Chuyên gia: Mỹ đang thực hiện bảo hộ thương mại ở quy mô lớn nhất trong gần 1 thế kỷ
Bài viết thể hiện quan điểm của Bhim Bhurtel – cựu giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu Trung tâm Nam Á Nepal. Ông hiện đang giảng dạy Kinh tế phát triển và Kinh tế chính trị toàn cầu của chương trình Thạc sĩ tại Đại học mở Nepal.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế cho 3 nhà kinh tế người Mỹ: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson. Giải thưởng ghi nhận “công trình mang tính đột phá” của họ về vai trò của các thể chế trong định hình phát triển kinh tế.
Phân tích của 3 nhà kinh tế nhấn mạnh cách các “thể chế bao hàm” thúc đẩy thành công kinh tế trong khi các “thể chế khai thác” góp phần khiến kinh tế thất bại.
Tuy nhiên, theo Bhim Bhurtel – cựu giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu Trung tâm Nam Á Nepal, giải Nobel Kinh tế 2024 thực tế là đang đề cao sự chuyển dịch của Mỹ sang chủ nghĩa bảo hộ và rời xa tự do hóa và toàn cầu hóa.
Một trong những nghịch lý lớn nhất của đầu thế kỷ 21 là Mỹ, vốn là quốc gia ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do và thương mại tự do mạnh mẽ nhất, hiện đang thực hiện các chính sách bảo hộ có quy mô chưa từng thấy kể từ những năm 1930.
Trong những năm gần đây, phương Tây đã dần từ bỏ lý tưởng về kinh tế thị trường tự do và thương mại tự do trước sức mạnh kinh tế do nhà nước lãnh đạo và trợ cấp của Trung Quốc.
Tư duy kinh tế truyền thống cho rằng trợ cấp có hại cho thị trường tự do vì chúng gây mất kết nối giữa giá cả và chi phí sản xuất, do đó làm méo mó thị trường. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng được coi là sự bóp méo thị trường dẫn đến tình trạng kém hiệu quả và phân bổ nguồn lực sai.
Tuy nhiên, chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden rõ ràng đã đi chệch khỏi các nguyên tắc của thị trường tự do. Các chính sách công nghiệp dưới chính quyền ông Biden cho thấy sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ, bao gồm trợ cấp trực tiếp, giảm thuế và ưu đãi tín dụng. Còn các chính sách thương mại đã dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Đạo luật CHIPS & Khoa học, và Đạo luật Nghiên cứu và Phát triển, Cạnh tranh và Đổi mới mang lại trợ cấp đáng kể và giảm thuế cho các công ty Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã thiết lập chính sách “Mua hàng Mỹ” cho hoạt động mua sắm của chính phủ – một hành vi vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Những chính sách này và các điều khoản cho vay thuận lợi đối với các doanh nghiệp nội cho thấy đây là thương mại bảo hộ. Chúng bao gồm duy trì thuế quan có từ thời ông Donald Trump đối với hàng hóa nước ngoài, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa và các biện pháp trừng phạt chống lại cáo buộc bán phá giá của nước ngoài tại thị trường Mỹ.
Mỹ thậm chí đã áp dụng mức thuế lên tới 100% đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất, vượt xa mức thuế theo Đạo luật Thuế quan Smoot–Hawley những năm 1930 khi áp dụng mức thuế tối đa khoảng 62%.
Trong bài phát biểu ngày 27/4/2023 tại Viện Brookings, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã phác thảo chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden. Sullivan cho rằng các thách thức của đất nước, bao gồm ngành sản xuất bị “rỗng ruột”, bất bình đẳng kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và khủng hoảng khí hậu, là do các chính sách kinh tế trong quá khứ.
Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt của Mỹ so với mô hình “Đồng thuận Washington” những năm 1990. Đây là chính sách ủng hộ thị trường tự do và tự do hóa thương mại, được thúc đẩy trên toàn cầu bởi Bộ Tài chính Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Sullivan nói rõ rằng chính sách kinh tế của ông Biden, hay còn gọi là Bidenomics, không dựa vào hệ tư tưởng thị trường tự do mà phương Tây từng cho là vượt trội hơn các hệ thống kinh tế khác.
Nhận xét của Sullivan cho thấy bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ra sao, Mỹ vẫn đang dần rời xa nền kinh tế thị trường và áp dụng cách tiếp cận bảo hộ nhiều hơn.
Phương Tây cũng đã làm suy yếu tính thiêng liêng của tài sản tư nhân thông qua việc tịch thu tài sản Nga, thách thức thể chế sở hữu tư nhân. Các lệnh trừng phạt này, bao gồm đóng băng tài sản và tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga nằm tại các ngân hàng phương Tây, là một cuộc tấn công trực tiếp vào quyền sở hữu tư nhân.
Động thái chưa từng có này tạo ra tiền lệ nguy hiểm bằng cách chính trị hóa tài sản kinh tế và một lần nữa làm suy yếu các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Bằng cách làm mờ ranh giới giữa trừng phạt chính trị và quản trị kinh tế, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã làm xói mòn lòng tin mà toàn cầu dựa vào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận