menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Như Hoa

Chuyên gia: “Nếu khởi kiện vấn đề Biển Đông, Việt Nam gần như chắc chắn thắng”

Nên khởi kiện, ít nhất cũng sẽ gây sự chú ý của dư luận thế giới và để cho cả thế giới thấy sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Điều này cũng sẽ được ghi vào lịch sử cho các thế hệ sau có cơ sở tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên Biển Đông của Việt Nam.

Chuyên gia Gregory Poling cho rằng nếu Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng như cách Philippines từng làm trước đây.

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” ngày 6/11, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ, cho rằng: “Chúng ta cần nhận thức rõ về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông khi họ phớt lờ mọi cơ chế hợp tác và quy tắc ứng xử”.

“Tại Biển Đông, ngày càng nhiều tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động hàng ngày, quấy nhiễu các tàu khác, vi phạm luật quốc tế, gây nguy hiểm cho tàu dân sự. Đó không phải là những hành động của một nước đang tìm cách thỏa hiệp. Đó là hành động bắt nạt, tìm cách cưỡng ép các quốc gia khác trong khu vực phải chấp nhận hành động của Trung Quốc”, ông Poling nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về các hoạt động phi pháp của tàu khảo sát và các tàu hộ tống Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian vừa qua, chuyên gia Poling nhận định “các hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam, cũng như cuộc khảo sát do các tàu Trung Quốc tiến hành tại vùng biển của Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh”.

"Trung Quốc vẫn quyết tâm đơn phương theo đuổi con đường của nước này và biến Biển Đông thành ao nhà”, Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

“Trung Quốc quyết tâm ngăn Việt Nam, Philippines và Malaysia tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí mới ở bất kỳ khu vực nào nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh vạch ra. Trung Quốc thực hiện điều này bằng cách sử dụng lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển để quấy nhiễu các tàu của ngư dân và gây nguy hiểm cho các tàu thương mại theo đuổi quyền hợp pháp của họ tại Biển Đông”, ông Poling nói.

Theo chuyên gia Mỹ, điều này cho thấy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện tại giữa Trung Quốc và ASEAN “sẽ khó dẫn đến một thỏa thuận hiệu quả nhằm kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông, vì Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng thỏa hiệp”.

Lý giải về việc Trung Quốc thúc đẩy COC ở thời điểm hiện tại, ông Poling cho rằng động thái này giúp Trung Quốc thay đổi câu chuyện từ năm 2016, khi Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế coi là cường quốc bánh trướng. Năm 2016 cũng là năm tòa trọng tài thường trực ở Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

“Bây giờ Trung Quốc có thể tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm một con đường đàm phán. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng thỏa hiệp lập trường của nước này. Do vậy, sẽ có hai khả năng xảy ra. Hoặc là Trung Quốc và ASEAN đạt được COC nhưng thỏa thuận này không đủ kiềm chế Trung Quốc, hoặc là không thể đạt được một thỏa thuận về COC. Theo đó, Trung Quốc sẽ có thêm vài năm để gia tăng sự kiểm soát của nước này tại Biển Đông, trong khi ASEAN vẫn đang tiếp tục đàm phán”, ông Poling nhận định.

Gợi ý nào cho Việt Nam?

Theo chuyên gia Poling, trong vấn đề Biển Đông, ngoài các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, Mỹ hiện tập trung nhiều vào các “công cụ” quân sự như tập trận chung, triển khai tàu sân bay tới khu vực. Trong khi đó, chiến lược của Trung Quốc tập trung vào các biện pháp phi quân sự như triển khai hàng loạt tàu cá, tàu tuần duyên tới Biển Đông.

“Những gì Mỹ cần làm là tập trung nhiều hơn vào mặt trận ngoại giao và kinh tế để đối phó với Trung Quốc. Chúng ta nên nêu vấn đề này tại các diễn đàn quốc tế như là vấn đề ưu tiên hàng đầu của khu vực châu Á. Việt Nam nên nêu vấn đề này tại Liên Hợp Quốc khi Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Chúng ta cũng cần tính đến việc làm thế nào để trừng phạt các thực thể và công ty Trung Quốc sở hữu các tàu cá hay tàu khảo sát có hành vi vi phạm ở Biển Đông”, ông Poling đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia Mỹ, “cách duy nhất để thay đổi thực trạng hiện nay là sử dụng sức ép đáng kể về mặt ngoại giao và kinh tế để thuyết phục Trung Quốc rằng, nước này đang mất đi vị thế của một nước đi đầu toàn cầu nếu tiếp tục thực hiện các hành vi bành trướng”.

“Điều này, nếu thực hiện được, sẽ thuyết phục Bắc Kinh có các cuộc đàm phán thực chất với Việt Nam cũng như các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông”, ông Poling nói.

Ông Poling cho biết Việt Nam cũng có thể đưa các vấn đề liên quan tới Biển Đông ra thảo luận khi trở thành chủ tịch ASEAN vào năm sau.

“Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cân nhắc tới việc đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài. Mỹ và các nước lớn bên ngoài tranh chấp Biển Đông có thể hỗ trợ cho nỗ lực này bằng cách tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, vẫn phải đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực này”, ông Poling nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Poling, “nếu Việt Nam đệ đơn kiện Trung Quốc, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ thắng”.

“Vụ kiện của Philippines đã tạo tiền lệ để Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, thắng kiện mới chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam sau đó phải nêu chiến thắng này tại Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn khác, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thuyết phục Bắc Kinh tuân thủ phán quyết. Đây là điều mà Philippines chưa bao giờ làm”, chuyên gia Poling nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại