Chuyên gia: Mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% GDP năm 2024 khó khả thi
Bình luận về mục tiêu tăng trưởng 2023, trao đổi với chúng tôi TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc Quốc hội vừa thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ là tiền đề quan trọng để cả nước có cơ sở cùng phấn đấu thực hiện.
Về chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5%, theo ông Việt năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng này khó có thể đạt được do tác động của tình hình khó khăn chung trên thế giới và nội tại. Có thể thấy rằng, những bất ổn toàn cầu vẫn tiềm ẩn sự gia tăng, các tổ chức quốc tế vẫn dự báo không mấy khả quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2024.
Thêm vào đó, Việt Nam là một nước với nền kinh tế có độ mở cao, nên động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng khá tiêu cực do sự suy giảm cầu trên thế giới, ngoài ra dù có những tín hiệu tích cực hơn từ đầu tư công hoặc khôi phục kinh doanh trong nước, nhưng các khó khăn vẫn còn rất lớn, khả năng duy trì hoặc bứt phá của các động lực bên trong cũng chưa rõ ràng cho năm 2024.
“Trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới còn “u ám” thì đây là một chỉ tiêu để phấn đấu. Tuy nhiên, chỉ tiêu này cũng có cơ sở từ các tiến bộ của các động lực tăng trưởng trong nước và sự thành công duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Việt nói.
Ngoài ra, với nỗ lực ngoại giao xuất sắc dịp cuối năm 2023, kỳ vọng sẽ có những đột phá mới trong kinh tế đối ngoại, nhất là thu hút đầu tư quốc tế trong năm 2024 và nhờ đó hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2024.
Để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất có thể, ông Việt cho rằng trong năm tới, cần chú trọng trước hết là đầu tư công, phải đảm bảo chi đúng, trúng và đủ cho các dự án trọng điểm.
“Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công, đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024”, ông Việt nói.
Đặc biệt, theo ông Việt, các chính sách thuế, phí cũng cần dự trên tình hình thực tế. Trong bối cảnh cần duy trì chính sách tài khóa mở rộng, cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay, không nên có động thái tăng hoặc bổ sung một số loại thuế, phí mới.
“Theo tôi, cần nhất lúc này là “khoan thư” sức dân, không nên "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", gây xáo trộn môi trường kinh doanh vốn đã không có nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình”, ông Việt nói.
Ngoài việc khoan thư sức dân, thì các chính sách tài chính cũng cần hướng đến tạo lập một môi trường minh bạch, ổn định và công bằng. Nhất là làm sao các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong thời gian tới, chỉ nên là vốn mồi để thu hút được thêm các nguồn lực trong và ngoài nước, hỗ trợ cho quá trình phát triển các nền tảng hạ tầng cho các mô hình tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, tuần hoàn và chuyển dịch năng lượng tái tạo.
Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhất là tham gia xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các khoản nợ xấu, gắn với các can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ, qua đó giúp hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô cũng sẽ là yếu tố cần quan tâm khi hoạch định các chính sách tài chính cho năm 2024.
Ông Việt cho rằng, các chính sách tài chính dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, nên theo tôi, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng với tổng cầu, từ đó kết hợp ổn định vĩ mô thì sẽ tăng được cơ sở thu bền vững trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận