Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Cần "cú huých" mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm đã có những tín hiệu khởi sắc, song, dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần cú huých mạnh mẽ hơn.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong để hiểu hơn về vấn đề này.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo của các Bộ, ngành cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm, đặc biệt là các kết quả về sản xuất, thương mại, đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà nền kinh tế nước ta đã đạt được trong thời gian qua?
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2024, CPI tăng 3,37%; đầu tư nước ngoài khoảng 2,36 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 73,6%, xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD...
Điểm sáng nổi bật ngay từ tháng 1 phải kể đến sản xuất công nghiệp, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ 2023 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước...
Theo những số liệu thống kê chính thức trong tháng 1 thì rõ ràng là những tín hiệu khởi sắc rất tích cực, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng. Đặc biệt, trong lĩnh vực dệt may, da giày đã có doanh nghiệp có hợp đồng đến tháng 6 và nhiều doanh nghiệp đã tuyển trở lại lao động.
Về vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng có sự tăng trưởng rất tích cực. Ngoài ra, nông nghiệp vẫn đang tiếp tục có những thuận lợi. Dịch vụ thì đang có sự bùng nổ về du lịch và một số những lĩnh vực dịch vụ khác…
Bên cạnh những thông số tích cực vẫn còn một thông số rất đáng quan ngại. Đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và rút khỏi thị trường là con số chưa từng có. Tức là số lượng doanh nghiệp mới (cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới) chỉ bằng một nửa số doanh nghiệp dừng hoạt động, rút khỏi thị trường. Đây là một tín hiệu cho thấy rằng, rõ ràng kinh tế khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn đang cần một cú huých, một lực đẩy mạnh mẽ hơn. Trong đó, đặc biệt cần thêm những nỗ lực khác cả về phía Chính phủ cũng như từ phía doanh nghiệp.
Vậy theo ông, cần những giải pháp nào để thúc đẩy nền kinh tế trong những tháng tới?
Giải pháp đã được đề cập nhiều, đơn cử như Quốc hội đã có 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Chính phủ cũng đã đưa ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Chưa kể, qua các cuộc họp định kỳ hàng tháng của Chính phủ cũng sẽ bổ sung những giải pháp cần thiết. Điều này thể hiện Quốc hội và Chính phủ đã quyết liệt đưa ra những giải pháp mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu năm, để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Tuy nhiên, có 2 giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần lưu ý. Một là cần tích cực tìm kiếm các thị trường, đa dạng hóa cũng như khai thác các thị trường đã có. Thứ hai là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là nhu cầu về năng lượng xanh, về sản phẩm sạch, thu hút FDI tạo ra chuyển biến mới về công nghệ cho Việt Nam như là chip bán dẫn và AI. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để mở ra một ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.
Theo số liệu từ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2023), doanh số toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn năm 2022 đạt gần 600 tỷ USD. Đến năm 2024, nhu cầu chip trên toàn thế giới dự báo tăng đáng kể, một số mảng như chip nhớ tăng 25%. Doanh số vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Do đó, phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà. Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số cần đi song song phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi, trong đó có chip bán dẫn…
Ông đánh giá cũng như kỳ vọng như thế nào sự phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?
Nền kinh tế của Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế. Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bối cảnh đó đòi hỏi phải ứng phó, thích ứng kịp thời, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới, tận dụng cơ hội, thời cơ để phát triển bứt phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng nhanh, bền vững và thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 5 năm đã đặt ra.
Đặc biệt, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Đây được xem là mục tiêu tương đối cao, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kinh tế Việt Nam trong tình hình mới.
Tuy nhiên, có thể nhận định chung, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn và Việt Nam sẽ tiếp tục được coi là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới.
Đỗ Nga
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận