Tiềm năng của năng lượng tái tạo lớn, tốc độ tăng trưởng 12-15% mỗi năm
Tại buổi Talkshow chọn danh mục kỳ 7 với chủ đề “Hiểu doanh nghiệp để không lạc lối” được Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định trong năm 2022, yếu tố lãi suất và lạm phát gây ảnh hưởng khiến dòng tiền không còn rẻ và tìm đến nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao, trong đó có nhóm cổ phiếu ngành điện. Đây là nhóm ngành gặp khó khăn trong năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu thấp nhưng năm 2022 sẽ khôi phục trở lại và mang lại lợi suất tốt trong thời gian tới, đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo được hưởng lợi từ việc Việt Nam triển khai thực hiện cam kết COP26.
Quang cảnh buổi Talkshow. Ảnh: Chụp màn hình
Theo ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch 2 quỹ là Quỹ Green Fund và Quỹ A+, tiềm năng của ngành điện tái tạo rất lớn. Theo kế hoạch đến 2030, sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo mỗi năm trung bình từ 12-15%. Nếu so số này với GDP của cả nước ở mức 6-7% một năm, thì ngành năng lượng tái tạo đã phát triển gấp đôi. Số liệu thống kê cho thấy, điện tái tạo năm 2017 cung cấp khoảng 6% trong tổng sản lượng điện của thị trường Việt Nam, năm 2020 tăng lên khoảng 10% và kế hoạch đến 2030 đạt 21%. Nghĩa là trong vòng 10 năm, tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo trong hệ thống sẽ gấp đôi.
“Tôi khuyên các bạn trẻ nên đầu tư vào ngành điện tái tạo”, ông Hoàng nói.
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có những doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo như Bamboo Capital (HoSE: BCG), Điện Giai Lai (HoSE: GEG), REE Corporation (HoSE: REE), Hà Đô Group (HoSE: HDG), Xâp lắp điện 1 (HoSE: PC1)…
Tuy nhiên, theo ông Hoàng không phải các doanh nghiệp này chỉ đầu tư mỗi năng lượng tái tạo. Đồng thời, nếu nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực năng lượng tái tạo thì phải lựa chọn danh mục cảm thấy an tâm và đi con đường 5, 7 hay thậm chí 10 năm.
Mặc dù ngành năng lượng tái tạo như mặt trời, điện gió hấp dẫn và phù hợp xu hướng phát triển của thế giới nhưng đang gặp rào cản. Chia sẻ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 cuối tháng 3, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE Corporaiton cho biết tất cả các chính sách ưu đãi về giá, tỷ suất đầu tư cho dự án điện mặt trời, điện gió đều được cơ quan Nhà nước đưa ra rất hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư. Song, việc phát triển đường truyền tải không đồng bộ đã khiến nhiều dự án phải bị cắt giảm công suất, nhiều solar farm hay wind farm (nông trại điện mặt trời, điện gió) bị cắt từ 30-60% công suất.
Hơn nữa, ngành điện mặt trời hầu như không ghi nhận sự tăng trưởng sau khi Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 và Chính phủ vẫn chưa ban hành chính sách mới.
Nhiều doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận lợi nhuận
Theo báo cáo thường niên 2021, tổng công suất thiết kế điện mặt trời và điện gió của REE chỉ chiếm một phần nhỏ trong mảng năng lượng, phần còn lại chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Con số lợi nhuận đóng góp của mảng năng lượng mặt trời năm qua là 71 tỷ đồng, chưa đến 4% tổng lợi nhuận toàn hệ thống.
Song, REE đã thành công đưa 3 dự án điện gió với tổng công suất 102 MW vào vận hành thương mại trước thời điểm tháng 31/10/2021 gồm nhà máy điện gió Trà Vinh V1-3, Phú Lạc 2 và Lợi Hải 2. Điều này được kỳ vọng sẽ tăng tỷ trọng đóng góp của mảng năng lượng tái tạo.
Điện Giai Lai cũng đưa vào vận hành 3 nhà máy điện gió công suất 130 MW trong tháng 10/2021, đủ điều kiện hưởng các ưu đãi. Nhờ vậy, ngay quý đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 87% lên 570 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 142 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.
Cụm 3 nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên do Xâp lắp điện 1 và Renova, Inc (Nhật Bản) hợp tác đầu tư cũng đã đi vào phát điện trước 31/10/2021 với tổng công suất 144 MW, đủ điều kiện hưởng giá FIT ưu đãi. Hay, Hà Đô Group công bố nhà máy điện gió 7A (50 MW) vận hành vào tháng 30/10/2021, đây là tiền đề cho đơn vị thực hiện hóa mục tiêu 1 GW năng lượng tái tạo đến 2025.
Bamboo Capital tham gia mảng năng lượng tái tạo từ 2017, nguồn thu các năm trước đến chủ yếu từ hoạt động tư vấn, đầu tư, bất động sản. Từ cuối năm 2020, hơn 300 MW các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động đã đóng góp 201 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021, chiếm tỷ trọng 20%. Doanh nghiệp cho biết kể từ 2022, cơ cấu lợi nhuận sẽ được đóng góp bởi 3 mảng chính gồm năng lượng tái tạo, bất động sản và xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận