Chuyên gia kinh tế: Ứng dụng IBG dùng tiền thật mua tiền ảo, độ rủi ro cao
Theo chuyên gia, app IBG thực chất là mô hình dùng tiền thật để mua tiền ảo nhưng tiền ảo này chỉ có thể sử dụng trong hệ sinh thái của IBG và độ rủi ro cao.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tiên Hoàng - CEO Công ty You Digital Việt Nam - cho biết, các hình thức kiếm tiền thông qua app điện tử đang nở rộ như nấm sau mưa, có thể kể đến các app MyAladdinz, BBI, IBG… Đây thường là các ứng dụng mua sắm trực tuyến với cơ chế tích điểm, hoàn tiền “khủng”, có thể từ 80% đến 180% so với số tiền bỏ ra ban đầu.
Dùng tiền thật mua tiền ảo
Về ứng dụng IBG (app IBG) với tỷ lệ hoàn giá trị sản phẩm đến 80%, ông Hoàng nói:"Trên app IBG, rất nhiều mặt hàng được rao bán. Ví dụ một cái bánh trung thu được rao bán với giá 25 IBG. Vậy làm sao để có được IBG? Người dùng sẽ phải tích luỹ điểm hoặc sử dụng USDT để mua IBG", ông Hoàng nói.
Tuy nhiên, IBG Việt Nam cho biết không có chính sách bán IBG, mà chỉ là "trao đổi". Theo đó, công ty cũng không nhận tiền VNĐ hay USD mà chỉ giao dịch bằng tiền điện tử là USDT. Nếu muốn "trao đổi" IBG, người dùng phải qua một sàn quốc tế, dùng USD để đổi qua USDT, sau đó đem USDT đổi IBG.
Ông Hoàng cho biết, USDT là ký hiệu của Tether, là mã thông báo thiết kế trên giao thức Omni Layer và được phát hành trên Blockchain Bitcoin. Người dùng có thể giao dịch, giữ hoặc chuyển cho người khác tương tự các loại tiền điện tử khác.
Mỗi đồng USDT được bảo chứng bằng 1 đồng USD trong tài khoản của đơn vị phát hành. Người dùng có thể yên tâm nắm giữ USDT và có thể tự do chuyển đổi sang USD bất cứ lúc nào. Có thể xem đây chính là USD phiên bản điện tử.
Trong các giao dịch của app IBG, doanh nghiệp này khuyến khích người dùng nâng cấp tài khoản theo cấp độ từ Slive (bạc) đến Diamond (kim cương) để nhận các đặc quyền tăng gấp 5 lần giá trị tài sản của gói đầu tư tham gia.
"Chiêu bài nhân 5 số điểm được hiểu là nếu người dùng có 1.000 IBG, tài khoản của họ sẽ được tặng thêm 5.000 điểm. IBG càng nhiều, điểm thưởng càng 'khủng'. Do đó, không ít người vì muốn có điểm thưởng mà sẵn sàng dùng USD đi đổi USDT để quay về app mua IBG.
Rủi ro cao
Theo ông Hoàng, việc huy động tiền, giao dịch ngoại tệ hay các đồng tiền khác tại thị trường Việt Nam đều sai với quy định giao dịch trao đổi tiền tệ tại Việt Nam. USDT hiện cũng không được pháp luật thừa nhận trong giao dịch.
Thực tế, loại hình ứng dụng mua sắm này hoạt động rất tinh vi với mục đích huy động vốn theo dạng Ponzy và theo hình thức đa cấp: Người giới thiệu trực tiếp có thể được hoa hồng 5-10%, hoa hồng gián tiếp 2-5% và kèm phần trăm nhận được giao dịch từ 0,4% - 0,8%.
Hiện các công ty sở hữu loại ứng dụng mua sắm này đều có đội ngũ nhân viên tư vấn hùng hậu. Họ nắm được tâm lý của khách hàng thường muốn làm giàu nhanh nên dụ dỗ nhiều người tham gia, huy động hàng trăm tỷ đồng là điều không khó.
Về mức lợi nhuận 80%, ông Hoàng khẳng định là điều không thể, phi lý và phản kinh tế. Sở dĩ số điểm được thưởng "khủng" là bởi IBG muốn níu chân người dùng trong hệ sinh thái. Người dùng sẽ mất hơn một năm sử dụng app để nhận tối đa số điểm.
Ngày 3/9/2020, IBG Việt Nam phát hành app IBG. Người tiêu dùng sẽ dùng tiền để mua USDT (23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG), sau đó sử dụng IBG để mua hàng. Dùng app IBG mua hàng, họ sẽ được hoàn lại 80% giá trị sản phẩm sau khi mua theo đơn vị điểm. Trong số điểm hoàn về, người tiêu dùng chỉ được sử dụng 0,2% để quy ra IBG.
Trả lời VTC News, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, app IBG chưa đăng ký hoạt động với Sở.
"Căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, qua rà soát, app IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công Thương. Đối với Sở Công Thương TP.HCM, chúng tôi cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này", ông Hoàng Vũ thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận